"Ngoại giao gấu trúc" mang lại cho Trung Quốc những gì?

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cập Bình đã chứng kiến xu hướng mở rộng của mô hình "ngoại giao gấu trúc".

"Sức mạnh mềm" đặc biệt

Bắc Kinh đã sử dụng gấu trúc như một công cụ ngoại giao từ những năm 1950. Nhưng có thể thấy trong giai đoạn lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã chứng kiến sự mở rộng của ngoại giao gấu trúc. Kể từ năm 2014, Bắc Kinh đã gửi 21 con gấu trúc ra nước ngoài, 13 con trong số đó đã đến châu Âu. Thời gian thuê trung bình cũng được kéo dài lên 15 năm so với 10 năm trước đó.

Một khảo sát của Nikkei Asia về thỏa thuận của Trung Quốc cho các vườn thú trên toàn thế giới mượn gấu trúc, với chi phí thông thường là 1 triệu USD/năm cho mỗi cặp, ghi nhận hoạt động này mang lại doanh thu cho Trung Quốc gần 300 triệu USD kể từ năm 1994.

Các quốc gia nhận được gấu trúc từ Trung Quốc. Ảnh: Nikkei. 
Các quốc gia nhận được gấu trúc từ Trung Quốc. Ảnh: Nikkei. 

Số tiền này rất khiêm tốn so với quy mô khổng lồ của nền kinh tế Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhưng các thỏa thuận cho vay mà Trung Quốc cung cấp kinh phí cho công tác nghiên cứu bảo tồn gấu trúc, được các chuyên gia cho là một trong những công cụ quảng bá quyền lực mềm chính của Bắc Kinh.

Việc cho mượn Pyry, một "bé trai" hiện 10 tuổi và Lumi, một "bé gái" 9 tuổi, là một "món quà" từ Trung Quốc dành cho Phần Lan nhân kỷ niệm 100 năm ngày độc lập của Phần Lan, một loại sự kiện ngoại giao thường được coi có ý nghĩa quan trọng. 

Thỏa thuận kéo dài 15 năm được công bố trong chuyến thăm chính thức Phần Lan của Chủ tịch Tập Cận Bình vào năm 2017. “Hãy để những chú gấu trúc khổng lồ trở thành đại sứ cho tình hữu nghị giữa hai nước chúng ta,” ông nói trong một buổi lễ ở Helsinki.

Các cuộc đàm phán về gấu trúc ở Phần Lan đã bắt đầu từ ba năm trước, khi Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp tổ chức các cuộc thảo luận với Vườn thú Ahtari, Vườn thú Helsinki và Vườn thú Ranua – nơi chuyên về các loài ở Bắc Cực – để đánh giá sự quan tâm của họ đối với việc nuôi giữ các loài động vật này.

Báo cáo địa phương cho biết, đến tháng 12/ 2014, Bộ đã quyết định Ahtari là nơi sinh sống của gấu trúc, chủ yếu là do điều kiện khí hậu của thị trấn giống với môi trường sống tự nhiên của loài gấu trúc này.

Vào tháng 1/2018, hai chú gấu trúc đã hạ cánh xuống Helsinki sau chuyến bay kéo dài 10 giờ từ Trung Quốc. Các quan chức hàng đầu của Chính phủ Phần Lan và đại sứ Trung Quốc đã có mặt để chào đón cặp đôi.

Ngôi nhà Snowpanda, được cho là có kinh phí xây dựng 8,2 triệu euro, chiếm vị trí "mặt tiền" ở lối vào Sở thú Ahtari, Phần Lan. Ảnh: Reuters
Ngôi nhà Snowpanda, được cho là có kinh phí xây dựng 8,2 triệu euro, chiếm vị trí "mặt tiền" ở lối vào Sở thú Ahtari, Phần Lan. Ảnh: Reuters

Mục tiêu của Ahtari là thúc đẩy nền kinh tế dựa vào du lịch. Bản thân vườn thú được thành lập cách đây 50 năm với nỗ lực tạo việc làm mới cho thị trấn và đảo ngược tình trạng suy giảm dân số.

Theo các phương tiện truyền thông, ngoài việc đồng ý trả khoảng 1 triệu USD mỗi năm cho hợp đồng thuê gấu trúc, vườn thú còn xây dựng một ngôi nhà gấu trúc với chi phí 8,7 triệu USD, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông.

Vườn thú chưa tiết lộ số tiền chính xác mà họ trả cho Trung Quốc, nhưng Giám đốc điều hành Arja Väliaho nói với truyền thông Phần Lan hồi đầu năm nay rằng tổng chi phí của gấu trúc lên tới 1,6 triệu USD/năm.

Gấu trúc là loài động vật cần nuôi dưỡng đặc biệt cẩn thận - chúng đặc biệt quan tâm đến thức ăn và cần nhiều sự chăm sóc cũng như không gian. Cựu Giám đốc điều hành của Sở thú Atlanta, Mỹ, nói với National Geographic rằng việc chăm sóc gấu trúc tốn kém gấp 5 lần so với loài động vật đắt giá thứ hai của vườn thú là voi.

Vườn thú Ahtari hy vọng sẽ bù đắp được chi phí thông qua việc tăng mạnh số lượng khách tham quan và khám phá các cơ hội thương mại. Nhiều vườn thú nuôi gấu trúc ở các quốc gia khác nhận được sự hỗ trợ của chính phủ để trang trải chi phí vay, nhưng Vườn thú Ahtari hoạt động như một công ty cổ phần do thành phố Ahtari sở hữu 99%, thay vì một quỹ từ thiện hoặc doanh nghiệp nhà nước.

