70 năm giải phóng Thủ đô

“Người bạn đường” - Tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông (TNGT) năm 2022 với tên gọi “Người bạn đường” diễn ra trong bầu không khí xúc động vào tối 19/11 tại trường quay ngoài trời, Đài Truyền hình Việt Nam.

Tiết mục văn nghệ mở đầu chương trình.
Tiết mục văn nghệ mở đầu chương trình.

Chương trình do Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức với thông điệp “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại”, và chủ đề “Thực thi quy định pháp luật về ATGT và xây dựng văn hóa giao thông an toàn”.

Tới dự buổi lễ có Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Văn Thắng - Bộ trưởng Bộ GTVT; Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cùng nhiều đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị trên cả nước.

Các đại biểu và khán giả đến dự chương trình tại trường quay ngoài trời, Đài Truyền hình Việt Nam.
Các đại biểu và khán giả đến dự chương trình tại trường quay ngoài trời, Đài Truyền hình Việt Nam.

Những câu chuyện cổ tích giữa đời thường

Mở đầu buổi lễ là chương trình “Người bạn đường", các vị khách mời - những người bạn đường - đã chia sẻ nhiều câu chuyện ấn tượng. Đầu tiên là câu chuyện "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" của ông Nguyễn Tiến Nam (SN 1954, tại thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc). Ông là cựu chiến binh tham gia công tác đảm bảo ATGT ở cổng trường Tiểu học Liên Bảo, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Năm 1972, ông nhập ngũ phòng không không quân, sau khi đi đánh giặc ông quay về thi đại học. Từng là cán bộ đoàn sôi nổi khi còn học ở Đại học Bách Khoa, ông qua nhiều vị trí công tác và nghỉ hưu. Giờ ông trở thành "người vác tù và hàng tổng" của địa phương.

Mỗi buổi chiều tan học, hình ảnh ông Nam với cây gậy hướng dẫn giao thông tại cổng trường một cách chuyên nghiệp đã trở nên quen thuộc với phụ huynh, học sinh và những người tham gia giao thông qua khu vực trường Tiểu học Liên Bảo. Từ đó đã mang đến môi trường giao thông an toàn cho các học sinh.

Chị Nguyễn Thị Minh chia sẻ câu chuyện "vá đường" xúc động của đời mình.
Chị Nguyễn Thị Minh chia sẻ câu chuyện "vá đường" xúc động của đời mình.

Bên cạnh đó, câu chuyện của người "vá đường" Nguyễn Thị Minh đến từ tỉnh An Giang cũng khiến cho tất cả khán giả trong trường quay xúc động. Trên sân khấu trường quay, chị Minh xuất hiện với dáng người nhỏ bé, gầy guộc run run kể lại câu chuyện “vá đường” của đời mình. Suốt bao năm qua, ngày nào cũng vậy, chị vác theo bao đá, xi măng đi hết con đường này đến con đường kia để vá những ổ gà, ổ trâu đến mức người khác gọi là điên, là khùng.

Hỏi về lý do chọn cho mình công việc này, chị nói với giọng thì thào, ngắt quãng vì xúc động: “Có những hôm vá đường khuya mới về, mệt lắm nhưng nhìn đường bằng phẳng, học sinh đến trường an toàn, người dân lưu thông dễ dàng, tôi quên hết mệt nhọc và thấy rất vui”.

Sau câu nói ấy của chị Minh, không khí trong trường quay bỗng trở nên tĩnh lặng, bầu không khí như đông đặc lại. Đâu đó vang lên những tiếng sụt sịt nghẹn ngào. Trên khuôn mặt của nhiều khán giả trong trường quay dần hiện rõ những đôi mắt đỏ au, nhòe lệ. Chị Minh đã chạm tới đáy lòng của tất cả mọi người, bằng câu chuyện “và đường” mộc mạc mà cao quý, bình dị mà ý nghĩa, như chính cuộc đời chị vậy.

Một trong những điểm nhấn của buổi lễ chính là tiết mục múa của chị Bế Thị Băng - hoa hậu khuyết tật. Chị là biểu tượng cho nỗ lực vươn lên của một nạn nhân bị TNGT. Đó là vào năm 2012, khi chị mới 24 tuổi, vừa tốt nghiệp chuyên ngành Y khoa, Đại học Thái Nguyên và phía trước chị là cả một bầu trời tương lai rộng mở.

Thế nhưng, cánh cửa đến với tương lai rộng mở ấy của chị như đóng sầm lại, vào đúng cái ngày chị gặp tai nạn với một chiếc xe tải khi đang trên đường đi làm về. Mọi thứ trước mắt chị Băng dường như chỉ còn lại một màn đêm mịt mùng, khi bác sĩ thông báo sau này chị chỉ có thể dùng xe lăn để đi lại và không thể đứng vững được nữa.

Thế nhưng, sau khi rời giường bệnh về nhà, bằng ý chí và nghị lực phi thường của mình, chị Băng đã nỗ lực tập luyện, đến nay không chỉ có thể đi lại, chị còn tiếp tục theo đuổi niềm đam mê múa của mình. Tiết mục múa của chị trong chương trình như một lời khẳng định rằng, chỉ cần có quyết tâm và có niềm tin vào bản thân, con người có thể vượt qua được mọi giới hạn của tạo hóa.

Kết thúc tiết mục múa, chị nói với giọng xúc động: “Tôi cảm ơn xã hội và cộng đồng đã cho tôi cơ hội để hoà nhập, để là chính mình, sống có ích không chỉ cho bản thân, gia đình mà cho cả xã hội. Điệu múa ngày hôm nay nếu trước đây với tôi chỉ là điệu múa bình thường nhưng khi hoàn thành tiết mục ngày hôm nay, tôi thấy rất tự hào”.

Câu chuyện cuộc đời chị Băng chính là lời nhắn nhủ chân thực nhất tới những nạn nhân TNGT rằng, bất cứ bi kịch cuộc đời nào cũng có thể trở thành một câu chuyện cổ tích nếu chúng ta có đủ niềm tin và nghị lực bước qua giới hạn của chính mình.

Các đại biểu dành 1 phút mặc niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT.
Các đại biểu dành 1 phút mặc niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT.

Hãy hành động vì những người đang sống

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, hàng năm vẫn có gần 7.000 người thiệt mạng do TNGT, cùng với trên 11.000 người bị thương tật suốt đời. Chỉ riêng 11 tháng đầu năm 2022, TNGT đã cướp đi hơn 6.000 người. Trong khi đó, báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, mỗi năm có gần 1,3 triệu người tử vong và gần 50 triệu người bị thương do TNGT gây ra.

Hậu quả của TNGT không chỉ riêng những nạn nhân thương vong trong các vụ tai nạn phải gánh chịu mà còn là biết bao người thân của họ, để lại di chứng cho biết bao gia đình và gánh nặng cho cả xã hội.

Phía sau những cái chết do TNGT là hàng ngàn tổ ấm gia đình bị tổn thương, hàng nghìn bậc phụ lão mất đi nơi nương tựa cho những năm tháng cuối đời, hàng ngàn em nhỏ mất đi cha, mẹ.

“Hình ảnh con trẻ đơn côi, giật mình thức giấc, nghẹn khóc giữa đêm khuya gọi mẹ, tìm cha mà không thấy đang bóp nghẹt con tim của mỗi chúng ta” - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại lễ tưởng niệm bằng giọng nói xúc động.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại lễ tưởng niệm.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại lễ tưởng niệm.

Giọng ông như trầm hẳn: “Nỗi đau này cũng là lời nhắc nhở mỗi chúng ta về sự trân quý không gì so sánh được của cuộc sống. Sự mất mát này là nỗi đau không gì bù đắp nổi đối với dân tộc Việt Nam cũng như mọi dân tộc trên thế giới”.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia nhấn mạnh, mỗi chúng ta tưởng nhớ đến những đồng bào mất đi và tự nhắc nhở chính mình phải có những hành động thiết thực để kéo giảm TNGT, để con trẻ mọi miền đất nước được đến trường trên những cung đường bình yên, để mọi nhà đều được sum vầy hạnh phúc bên nhau quanh mâm cơm mỗi khi chiều về.

Từ đây, ông Nguyễn Văn Thắng kêu gọi các tổ chức, đoàn thể và mọi người dân hãy nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật về ATGT, xây dựng văn hoá giao thông an toàn, đồng lòng thực hiện: Đã uống rượu, bia - Không lái xe; Không phóng nhanh, vượt ẩu khi lái xe.

Luôn đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy; Luôn thắt dây an toàn khi ngồi trên ô tô; Nhường nhịn, giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông. Tất cả cùng hướng tới tinh thần “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại" và cùng nhau tạo lập một môi trường giao thông thực sự an toàn, văn minh, thân thiện.

Trong không khí trang nghiêm và thành kính tại trường quay ngoài trời Đài Truyền hình Việt Nam, tất cả các đại biểu, khán giả trường quay đã cùng dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ những nạn nhân tử vong vì TNGT.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Văn Thắng gửi lời thăm hỏi và chia buồn sâu sắc của Chính phủ, đến tất cả các gia đình có nạn nhân tử vong do TNGT tại Việt Nam.

Đồng thời, ông cũng đề nghị mỗi người chúng ta hãy cùng giúp đỡ, sẻ chia, chung tay xoa dịu những nỗi đau mà TNGT đã gây ra cho các nạn nhân TNGT và gia đình của họ. Hãy vì niềm xót thương những người đã mất mà hành động vì sự an toàn của những người đang sống.

 

''Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT” được Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức công nhận toàn cầu, và chọn là ngày Chủ nhật tuần thứ ba của tháng 11 hàng năm từ năm 2005. Tại Việt Nam, Ủy ban ATGT Quốc gia phát động kế hoạch hưởng ứng lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong vì TNGT vào ngày 19/11/2012, và được tổ chức thường niên từ năm 2013 đến nay.