Thời điểm này, dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp. Nhưng cũng như những đợt dịch trước, với tinh thần “sáng tạo, thần tốc” từ TP đến cơ sở, các cấp, các ngành và người dân Hà Nội đang chung sức, đồng lòng, thể hiện rõ ý thức trách nhiệm trong từng hành động nhỏ nhất để cùng đẩy lùi dịch bệnh.
Cũng như nhiều tỉnh, thành trong cả nước, Hà Nội đang bị những tác động không nhỏ từ đợt dịch thứ 4. Từ thực tế, điều được nhiều người nhắc đến nhất vẫn là tinh thần đoàn kết và ý chí của lãnh đạo TP, người dân, sự vào cuộc quyết liệt đã hiện thực hóa quyết tâm kiểm soát và đẩy lùi được dịch Covid-19 trong các đợt bùng phát lớn.
Hà Nội đã bình tĩnh đối diện với đại dịch Covid-19 bởi sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, cả hệ thống chính trị với sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt và sáng suốt, được mọi tầng lớp Nhân dân đồng lòng ủng hộ. Quan điểm nhất quán luôn được nhấn mạnh là vai trò trung tâm, chủ thể của người dân trong phòng, chống dịch Covid-19 và xác định công tác phòng chống dịch là ưu tiên số 1 trong lúc này để bảo vệ an toàn, tính mạng Nhân dân, bảo vệ cuộc sống bình yên của Thủ đô, của đất nước.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã nhấn mạnh: Người Hà Nội không thể thua “giặc” Covid-19; để giữ cho được thành quả, không bị động trước các đợt dịch mới là một yêu cầu tiên quyết, một đòi hỏi sống còn cho thực hiện “mục tiêu kép” không chỉ của Thủ đô mà còn của cả nước. Bài học kinh nghiệm quý giá mà TP rút ra là phải luôn nắm thế chủ động trong phòng, chống dịch bệnh, bình tĩnh dự báo chính xác tình hình để có giải pháp tương xứng. Khi đã thống nhất giải pháp, phải thực hiện kiên quyết, kiên trì và rất linh hoạt; tuyệt đối không được lơi là, mất cảnh giác vì chỉ cần chủ quan, thiếu trách nhiệm một chút là cái giá phải trả sẽ rất đắt.
Với tinh tinh thần “chống dịch như chống giặc” ấy, Hà Nội đã chủ động rà soát, cập nhật các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó với mọi tình huống; tuyệt đối không thỏa mãn với những kết quả bước đầu đạt được.
Đánh giá về kết quả phòng, chống dịch Covid-19 tại Hà Nội, nhiều ý kiến đồng tình nhận định, TP đã khống chế và kiểm soát được các đợt dịch bởi sự phản ứng nhanh, kịp thời, nhạy bén và chính xác. Với mỗi đợt dịch, những chỉ đạo, biện pháp cấp thiết và đi trước đã được đưa ra. Hà Nội thực hiện chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 với sự chủ động trong dự báo, nắm tình hình; khoanh vùng rộng, phong tỏa hẹp; thần tốc trong truy vết, xét nghiệm... cùng với những sáng tạo mang lại hiệu quả trên thực tiễn, như khoanh vùng “3 lớp”, thực hiện phương châm “3 trước” và “4 tại chỗ”... đã giúp Hà Nội kiểm soát, khống chế được từng đợt dịch, không làm đứt gãy chuỗi sản xuất.
Với các đợt dịch thứ 4 này, Hà Nội đã thành lập 55 sở chỉ huy công tác phòng, chống Covid-19, gồm: Sở chỉ huy cấp TP, 24 sở chỉ huy cấp sở, ban, ngành và 30 sở chỉ huy quận, huyện, thị xã. Hệ thống sở chỉ huy duy trì trực ban 24/24 giờ và giao ban trực tuyến hằng ngày để chỉ đạo, xử lý tình huống. Chiến lược của TP là tập trung vào việc xây dựng kịch bản, phương án phòng, chống dịch ở mức độ cao hơn thực tế dịch. Không chỉ ở cấp TP mà ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị cũng theo hướng này. Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy liên tục họp để nghe Ban cán sự Đảng UBND TP báo cáo về tình hình phòng chống dịch và thực hiện Chỉ thị 17-CT/UBND (Chỉ thị 17) ở các địa bàn. Đồng thời, có các kết luận, chỉ đạo kịp thời, sát với tình hình thực tiễn.
Liên tục các Chỉ thị, Công điện được đưa ra ở mỗi thời điểm, các phương án đều đi trước một bước so với tình hình dịch. Ngay từ trước khi dịch bùng phát, TP đã sớm tạm dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu. Khi dịch diễn biến phức tạp, TP nhanh chóng nâng thêm một mức mới: Áp dụng cơ bản nội dung của Chỉ thị số 16/CT-TTg. Khi dịch Covid -19 tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam bùng phát ồ ạt, nhằm chặn đứng nguồn lây, không để dịch lan rộng ngoài vòng kiểm soát, tối ngày 23/7/2021, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh đã tiếp tục ký Chỉ thị 17 thực hiện giãn cách xã hội từ 6 giờ ngày 24/7/2021 trên phạm vi toàn TP và sau đó là liên tiếp các Công điện để siết chặt việc thực hiện.
