Người phụ nữ nuôi khỉ trên đảo Hòn Trà

Đỗ Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nơi cửa biển, bất kể nắng mưa, bà cụ 79 tuổi vẫn hàng ngày cần mẫn bơi thúng ra đảo Hòn Trà, mang thức ăn nuôi “đàn cháu” đặc biệt là bầy khỉ hoang.

Bà cụ và “đàn cháu khỉ”

Vừa tan chợ, bà Út Chất (Nguyễn Thị Chất, thôn Sơn Trà, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) lỉnh kỉnh vác theo một túi lớn gồm bánh, trái cây… mang ra bến thuyền. Có loại là do bà chắt bóp tiền bán xôi mỗi sáng để mua, có loại lại xin được các cô, các bà bán trái cây trong chợ.

“Tụi khỉ thích ăn bánh, loại bột viên nhỏ nhỏ dài dài như con sâu ấy, còn trái cây thì thích nhất là bơ với mít, cả bắp nữa. Hôm nay có trái mít nữa mà nhiều đồ quá, bà mang không nổi. Thôi thì cứ để đó, mai mang cho tụi nó cũng được”, bà Út Chất vừa cười vừa giải thích.

Bà Út Chất chèo thuyền thúng ra đảo Hòn Trà.
Bà Út Chất chèo thuyền thúng ra đảo Hòn Trà.

Cẩn thận đặt túi đồ ăn xuống chiếc thuyền thúng con con, cũ kỹ mượn được của người trong thôn, trước khi chèo ra đảo, bà Út Chất còn ngoái lại dặn dò: “Cô đi chiếc thúng bên kia, nhớ cách xa xa tui ra nghe, thấy người lạ tụi nó sợ, không dám xuống”.

Thuyền cập bờ đá, bà Út Chất mang túi bánh, trái cây lên Hòn Trà và cất tiếng gọi: “Bà tới rồi, mấy đứa xuống ăn đi, nay có đồ ăn ngon lắm''. Bà gọi chừng 2 lần, những ngọn cây trên đảo đột nhiên lay động, xào xạc, chao nghiêng… Nhìn kỹ thì thấy những con khỉ lớn, nhỏ, lông màu vàng nhạt, lẫn vào trong đám lá đang di chuyển. Dường như thoáng thấy người lạ ở xa xa, bầy khỉ có vẻ ngập ngừng. Bà Út Chất lại vỗ vỗ tay vào túi áo: “Xuống ăn đi, không sao đâu. Hôm nay bà có nhiều tiền, mua quá chừng đồ ăn đây”.

Một con khỉ nhanh tay lấy được túi bánh.
Một con khỉ nhanh tay lấy được túi bánh.

Như hiểu lời bà, lũ khỉ từ trong rừng cây rủ nhau ùa xuống, 1 con, rồi 2 con, mỗi lúc một nhiều thêm. Chúng cùng ngồi trên tảng đá, chờ đợi bà Út Chất lấy bánh, trái cây bày biện. Một con nhanh tay lấy chộp túi bánh, xé miệng nilon, bỏ bánh vào miệng nhai ngon lành. Có con lại sành sỏi lựa chọn, lấy ổi, lấy chuối…, rồi xán lại gần cho bà vuốt ve, trò chuyện.

Khi đàn khỉ ăn no, bà đưa tay xoa đầu 2 con ở gần rồi bảo: “Thôi bà về, mai bà lại mang trái cây ngon cho mấy đứa". Chiếc thúng xa dần hòn đảo, đàn khỉ tản ra, con ngồi trên đá, con nhảy lên ngọn cây nhìn theo, mãi đến lúc thuyền sang tận bờ bên kia.

79 tuổi, bà Út Chất không nhớ mình gắn bó với đàn khỉ bao năm rồi, nhưng với bà, chúng như mối duyên nợ đặc biệt. “Hồi đó đi lượm ốc ở bên đảo Hòn Trà, thấy đàn khỉ đói, tội quá nên ra chợ mua trái cây mang ra, bỏ trên mấy hòn đá cho lũ khỉ xuống ăn. Đầu tiên có mấy con thì còn mua, sau đó khỉ đông quá phải đi xin thêm, mua không nổi", bà nhớ lại.

Những ngày đầu, đàn khỉ thấy bà Út Chất liền bỏ chạy. Dần dà, có lẽ vì thấy bà hay qua, để lại đồ ăn mà không có ý đồ xấu, chúng dạn dĩ và trở nên thân thiết hơn. Không ít lần, đàn khỉ còn vạch tóc, bắt chấy cho bà.

Bầy khỉ hoang nhận thức ăn từ tay bà Út Chất.
Bầy khỉ hoang nhận thức ăn từ tay bà Út Chất.

“Có lúc  khỉ cũng phá, mò xuống thuyền dân lục lọi, không thấy thức ăn thì hất hết đồ đạc xuống biển. Mấy người thấy vậy nên đi méc vốn, bảo là: “Tụi cháu bà đi phá kìa”. Sau đó tui qua đảo la cho tụi nó một trận, giờ không phá nữa”, bà kể lại.

