Làm chuyện được cho là "bị khùng"
Thời gian gần đây, nhiều khách tham quan thích thú tìm đến vườn nho Nhất Tâm Farm của ông Nguyễn Bá Duy (tại phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) để chiêm ngưỡng những chùm nho Mẫu Đơn trĩu quả.
Ông Nguyễn Bá Duy cho biết, vườn nho của ông có diện tích hơn 3.000m2 trồng 5 loại gồm: Mẫu Đơn (Hàn Quốc), Hạ Đen (Trung Quốc), Ngón Tay Đen (Úc), nho xanh và Hồng Ngọc (Ninh Thuận) với hơn 600 cây. Trong đó, chủ lực là nho Mẫu Đơn với 300 cây đang cho quả mùa đầu tiên.
Trước đây, ông Nguyễn Bá Duy vốn làm kinh doanh tại TP Hồ Chí Minh, trong thời gian gia đình cách ly chống dịch Covid-19, ông về lại Cần Thơ sinh sống và bắt đầu ý tưởng trồng một vườn cây.
"Năm 2021, tôi bắt đầu mua lại vườn vú sữa và cải tạo. Mọi người khuyên tôi nên trồng sầu riêng, đừng trồng nho vì với thời tiết miền Tây sẽ rất khó trồng loại quả này. Tuy nhiên với niềm đam mê cây nho từ nhỏ, tôi quyết tâm tìm kiếm thông tin về các giống nho từ các trang mạng nước ngoài để tìm mua cây giống.
Tình cờ, tôi đã gặp được một người qua hội nho Mẫu Đơn, sau đó thông qua người này, tôi đã đặt mua cây giống bên Hàn Quốc gửi về với giá hơn 420.000 đồng/cây, đắt gấp nhiều lần so với nho Ninh Thuận của Việt Nam", ông Nguyễn Bá Duy nói.
Để trồng được giống nho mẫu đơn, chi phí đầu tư từ cải tạo đất đến hệ thống nhà kính, tưới tự động và phân thuốc với chi phí khá lớn. Hơn thế nữa, nho Mẫu Đơn là giống nho ngoại, nên khó thích nghi với thời tiết, khí hậu ở Việt Nam. Chính vì thế, lúc bấy giờ, bà con hàng xóm không ít người bàn tán, cho rằng ông bị khùng khi bỏ tiền làm chuyện hoang đường.
"Khi trồng, mọi người chẳng ai nghĩ rằng những cây nho này sẽ ra trái. Nói thật, những ngày đầu đến với cây nho tôi cũng lo lắm, bao nhiêu vốn liếng, tiền của đổ dồn vào vườn nho, nếu thất bại thì coi như mất hết. Thời gian đầu, tôi áp lực khủng khiếp, khi dư luận địa phương và áp lực từ gia đình, đôi lúc khiến tôi nản lòng. Nhưng tôi tin, với sự xuất hiện độc lạ của giống nho này trên mảnh đất miền Tây và giá thành của nó sẽ không làm tôi thất vọng", ông Bá Duy tâm sự.
Vượt nhiều khó khăn để trồng thành công
Do đất của vườn bị nhiễm phèn rất nặng, để trồng được giống nho đắt tiền này, ông Bá Duy dành 1 năm để cải tạo hết mảnh đất của mình. Tuy nhiên, công đoạn cải tạo đất khá kì công, vất vả, phải đưa lớp đất ở dưới lên xử lý, cộng với bơm cát vào, ông cứ làm cuốn chiếu như thế cho đến khi cải tạo hết đất của khu vườn.
Ông Bá Duy kể, do không có kinh nghiệm nên mùa nho đầu tiên, cây nho đã bị bệnh phấn trắng, thán thư làm vườn nho hao hụt gần hết.
"Khi nho bị bệnh, tôi gần như suy sụp, muốn khóc khi bao nhiêu tâm huyết đổ vào lại mất trắng. Nhưng thất bại không làm tôi nản lòng mà càng quyết tâm chinh phục cho bằng được loài cây này. Tôi đã mày mò tìm hiểu thêm về cách trồng giống nho này qua mạng, Youtube... Những trang mạng hướng dẫn cách trồng nho này đa phần tiếng nước ngoài, mình xem không hiểu hết. Đôi lúc phải xem đi xem đến mấy chục lần mới hiểu hết các công đoạn", ông Bá Duy trải lòng.
Để trị dứt điểm tình trạng bệnh của cây, ông Duy còn chi thêm tiền để đầu tư thêm hệ thống nhà kính, lợp bạt nhập về từ nước ngoài với giá hơn 1 triệu đồng/m2. Cùng với đó là hệ thống phun tưới tự động và quạt hút ẩm trong vườn.
Thông thường, nông dân trồng nho vốn đầu tư ban đầu từ 300 triệu/1.000m2. Tuy nhiên, vì muốn hướng đến phát triển vườn nho thành khu du lịch sinh thái cho khách tham quan nên ông Duy đã đầu tư chỉnh chu từng khu trong vườn, khiến chi phí vườn nho đội lên tiền tỉ.
Theo ông Duy, khó nhất trong quá trình trồng nho là công đoạn xử lý cho trái. Xứ Hàn Quốc và Nhật Bản, họ có mùa Đông rõ rệt, trong mùa này, nho có khuynh hướng rụng lá và cho dinh dưỡng về gốc. Lúc này chỉ cần cắt từ gốc lên 1- 2 mắc, cây sẽ tự động bung chồi, cho bông. Nhưng khi trồng tại miền Tây, chúng ta cần phải can thiệp kĩ thuật, chọn trong khoảng cành, cắt lên cao hơn để cây cho bông.
Bên cạnh đó, khi cây ra bông, phải xử lý mất hạt, cụ thể là nhúng hoa vừa nở hết vào chế phẩm sinh học. Sau khoảng 1 tuần, dùng chế phẩm sinh học cho đậu trái và ngừa thối quả.
Hiện tại, vườn nho của ông Bá Duy đã cho trái thành công, thu hút khách tham quan đến chiêm ngưỡng. Ban đầu ông Duy có ý định không bán nho mà chỉ để phục vụ khách tham quan. Nhưng do nhu cầu của du khách, ông đã bán nho Mẫu Đơn cho du khách đến vườn với giá 400.000 đồng/kg.
"Mấy ngày qua, khách đến đông quá, khách mua gần hết sạch lượng nho trong vườn. Giờ tôi đang dưỡng cây lại để chuẩn bị cho đợt cho trái vào tháng 9 tới", ông Duy nói.
Chia sẻ về hướng đi trong thời gian tới, ông Nguyễn Bá Duy cho biết: "Hiện tôi tiếp tục theo dõi tiếp đợt cho trái thứ 2 của vườn vào tháng 9 tới. Thời gian sắp tới, sau khi hoàn thiện quy trình cho trái, tôi mong muốn nhân rộng mô hình này cho nông dân miền Tây. Đặc biệt, giai đoạn 2, phát triển giống, tự lai tạo giống ghép và bán cây trồng cho nông dân địa phương với giá thấp. Bên cạnh đó, tôi sẽ nghiên cứu thêm để thí nghiệm về mô hình cuốn chiếu, cho cây ra trái quanh năm."
Nho Mẫu đơn là một giống nho lưỡng bội, là kết quả của sự lai tạo giữa giống Akitsu-21 và Hakunan (V. vinifera) do Viện Khoa học Cây ăn quả Quốc gia (NIFTS) Nhật Bản tạo ra vào năm 1988. Hiện nay, tại Việt Nam nông dân trồng loại nho này còn hạn chế do yếu tố tự nhiên cũng như chi phí đầu tư khá cao.