Mỗi biện pháp đưa ra đều được lãnh đạo TP cân nhắc rất kỹ vì lợi ích của Nhân dân và chỉ chấp nhận hy sinh lợi ích trước mắt để bảo vệ an toàn và lợi ích lâu dài. Nhờ đó, khi toàn TP áp dụng triệt để theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg, không chỉ cấp ủy, chính quyền TP đã có sự chuẩn bị nhằm bảo đảm đời sống Nhân dân mà bản thân người dân cũng làm quen và dần thích nghi, nên không bị động, bất ngờ. Khi triển khai đã là nghiêm chỉnh, chặt chẽ ngay từ đầu; dứt khoát, triệt để, nhằm kịp thời ngăn chặn tốc độ lây lan, giảm tác động của đại dịch.
Sau 3 đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ở toàn TP, từ ngày 6/9, Hà Nội đã bước sang một phương án mới đó là phân 3 cấp chống dịch. Như đánh giá của các chuyên gia, đây là một giải pháp phù hợp với thực tiễn Hà Nội ở thời điểm này. Với việc phân vùng, siết chặt kiểm soát giãn cách xã hội ở vùng 1 (vùng đỏ) sẽ hạn chế được dịch lây lan, đồng thời tạo cơ hội khôi phục sản xuất kinh doanh ở những vùng sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp để cung ứng hàng hóa thiết yếu cho “vùng đỏ”.
Theo PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và phát triển cộng đồng, Hà Nội là một đô thị lớn, để kiểm soát tình hình dịch bệnh không hề dễ nếu không có sự sáng tạo, nắm chắc thực tiễn. Nhưng lãnh đạo và các cơ quan chức năng của Hà Nội đã nhìn rất rõ thực tế và có những giải pháp cụ thể, kịp thời sát với tình hình và tạo hiệu quả. Ở những giai đoạn “nóng”, văn bản tiếp nối văn bản được ban hành, gần như mỗi ngày đều có những chỉ đạo mới, từ chỉ đạo thực hiện văn bản của T.Ư cho tới những tình huống mới phát sinh trong thực tiễn. Nhiều ý kiến đã nhận định, với một địa bàn lớn như Hà Nội, việc chống dịch khó khăn rất nhiều bởi cần sự kiên định, bản lĩnh và vượt qua sức ép của dư luận để đưa ra các quyết định mạnh mẽ.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cũng nhận định, Hà Nội không để dịch bùng lên là rất thành công. Điều đó thể hiện nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị và Nhân dân. Ngay lập tức không thể đưa số ca bệnh trở về 0 nhưng TP đã hạn chế, cắt đứt được nguồn lây. Bên cạnh đó, Hà Nội đã khẩn trương triển khai lấy mẫu xét nghiệm diện rộng có chỉ định, để sàng lọc, qua đó phát hiện một số ca F0. Đặc biệt, qua xét nghiệm rộng, sớm các trường hợp ho sốt, TP đã phát hiện nhiều vùng nguy cơ ở các địa phương. Đây là cách làm hiệu quả của Hà Nội và cho thấy năng lực tốt của y tế cơ sở.
Để phòng chống dịch hiệu quả, từ người đứng đầu TP đến cán bộ các cấp đã vào cuộc tích cực, sâu sát, đồng hành cùng cơ sở tại mỗi thời điểm.
Đặc biệt, để các chủ trương, biện pháp mới thẩm thấu, đi vào cuộc sống nhanh nhất, mỗi khi bắt đầu triển khai, Bí thư Thành ủy hoặc Chủ tịch UBND TP đều trực tiếp thông tin trên các phương tiện truyền thông làm rõ những điểm mới, mục đích, yêu cầu, cách thức triển khai, tổ chức thực hiện... Đây là cách thức tận dụng hiệu quả nền tảng truyền thông để nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo. Qua đó, không chỉ nhanh chóng thông tin cho người dân, mà còn truyền đạt sớm thông điệp lãnh đạo, chỉ đạo cho hệ thống chính trị từ TP tới cơ sở. Khi văn bản chỉ đạo chính thức được chuyển đến cơ sở, cũng là lúc những nội dung căn bản đã được tiếp nhận, hiểu rõ, nên việc triển khai tổ chức thực hiện trở nên nhanh chóng, giảm độ trễ và tăng tính đồng bộ, thống nhất.