Sự xuất hiện của Pyry và Lumi đã mang lại cho sở thú sự thúc đẩy ban đầu – doanh thu năm 2018 của công viên cao hơn gấp đôi so với năm trước và gần như đạt mục tiêu 280.000 lượt khách hàng năm, theo hồ sơ tài chính của sở thú và báo cáo truyền thông địa phương.

Nhưng 5 năm trôi qua, kế hoạch đầy tham vọng này đã không thành công.

Dịch bệnh COVID-19 bùng phát, kéo theo đó là các lệnh trừng phạt chống lại Nga vì chiến sự ở Ukraine. Kết hợp lại, những điều này đã khiến khách du lịch phải ở nhà và đầu năm nay vườn thú đã cảnh báo họ có thể phải trả cặp đôi này về Trung Quốc vì cơ sở này không còn đủ khả năng chi trả cho việc nuôi dưỡng. 

Khi thời gian thuê kết thúc, Vườn thú Quốc gia ở Mỹ đã thông báo vào tuần trước rằng ba chú gấu trúc của họ sẽ trở về Trung Quốc vào giữa tháng 11 và Vườn thú Edinburgh ở Anh đang chuẩn bị gửi cặp gấu trúc của mình về nước trước cuối năm 2023.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chuẩn bị gặp nhau lần đầu tiên sau một năm tại San Francisco vào cuối tháng này, làm dấy lên đồn đoán của giới truyền thông về tương lai của ngoại giao gấu trúc giữa hai cường quốc.

Ngoại giao gấu trúc

Các hóa đơn do Vườn thú Ahtari đưa ra có thể là ví dụ điển hình về các chi phí cần chi trả ở khoảng 20 quốc gia đã ký kết các thỏa thuận tương tự về gấu trúc với Trung Quốc kể từ năm 1994.

Khoản "cho mượn" gấu trúc mới nhất đến vào tháng 10/2022, khi Trung Quốc gửi một cặp đến Qatar trùng với thời điểm quốc gia vùng Vịnh này đăng cai tổ chức World Cup. Năm ngoái, thương mại giữa hai nước đã tăng 55%, trong đó Qatar trở thành thị trường trung tâm của Trung Quốc.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái), và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm gấu trúc tại Vườn thú Moscow, Nga, vào tháng 6/2019. Ảnh: Reuters
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái), và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm gấu trúc tại Vườn thú Moscow, Nga, vào tháng 6/2019. Ảnh: Reuters

Một cuộc xem xét hồ sơ vườn thú, hồ sơ pháp lý, tài liệu công cộng và báo cáo truyền thông do Nikkei thực hiện cho thấy ít nhất 280 triệu USD đã được gửi đến Trung Quốc kể từ năm 1994 bởi các vườn thú, từ Toronto đến Tokyo.

Tại Malaysia, vào tháng 11/2016, chính phủ ước tính nước này sẽ cần chi hơn 151 triệu ringgit (khoảng 35 triệu USD theo tỷ giá hối đoái vào thời điểm đó) vào năm 2024 để nuôi một cặp gấu trúc tại Vườn thú Negara của Kuala Lumpur trong 10 năm.

Ở Mỹ, bắt đầu từ năm 1996, bốn vườn thú – San Diego, Atlanta, National và Memphis – mỗi bên đã thuê một cặp gấu trúc. Theo một bài báo của Washington Post năm 2005, trong 4 năm tính đến năm 2003, các vườn thú đã chi tổng cộng 33 triệu USD cho việc nuôi gấu trúc so với doanh thu họ nhận được từ chúng.

Le Le và Ya Ya, định cư tại Vườn thú Memphis năm 2003, là những con gấu trúc gần nhất được Mỹ thuê.

Rebecca Snyder, cựu nhân viên phụ trách nghiên cứu và quản lý gấu trúc khổng lồ tại Vườn thú Atlanta, cho biết chi phí là trở ngại chính đối với việc có thêm nhiều sở thú nuôi loài động vật này.

Theo Snyder, các vườn thú tại Mỹ đã đàm phán giảm phí thuê gấu trúc với Trung Quốc. Bắc Kinh cuối cùng đã đồng ý giảm một nửa phí cho thuê hàng năm xuống còn 500.000 USD mỗi cặp trong bất kỳ khoảng thời gian kéo dài nào ngoài các thỏa thuận ban đầu. 

Cuộc điều tra của Nikkei cho thấy các khoản giảm giá tương tự dường như đã được cấp tại thời điểm gia hạn hợp đồng với Sở thú Edinburgh ở Anh – nơi nói với Nikkei rằng họ sẽ không gia hạn hợp đồng thuê gấu trúc sau khi cặp đôi của nó được trả về Trung Quốc vào tháng tới – và Sở thú Adelaide ở Australia cho biết những chú gấu trúc tại đây sẽ quay trở lại Trung Quốc vào năm tới.

Cả hai tổ chức đều có một năm đầu tiên thành công sau khi gấu trúc xuất hiện, nhưng số lượng người tham dự sau đó đã giảm.

Sự nổi tiếng rộng rãi của gấu trúc con Xiang Xiang sinh ra ở Tokyo đã thúc đẩy lợi ích kinh tế tại Sở thú Ueno ở thủ đô Nhật Bản. Theo giáo sư kinh tế danh dự Katsuhiro Miyamoto của Đại học Kansai, Xiang Xiang đã đóng góp 53,9 tỷ yên (360 triệu USD) cho nền kinh tế Nhật Bản chỉ trong 3 năm rưỡi đầu đời, từ 2017 đến 2020.

Theo thỏa thuận cho vay, các vườn thú nuôi gấu trúc phải trả thêm tiền cho Trung Quốc cho mỗi gấu trúc con sinh ra ở nước ngoài. Những chú gấu trúc con này vẫn là tài sản của Trung Quốc và phải được trả lại khi chúng được 2 đến 4 tuổi.