Đại diện Sở GTVT Hà Nội khẳng định sẽ lắng nghe và tiếp thu mọi ý kiến phản biện.
Mục tiêu giảm ùn tắc
Theo thống kê mới nhất, Hà Nội đã có khoảng 8 triệu dân, trên 7,4 triệu phương tiện, chưa kể một lượng lớn xe cơ giới từ các địa phương khác thường xuyên hoạt động trên địa bàn. UTGT đã trở thành vấn nạn TP đang phải đối diện từng ngày.
Năm 2017, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết thực hiện “Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm UTGT và bảo vệ môi trường giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Nội dung chính của đề án là giảm thiểu phương tiện cá nhân nhằm giảm UTGT cũng như ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP.
Một trong những biện pháp được nghiên cứu nhằm giảm lưu thông phương tiện cá nhân là xây dựng “Đề án thu phí phương tiện vào một số khu vực trên địa bàn TP có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường để hạn chế xe cơ giới đi vào”.
Đại diện Sở GTVT Hà Nội khẳng định, phương án thu phí phương tiện xe cơ giới sẽ chỉ nghiên cứu áp dụng đối với một số khu vực có nguy cơ UTGT, ô nhiễm môi trường cao tại Thủ đô. Loại phí này sẽ có tên định danh là Phí giảm UTGT và ô nhiễm môi trường. Người sử dụng phương tiện có thể lựa chọn không trả phí và đi theo cung đường khác hoặc phương tiện công cộng thuộc diện không phải đóng phí, nghĩa là loại phí không bắt buộc.
Theo đề án, ranh giới khu vực thu phí được giới hạn bởi các đường Vành đai 3 - cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - Tây Hồ Tây - Võ Chí Công - cầu Nhật Tân - Hoàng Sa - Trường Sa - Lý Sơn - Nguyễn Văn Linh - Vành đai 3. Trên cơ sở các tuyến đường khép kín, dự kiến sẽ có 68 vị trí với 87 trạm thu phí được đặt, áp dụng công nghệ thu phí không dừng (ETC), kết hợp công nghệ thu phí với hệ thống camera giám sát để đảm bảo không gây UTGT tại các trạm. Thời gian đề xuất thu phí xe ô tô vào nội thành thuộc khung từ 5 - 21 giờ, trong đó có phân biệt mức phí giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm.
Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết thêm, thời gian qua, Sở vẫn lắng nghe những ý kiến của người dân, cơ quan báo chí truyền thông về vấn đề này để tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh chứ không áp đặt việc thu phí khi các điều kiện không cho phép. Mặt khác, ngày 19/6/2020, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 115/2020/QH14 về “Thí điểm một số cơ chế chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội”.
Ngày 16/10/2018, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Văn bản số 10040/VPCP - KTTH về đề nghị của TP Hà Nội để thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm UTGT và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 và tầm nhìn 2030”.
Ngày 5/4/2022, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP về tăng cường đảm bảo trật tự, ATGT và chống UTGT giai đoạn 2022 - 2025.
Trong nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nghị quyết giao “UBND các TP: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hồ Chí Minh ngoài triển khai các nội dung theo quy định tại khoản 14 Mục này, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ: Nghiên cứu xây dựng, triển khai Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn TP có nguy cơ UTGT và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”. Đây là các cơ sở quan trọng để Sở GTVT giao nhiệm vụ cho Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội nghiên cứu và xây dựng đề án theo đúng tinh thần chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội đã ký hợp đồng tư vấn với Trung tâm tư vấn phát triển giao thông vận tải thuộc trường Đại học GTVT để tiến hành nghiên cứu và xây dựng đề án.
Chưa vội vàng áp dụng
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội và đơn vị tư vấn đã tổ chức nhiều buổi hội thảo, tham vấn ý kiến của cộng đồng dân cư, các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực liên quan để nhận được nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc.
Hơn nữa, để đảm bảo đủ các điều kiện thực hiện đề án cần hoàn thành việc số hóa, đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu và chia sẻ dữ liệu về hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông, trang thiết bị trên các phương tiện cơ giới. Như vậy mới có thể thực hiện được thu phí phí không dừng và xử lý vi phạm bằng hình ảnh, đảm bảo không UTGT tại các khu vực thu phí.
Quan trọng hơn nữa là mạng lưới vận tải công cộng phải đảm bảo năng lực đáp ứng tối thiểu 30% nhu cầu đi lại của người dân, để người đi xe ô tô cá nhân có thể chuyển đổi phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng. Đồng thời đảm bảo các điều kiện về kết cấu hạ tầng giao thông; hệ thống điểm giao thông tĩnh, bãi đỗ xe và trung chuyển kết nối giữa các loại hình giao thông cá nhân với hệ thống vận tải công cộng.
Đại diện Sở GTVT Hà Nội chia sẻ, các nội dung phản biện xã hội, những ý kiến đa chiều từ người dân, truyền thông là hết sức cần thiết và luôn được tiếp thu một cách cầu thị nhất.
Nhiều chuyên gia đề xuất, muốn thực hiện phương án thu phí để nhắm tới mục tiêu tác động vào ý thức của người dân, làm thay đổi thói quen sử dụng xe cá nhân, Hà Nội phải làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân. Đồng thời phải ứng dụng khoa học, công nghệ vào việc thu phí, tổ chức phân luồng từ xa đảm bảo không để xảy ra ùn tắc tại các trạm, không gây phiền hà cho người dân.
Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung chia sẻ, một số đô thị lớn trên thế giới đã áp dụng các biện pháp gia tăng thuế phí lên xe cơ giới cá nhân từ hàng chục năm qua. Chính nhờ những chế tài kinh tế nghiêm khắc đó, lượng xe cá nhân tại nhiều đô thị giảm đáng kể, UTGT cũng được kiềm chế, các chỉ số môi trường ở ngưỡng an toàn, tốt cho sức khỏe người dân.
“Tuy nhiên, người dân cần nhìn nhận rõ vấn đề, Hà Nội mới đang trong bước nghiên cứu, chưa áp dụng biện pháp thu phí như nói trên” - thạc sĩ Vũ Hoàng Chung nói.