Tinh thần sâu sát, gần dân còn thể hiện ở chỗ mỗi khi trên địa bàn xuất hiện các ca bệnh, những điểm nóng, lãnh đạo TP lập tức kiểm tra, chỉ đạo truy vết khẩn trương, kiên quyết. Trong những giai đoạn gam go nhất của dịch bệnh, trên mạng xã hội, ngoài đời sống người dân lại nhắc nhiều về hình ảnh lãnh đạo TP ngày đêm chỉ đạo phòng chống dịch; sát sao thị sát, chỉ đạo ở từng điểm “nóng” của dịch như: Bệnh viện K- cơ sở Tân Triều (huyện Thanh Trì); Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư cơ sở Đông Anh (huyện Đông Anh); khu vực chợ Tía (huyện Thường Tín); phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm); phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân)… Chính sự xông pha, đi đầu ấy đã trở thành mệnh lệnh không lời, tạo nên chuyển động mạnh mẽ cho cả hệ thống, từ TP đến cấp quận, huyện rồi xã phường, tổ dân phố…
Các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy cũng thường xuyên bám sát địa bàn được phân công; liên tục kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã trong công tác phòng, chống dịch đảm bảo hiệu quả. Khi xuất hiện những biểu hiện chủ quan, buông lỏng ở một số cấp ủy, chính quyền địa phương, sẽ chỉ đạo phải chấn chỉnh ngay.
Những chỉ đạo, chấn chỉnh liên tục được đưa ra. Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã nhiều lần nhấn mạnh, yêu cầu phòng, chống Covid-19 đang đặt ra ngày càng cấp thiết, cấp bách. Do đó, các quận, huyện không được chủ quan, lơi là, tự mãn. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong” và phải tổ chức kiểm soát chặt chẽ từ “gốc”, bố trí các chốt kiểm soát tới từng ngõ, ngách... Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu từng cấp, từng ngành, từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải chung một ý chí, quyết tâm bằng mọi giải pháp phải duy trì nghiêm kỷ cương, kỷ luật, thực hiện đúng nguyên tắc giãn cách để từng bước khống chế dịch, đồng thời quan tâm, chăm lo, bảo đảm đời sống người dân. Nhấn mạnh không có sự ủng hộ, tham gia của người dân thì mọi biện pháp phòng, chống dịch đều không thể thành công, Bí thư Thành ủy kêu gọi tất cả người dân trên địa bàn tiếp tục thực hiện tốt giãn cách xã hội. Cụ thể là ở nhà, không ra đường khi không có việc cần thiết, tuân thủ “5K”. Đó chính là việc làm thiết thực nhất để ủng hộ công tác phòng, chống dịch cùng TP...
Đồng thời, trong những ngày qua, vượt lên nhiều sức ép từ dư luận, TP đã mạnh mẽ trong thực hiện những biện pháp khó, chưa có tiền lệ với sự chuẩn bị sẵn sàng, tổ chức tốt; từ đó nhận được sự đồng hành, ủng hộ của Nhân dân và chỉ sau một số ngày thực hiện đã cho thấy những hiệu quả rõ nét.
Điển hình như, để bảo đảm thực hiện phân vùng, ngoài các chốt cứng, Hà Nội đã triển khai 39 chốt trực tại "vùng đỏ". Trong đó có triển khai 21 chốt cấp TP tại vị trí có mật độ giao thông cao, 9 chốt do quận, huyện quản lý và 9 chốt do xã, phường, thị trấn quản lý để kiểm soát với các cá nhân, phương tiện lưu thông theo nguyên tắc chỉ các cá nhân, phương tiện “được phép mới ra đường”, “ai ở đâu, ở đó”, “người ở vùng nào thì ở vùng đó” đã giảm mật độ người ra đường khi không cần thiết.
Hà Nội cũng kiên trì phương châm truy vết thần tốc, khoanh vùng xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch nhỏ lẻ, không để bùng phát thành ổ dịch lớn. Tiếp tục tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc tại những cơ sở, khu vực có nguy cơ; xét nghiệm sàng lọc đối với những người về từ các địa phương có dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và xét nghiệm diện rộng cho toàn bộ người dân ít nhất một lần. Đây là biện pháp mũi nhọn nhằm bóc tách triệt để nguồn bệnh ra khỏi cộng đồng, truy vết F1 nhằm chuyển cách ly tập trung; từng bước làm sạch, chuyển “vùng đỏ” thành “vùng da cam”, chuyển “vùng da cam” thành “vùng xanh”.
Từ ngày 7 - 15/9, TP đã tận dụng "thời gian vàng" giãn cách, để chạy đua, thần tốc ngăn ngừa dịch bệnh bằng truy vết, xét nghiệm diện rộng, bóc tách hiệu quả các F0 tiềm ẩn ra khỏi cộng đồng. Cùng với đó, triển khai thành công một chiến dịch tiêm vaccine lớn cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên, trên cơ sở số vaccine được Bộ Y tế phân bổ và giao, tạo miễn dịch cộng đồng, với phương châm “vaccine tốt nhất là loại vaccine được tiêm sớm nhất”.
Có thể nói rằng, Hà Nội những ngày này thật đáng nhớ khi cả hệ thống chính trị cùng toàn thể Nhân dân cùng chung sức đẩy lùi dịch bệnh trên một tinh thần cao nhất. Nhiều hành động hành động, nghĩa cử cao đẹp, nhiều việc làm giản dị, nhỏ bé nhưng biết bao ý nghĩa đã thể hiện một thông điệp lớn là mỗi người dân đều có thể tham gia mặt trận chống dịch. (Còn nữa)
08:30 05/12/2021