Ngày nào bà Út Chất cũng chèo thúng qua đảo, buổi chiều nhiều hơn buổi trưa. Bầy khỉ cũng biết chừng, cứ khoảng 3 giờ chiều hay xuống dưới bờ đá ngồi đợi. “Đợt trước bị đau phải nằm viện cả tuần, sợ tụi nó không có đồ ăn, phải nhắn cho mấy đứa cháu mang bánh, trái qua đảo. Chỉ lo là sau này mình chết đi, thì ai sẽ nuôi tụi nó. Mấy hôm nay lại có thêm con khỉ con nữa, cỡ bằng cái cán dao thôi”, bà Út Chất trầm ngâm.

Tìm cách bảo vệ đàn khỉ hiếm

Thôn Sơn Trà, xã Bình Đông nằm ở hạ nguồn con sông Trà Bồng đổ ra cửa biển Sa Cần. Đây cũng là nơi nằm gần Khu kinh tế Dung Quất (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Không ai rõ về nguồn gốc của đàn khỉ trên đảo Hòn Trà, có người bảo xuất phát từ việc khỉ nhà sểnh ra ngoài, có người cho rằng chúng từ cánh rừng ở xã Bình Thuận lên. Nhưng tất cả đều biết, Hòn Trà là nơi trú ngụ hiếm hoi của chúng còn sót lại giữa vùng tập trung những dự án lớn.

Đảo Hòn Trà nằm ở cửa biển Sa Cần.
Đảo Hòn Trà nằm ở cửa biển Sa Cần.

Theo người dân, cách đây mấy năm, trong lúc đi thúng ra biển, họ thấy mấy con khỉ thơ thẩn dọc bờ biển rồi bơi qua sông lên Hòn Trà. Những ngày mới tìm lên đảo, đàn khỉ kêu la cả đêm, không ai hiểu lý do. Nhưng rồi mọi người phát hiện ra đàn khỉ thiếu thức ăn. Hòn Trà không có con người tác động nhưng rất nhỏ, nằm ngay cửa biển, cái ăn rất khó.

“Biết tụi nó đói nên thỉnh thoảng đi biển, ngang qua đảo lại ném thức ăn lên bờ. Đàn khỉ cũng không còn xa lạ với người dân ở đây, nhưng không có ai thân thiết và lo cho tụi nó như bà Út Chất”, bà Hoàng Thị Hoa (48 tuổi, thôn Sơn Trà) cho biết.

Bà Út Chất là người đã chăm sóc đàn khỉ trên đảo Hòn Trà suốt thời gian dài.
Bà Út Chất là người đã chăm sóc đàn khỉ trên đảo Hòn Trà suốt thời gian dài.

Khi mới nuôi đàn khỉ, đầu trên xóm dưới ai cũng bảo bà điên khùng. Bây giờ, chẳng ai nói bà Út Chất làm chuyện tào lao nữa, ngược lại còn hỗ trợ bà nuôi đàn khỉ. Các bà, các cô tiểu thương trong chợ thì hay để dành trái cây, bánh… để bán rẻ hoặc cho bà cụ.

Ông Phan Văn Đông- Chủ tịch UBND xã Bình Đông cho biết, khi tiếp nhận thông tin về đàn khỉ hoang, chính quyền đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra tình hình thực tế của đàn khỉ trên đảo Hòn Trà để có có phương án bảo vệ.

“Mục tiêu là phải bảo rừng ở Hòn Trà để làm ngôi nhà chung cho đàn khỉ, tạo môi trường tự nhiên cho khỉ sống lâu dài. Về thức ăn, trong thời gian qua, một số người dân cũng người dân đã quan tâm và mang thức ăn cho đàn khỉ, sắp tới, xã sẽ vận động thêm một khoản kinh phí để có nguồn thức ăn dồi dào và bền vững hơn. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã có chỉ đạo theo dõi, tuyên truyền và ngăn chặn tình hoạt động săn bắt đàn khỉ”, ông Đông chia sẻ.

Hiện đàn khỉ cư trú tách biệt trên đảo Hòn Trà có diện tích khoảng 1,5ha và nằm giữa cửa sông Trà Bồng đổ ra cửa biển Sa Cần, cách khu dân cư gần nhất khoảng 200m nên môi trường sống, hoạt động kiếm ăn theo bản năng sinh tồn. Tuy vậy, trong thời gian tới việc bảo tồn đàn khỉ gặp không ít khó khăn và có nguy cơ mất môi trường sống, nhất là việc khai thác rừng trồng trên đảo theo chu kỳ và có cả nguy cơ săn bắn trái pháp luật...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, đàn khỉ đang cư trú trên đảo Hòn Trà gồm 8 con, trong đó có 1 con bị cụt chi trước phía bên trái. Tất cả các cá thể trên là loài khỉ vàng (tên khoa học: Macaca Mulatta) thuộc danh mục động vật nguy cấp, quý, hiếm (nhóm IIB).

Trước mắt, để bảo tồn đàn khỉ, cần tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ, bảo tồn đàn khỉ tại đảo Hòn Trà cho người dân. Bên cạnh đó, tổ chức khoanh vùng bảo vệ, tránh tác động vào sinh cảnh trên đảo và cắm biển cảnh báo khu vực xung quanh để mọi người nhận biết, hạn chế xung đột; hỗ trợ cộng đồng thôn Hòn Trà kịp thời ngăn chặn đối tượng xấu xâm hại đàn khỉ.

Về lâu dài, cần lập dự án bảo vệ, bảo tồn đàn khỉ kết hợp phát triển điểm du lịch sinh thái đảo Hòn Trà, kêu gọi các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã trong nước, quốc tế chung tay tham gia công tác bảo tồn đàn khỉ tại địa phương.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần