Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng vọt lên 14,7% trong tháng 4, đánh dấu cuộc khủng hoảng thất nghiệp nghiêm trọng nhất kể từ Đại suy thoái, báo động người Mỹ chuẩn bị cho những thời điểm khó khăn hơn phía trước.
Theo một cuộc khảo sát của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tại New York công bố hồi đầu tuần, xác suất mất việc làm của một người trong 12 tháng tới đã tăng lên gần 21% trong tháng 4. Đó cũng là tháng thứ 2 liên tiếp đạt mức cao kỷ lục của số liệu này. Trong khi đó, xác suất tìm được việc làm trong 3 tháng tới giảm xuống 47% trong tháng 4, là mức giảm hàng tháng lớn nhất từng được ghi nhận.
"Mọi người hiểu rằng virus không biến mất", Danielle DiMartino Booth, CEO và chiến lược gia hàng đầu tại Quill Intelligence nói, "điều đó sẽ duy trì sự thiếu chắc chắn và sợ hãi, kìm hãm khả năng hoặc mong muốn chi tiêu của người tiêu dùng".
Thật vậy, nợ thẻ tín dụng - hình thức vay đắt đỏ nhất của Mỹ đã đảo chiều trong tháng 3 với tỷ lệ hàng năm giảm xuống 31% - theo báo cáo của Fed công bố tuần trước. Đó là mức giảm lớn nhất trong một tháng kể từ tháng 1/1989.
Một phần của sự sụt giảm này là do các ngân hàng đã hủy bỏ các hạn mức tín dụng khi nhiều người mất việc, tuy nhiên người tiêu dùng trở nên tiết kiệm hơn phòng trường hợp thu nhập bị xóa sổ cũng là một nguyên nhân cho xu hướng thắt chặt kiểm soát việc vay mượn.
Thêm vào đó, chi tiêu thẻ tín dụng tại Mỹ cũng đã giảm trong tháng 4, khi Visa báo cáo danh mục duy nhất của khối lượng thanh toán tại nước này đang tăng lên là thực phẩm và thuốc men, trong khi khối lượng thanh toán cho du lịch, nhiên liệu, nhà hàng và giải trí đã biến mất hơn 50%.
Người Mỹ hiện tại dường như đang ưa dự trữ tiền mặt với hy vọng có thể giúp họ vượt qua cơn bão Covid-19. Tỷ lệ tiết kiệm ở Mỹ đã tăng từ 8% trong tháng 2 lên 13,1% trong tháng 3. Đây là tỷ lệ cao nhất kể từ thời Tổng thống Ronald Reagan làm chủ Nhà Trắng.
Những thay đổi mạnh mẽ trong hành vi của người tiêu dùng là một phản ứng dễ hiểu trong tình hình thiếu chắc chắn hiện nay, nhưng việc giảm bớt rủi ro đó của người dân lại là rảo cản cho sự phục hồi trong một nền kinh tế tiêu dùng như Mỹ (chiếm hơn 2/3 GDP).
Hậu Covid-19, sự phục hồi hình chữ V chắc chắn không thể xảy ra nếu người tiêu dùng không chịu rút ví. Đặc biệt là người cao tuổi và những người có điều kiện như trước đây được cho sẽ thận trọng né tránh đám đông hơn trong tương lai, kể cả khi các lệnh hạn chế được dỡ bỏ hoàn toàn và vaccine sẵn sàng.
Cuối cùng, sự hưng phấn của Phố Wall sẽ bị ảnh hưởng. Thị trường chứng khoán Mỹ đã phục hồi kể từ cuối tháng 3 nhờ phản ứng chủ động của chính phủ liên bang trên mặt trận sức khỏe.
Mặc dù các nhà đầu tư tỏ ra lạc quan về tương lai của các công ty lớn tạo nên S&P500, nhưng rõ ràng các DN vừa và nhỏ đang bị tổn thương nặng nề. Cuộc khảo sát tháng 4 của RSM công bố hôm thứ 2 cho thấy, khoảng 83% các DN thị trường trung bình đã báo cáo sự suy giảm chung về triển vọng kinh tế, trong khi khoảng 46% CEO báo cáo giảm tuyển dụng.
RSM nhấn mạnh, kết quả cuộc khảo sát phần nào báo động về các nỗ lực kích thích của Washington sẽ không đủ để làm sống lại "trái tim và linh hồn đang đập của nền kinh tế thực" trong thời gian tới.