Cô Petchinda Chantamart kể lại, đầu tiên cô nghe thấy âm thanh giống như một quả bom đang nổ ở cách xa một vài dặm. Rồi một tiếng ồn kỳ lạ vang lên, như một cơn gió mạnh.
Bằng trực giác, Petchinda Chantamart hiểu những tiếng động kia là gì: Một trong những đập mới đang được xây dựng gần ngôi làng của cô đã bị vỡ. Cô bắt đầu đập các cánh cửa nhà hàng xóm, thúc giục họ chạy trốn đến vùng đất cao hơn. “Nước đang đến!” Cô Chantamart hét lên.
Chỉ trong vòng nửa giờ, mực nước tại làng của cô, Xay Done Khong, đã sâu hơn 9m và tiếp tục tăng lên.
Cô Chantamart, 35 tuổi, và nhiều người hàng xóm của cô đã thoát khỏi trận lụt chết người. Nhưng những người khác không may mắn như vậy khi một đập phụ, thuộc dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy trị giá hàng tỷ đô la, đã bị vỡ vào tối thứ Hai trong cơn mưa lớn, đổ khoảng 5 tỷ mét khối nước xuống hạ lưu.
Tại một cuộc họp báo hôm thứ Tư, thủ tướng Thongloun Sisoulith cho biết, ít nhất 26 người được cho là thiệt mạng, 131 người vẫn còn mất tích và hơn 3.000 người lâm vào cảnh vô gia cư.
“Bước thứ hai đối với chúng tôi là phục hồi và xác định danh tính những người đã thiệt mạng, nhưng trước hết là nhanh chóng cứu hộ những người sống sót trong khu vực," Bounhom Phommasane, Quận trưởng Sanamxay, nói với tờ The Vientiane Times.
Chantamart kể lại, hàng trăm người trong làng của cô đã trốn thoát khỏi vụ lũ lụt, nhưng 15 người vẫn còn mất tích, 9 trong số họ là trẻ em. "Tôi rất lo lắng về họ", cô nói.
Hiện Chantamart và nhiều người khác đã được cơ quan chức năng đưa đến thị trấn Paksong, phía tây của khu vực, để trú ẩn trong một nhà kho trống vốn được sử dụng để lưu trữ cà phê.
7 ngôi làng ở Sanamxay, thuộc tỉnh Attapeu, bị ngập lụt và hơn 6.000 người phải sơ tán do ảnh hưởng từ việc vỡ đập, các quan chức cho biết.
Việc dọn dẹp thảm họa có thể còn phức tạp hơn bởi khu vực này cũng là nơi bom Mỹ và các chất nổ khác trong chiến tranh vẫn còn sót lại.
Bên trong nhà kho, người lớn và trẻ em đã chen chúc nhau, xung quanh là dép và quần áo bẩn. Một số người ngồi trên tấm bạt màu xanh và da cam được trải trên sàn bê tông, nhiều người để lộ ánh mắt thất thần. Một căng tin tạm thời được dựng lên trong bãi đậu xe có mái che của nhà kho.
Khamla Souvannasy, một quan chức từ Paksong, cho biết chính quyền địa phương đang nỗ lực để hỗ trợ hàng trăm người đã tụ tập tại nhà kho.
"Thời tiết là một trở ngại," ông nói khi cơn mưa lớn đã làm bay mái nhà kho. “Thảm họa đến quá nhanh. Không có cách nào để chuẩn bị cho điều đó, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực”, ông nói thêm.
Tổ chức Sông ngòi Quốc tế đã phản đối sự phát triển nhanh chóng trong việc xây dựng các đập thủy điện tại Lào, cho biết trong một tuyên bố rằng, đập phụ bị vỡ khi mưa lớn diễn ra, khiến lượng nước ào ạt đổ về.
Tổ chức này cũng nhận định, thảm họa xảy ra cho thấy nhiều đập không được thiết kế để xử lý các sự cố thời tiết khắc nghiệt như mưa lớn hôm 23/7.
"Các sự kiện thời tiết cực đoan không thể đoán trước đang trở nên thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu, đặt ra mối quan ngại về tính an toàn cho hàng triệu người sống ở hạ lưu các con đập," Tổ chức này khuyến cáo.
"Các cộng đồng không được đưa ra cảnh báo đầy đủ để đảm bảo sự an toàn của họ và của gia đình họ. Sự kiện này đặt ra những câu hỏi về tiêu chuẩn an toàn tại các con đập, bao gồm cả khả năng đối phó với điều kiện thời tiết và rủi ro.”
Nhà xây dựng chính của dự án thủy điện, SK Engineering & Construction của Hàn Quốc, cho biết họ sẽ điều tra xem con đập đã bị sập hay tràn do mưa lớn.