Ngọn nguồn của khủng bố ở Pakistan

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đằng sau những bạo loạn khủng bố ở Pakistan lại chính là Afghanistan - người anh em từng kề vai tác chiến chống lại Mỹ trước đây

Mới đây, đã có tổng cộng 101 người thiệt mạng và 200 người bị thương -chủ yếu là cảnh sát – tại Nhà thờ Hồi giáo Police Line ở thành phố Peshawar, tây bắc Pakistan trong một vụ đánh bom tự sát được giật dây bởi tổ chức TTP nhằm trả thù cho thủ lĩnh của mình.

Vụ đánh bom này khiến cho người dân Pakistan cảm thấy hoang mang hơn bao giờ hết, nhất là trong thời điểm quốc gia này tin rằng xung đột đã kết thúc vào năm 2021 và Taliban không còn gây hấn nữa vì Pakistan đã hỗ trợ họ trong nhiều năm. Tuy nhiên, ngược lại, tình trạng khủng bố lại ngày càng gia tăng, mà chủ mưu đến từ  chính phủ mới ở Afghanistan.

Một vụ đánh bom tự sát đã giết chết 101 người trong một nhà thờ Hồi giáo ở Peshawar, Pakistan vào tháng 1/2023. Nguồn:  Nikkei Asia
Một vụ đánh bom tự sát đã giết chết 101 người trong một nhà thờ Hồi giáo ở Peshawar, Pakistan vào tháng 1/2023. Nguồn:  Nikkei Asia

Năm ngoái, có 262 vụ tấn công khủng bố ở Pakistan - nhiều nhất trong 4 năm - theo dữ liệu do Viện Nghiên cứu Hòa bình Pak ở Islamabad. Những xung đột ở biên giới giữa quân đội Afghanistan và Pakistan cũng gia tăng và đã có ít nhất 14 vụ xả súng giữa quân đội hai bên kể từ tháng 8/2021.

Từ bạn thành thù

Vào ngày 15/8/2021, Pakistan đã tổ chức ăn mừng khi Taliban lấy được Kabul và tái lập Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan (IEA) - một thất bại khó quên của người Mỹ sau chiến dịch kéo dài 20 năm. Tưởng chừng mọi thứ đã yên ổn khi chính phủ mới của Afghanistan sẽ là đồng minh của Pakistan khi mà quốc gia này đã giúp họ rất nhiều trong cuộc chiến. Tuy nhiên, tình trạng khủng bộ gia tăng đã khiến cho mọi thứ trở nên đảo lộn. Hầu hết các cuộc tấn công của  TTP  đều nhằm mục đích lật đổ chính phủ Pakistan và thực thi chế độ Shariah. Sau Peshawar, tổ chức này đã thực hiện cuộc tấn công khác vào trụ sở cảnh sát ở Karachi ngày 17/2/2023, khiến bốn nhân viên bảo vệ và một thường dân thiệt mạng.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc vào năm 2022, TTP hiện có từ 3.000 đến 5.000 chiến binh.

Bên cạnh đó, hai nhóm khác cũng có liên quan đến khủng bố ở Pakistan. Một là tổ chức nhà nước Hồi giáo IS khi nhóm này đã đánh bom một nhà thờ Hồi giáo Shiite ở Qissa Khwani Bazaar, Peshawar vào tháng 3/2022, khiến ít nhất 63 người thiệt mạng và 196 người bị thương. Hai là những người ly khai thuộc tộc Baloch muốn giành độc lập cho quê hương của họ.

Dường như mọi thứ đều có liên quan đến Afghanistan-nơi mà các tổ chức khủng bố tự do hoạt động mà không bị can thiệp. Mọi cuộc tấn công vào Pakistan đều bắt nguồn từ quốc gia này.

Từng là đồng minh

Trong quá khứ, Pakistan luôn bí mật ủng hộ Taliban và phủ nhận sự hỗ trợ này bất chấp những cáo buộc từ bên ngoài, trong đó có Mỹ.  Sự ủng hộ này được cho là xuất phát từ tình hình địa chính trị phức tạp trong khu vực. Pakistan xem Afghanistan là đồng minh cần hợp tác nhằm đối phó với quốc gia láng giềng Ấn Độ.

Tuy nhiên, mối quan hệ hai bên dường như đã xấu đi khi mà Pakistan đã từ chối thừa nhận chính phủ mới của Afghanistan do áp lực quốc tế.

Trong khi đó, Afghanistan tràn ngập trong những mâu thuẫn xung đột giữa các phe phái. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến chính phủ Afghanistan không hành động chống trả khủng bố ở Pakistan.

Các nhà lãnh đạo Taliban sợ rằng việc  gây mâu thuẫn với TTP sẽ khiến tổ chức này gia nhập nhóm Nhà nước Hồi giáo - nhóm đang cạnh tranh quyền lực với Taliban - hoặc thậm chí thuyết phục nhóm này quay súng chống lại chính quyền nước này.

Gia tăng căng thẳng

Ở Pakistan, các cuộc xung đột ở thung lũng Swat đang liên tục diễn ra hàng ngày.

Năm 2007, TTP đã nắm quyền kiểm soát 50 ngôi làng ở Swat và thành lập một chính phủ song song Shariah do Mullah Fazlullah, một giáo sĩ địa phương lãnh đạo. Năm 2009, hơn 15.000 quân chính phủ phải mất 60 ngày để đẩy lùi các chiến binh ra khỏi thung lũng này. Chiến dịch này liên quan đến cuộc di cư của hơn 1,3 triệu cư dân Swat.

Trong khi Khyber Pakhtunkhwa là tâm điểm của các cuộc tấn công TTP, tỉnh Balochistan phía tây nam đang là mục tiêu của các phần tử ly khai và phiến quân Hồi giáo từ Afghanistan.

Các cuộc tấn công của phe ly khai Baloch đã tăng vọt trong vài năm qua, đặc biệt là sau khi thủ đô Kabul sụp đổ. Vào ngày 2/2/2022, Quân đội Giải phóng Baloch (BLA), đã tấn công hai chốt an ninh thuộc Quân đoàn Biên phòng, một lực lượng bán quân sự, khiến 195 người thiệt mạng.

Vào ngày 11/12, một đợt pháo kích của quân biên phòng Taliban đã tấn công Chaman, một thị trấn biên giới ở Balochistan, Pakistan khiến bảy người thiệt mạng và mười sáu người bị thương.