Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngoại trưởng Đức-Mỹ sắp thảo luận về khủng hoảng Nga-Ukraine

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ là vấn đề trọng tâm trong chương trình nghị sự thăm Mỹ của Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock giữa tuần này.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock sẽ thăm Mỹ vào ngày 5/1.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock sẽ thăm Mỹ vào ngày 5/1.

Theo Reuters, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Đức hôm 3/1 cho biết Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock sẽ đến Washington, bắt đầu chuyến  thăm Mỹ vào ngày 5/1. Dự kiến, Ngoại trưởng Baerbock sẽ thảo luận về căng thẳng Nga-Ukraine trong cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken.

Theo người phát ngôn, chương trình nghị sự trong chuyến thăm Mỹ chính thức đầu tiên của Ngoại trưởng Baerbock sẽ gồm các vấn đề quan trọng khác như việc đối thoại với Nga, khí hậu, chính sách đối ngoại…

Trong một diễn biến liên quan, hãng Tass ngày 4/1 đưa tin người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Hebestreit thông báo Cố vấn của Thủ tướng Đức Jens Plotner sẽ có cuộc gặp với những người đồng cấp Nga và Pháp trong tuần này để thảo luận về vấn đề Ukraine.

Điện Kremlin hôm 3/1 cho biết Phó Chánh Văn phòng Điện Kremlin Dmitry Kozak sẽ có cuộc hội đàm với những người đồng cấp Đức và Pháp theo định dạng Normandy tại Moscow vào ngày 6/1.

Theo người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Hebestreit, chính quyền  Berlin khẳng định căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và Ukraine chỉ có thể được giải quyết thông qua giải pháp ngoại giao.

Trước đó, trong cuộc điện đàm hôm 30/12/2021 với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Joe Biden tuyên bố Mỹ sẽ đáp trả dứt khoát mọi cuộc tấn công nhằm vào Ukraine. Về phần mình, Tổng thống Putin cảnh báo Washington không áp đặt biện pháp trừng phạt mới.

Căng thẳng giữa Nga với phương Tây liên quan đến vấn đề Ukraine leo thang gần đây, biến điểm nóng này thành một "ngòi nổ" xung đột ở châu Âu. Giới chức phương Tây cáo buộc Nga điều khoảng 70.000-100.000 quân tới sát biên giới với Ukraine, bày tỏ lo ngại nước này có thể phát động một cuộc chiến tổng lực.

Nga bác bỏ cáo buộc trên và tuyên bố chúng "vô căn cứ", khẳng định mọi động thái quân sự ở biên giới phía tây hoàn toàn vì mục đích phòng thủ.

Nga hồi tháng 12/2021 đã công bố hai dự thảo về 8 đề xuất an ninh với Mỹ và NATO, nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng. Trong dự thảo, Nga yêu cầu NATO rút toàn bộ binh sĩ và vũ khí khỏi những nước gia nhập liên minh sau năm 1997, gồm Ba Lan, Estonia, Litva, Latvia và các nước vùng Balkan. Moscow cũng muốn NATO ngừng mở rộng về phía đông, không kết nạp Ukraine vào khối và không diễn tập tại Ukraine, Đông Âu, Trung Á và các nước vùng Kavkaz nếu chưa có sự đồng thuận từ Nga.

Trong nỗ lực giảm căng thẳng, giới chức Mỹ tuần trước thông báo Washington và Moscow sẽ đàm phán về an ninh châu Âu và xung đột Ukraine ngày 10/1 tới. Sau đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cũng xác nhận thông tin, đồng thời thông báo cuộc đàm phán sẽ diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ, nơi ông Putin và Biden họp thượng đỉnh lần đầu hồi tháng 6.

Trong khi đó, quan chức của NATO ngày 4/1 nói với hãng tin Reuters rằng Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg sẽ tổ chức cuộc họp hội đồng NATO-Nga vào ngày 12/1 tới. "Bất kỳ cuộc đối thoại nào với Nga sẽ được tiến hành dựa trên cơ sở có đi có lại, giải quyết những lo ngại của NATO và được thực hiện với sự tham vấn của các đối tác châu Âu của NATO", quan chức này cho hay khi đề cập đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine./.