Người Singapore tập chấp nhận Covid-19

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Singapore đang đi đúng hướng cho lộ trình 4 giai đoạn để “sống chung với Covid-19” mà Chính phủ đã vạch ra, với bước tạo đà là một tỷ lệ tiêm chủng đang dẫn đầu thế giới. Nhưng song song với đó, người Singapore cũng đang học cách chấp nhận nhiều con số về dịch bệnh, được cho sẽ là những “bình thường mới” tại quốc gia Đông Nam Á này.

200 ca nhiễm mỗi ngày
Theo số liệu thống kê của Our World in Data, trong số các quốc gia có dân số hơn 200.000 người, Malta, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Singapore hiện là 3 nước có tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 cao nhất. Tính đến ngày 9/8 vừa qua, cũng là Quốc khánh của Singapore, 72% dân số nước này đã được tiêm phòng đầy đủ và 81% dân số đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên. Điều này cho phép quốc gia bước vào giai đoạn đầu tiên của quá trình “biến Singapore thành quốc gia kiên cường trước Covid-19” - Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung tuyên bố hôm 6/8.
 Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore Ong Ye Kung. Ảnh: Angela Lim
Theo ông Ong, “giai đoạn chuẩn bị” này sẽ kéo dài trong khoảng 1 tháng, từ ngày 10/8 đến đầu tháng 9, trong đó các hạn chế xã hội được nới lỏng cho những công dân đã tiêm phòng đầy đủ, bao gồm cả việc tiếp tục phê duyệt nhập cảnh cho những người có thẻ lao động tạm trú đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Dự kiến đến đầu tháng 9, khi khoảng 80% dân số có khả năng đã được tiêm chủng đầy đủ, Singapore sẽ sẵn sàng chuyển sang giai đoạn thứ 2, được gọi là “giai đoạn chuyển tiếp A”. Đây là lúc nền kinh tế vốn phụ thuộc chủ yếu vào quốc tế của Singapore sẽ được mở cửa hơn nữa, với các hoạt động xã hội có quy mô lên tới 1.000 người và miễn kiểm dịch đối với người nhập cảnh đã tiêm phòng đầy đủ - đòn bẩy quan trọng cho ngành du lịch.

“Nhưng để làm như vậy, người dân Singapore phải chuẩn bị tinh thần cho số ca mắc và tử vong gia tăng” - khẳng định đáng chú ý của Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung, một trong 3 lãnh đạo của lực lượng liên ngành phụ trách ứng phó đại dịch Covid-19 của Singapore.

Giáo sư Teo Yik Ying, hiệu trưởng Trường Y tế cộng đồng NUS thuộc ĐH Quốc gia Singapore, giải thích: “Sống chung với Covid-19 có nghĩa là chúng ta cần chấp nhận rằng sẽ có một số ca bệnh xảy ra trong cộng đồng, đôi khi sẽ có cả những đợt bùng phát lớn hơn. Nhưng nhìn chung, những người bị nhiễm bệnh phần lớn không chịu bất kỳ tổn thương cấp tính hoặc mãn tính nào, khi ước tính khoảng 97,5% trong số này sẽ không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ vì đã được tiêm phòng đầy đủ”. Điều này - theo chuyên gia Teo Yik Ying - là đúng với mọi cộng đồng chứ không riêng mình Singapore, khi hàng loạt dữ liệu tiêm chủng đến nay từ Anh, Mỹ, Trung Quốc… đã cho thấy hiệu quả của vaccine trong việc giảm đáng kể tỷ lệ nhập viện và tử vong vì Covid-19, ngay cả khi xuất hiện các virus biến thể mới.

“Điều quan trọng là nguồn cung vaccine đã không còn hạn chế với hầu hết mọi người dân” - Bộ trưởng Ong Ye Kung nói, đồng thời tuyên bố về 3 thay đổi chính trong giao thức chăm sóc sức khỏe tại Singapore kể từ “giai đoạn chuẩn bị” đang diễn ra.

Thứ nhất, các bệnh nhân Covid-19 tại Singapore có thể được tiếp nhận vào các cơ sở chăm sóc y tế cộng đồng (CCF) thay vì bệnh viện. Hiện khoảng 40% người nhiễm virus được chữa trị tại CCF và tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên, tỷ lệ thuận với số dân được tiêm chủng đầy đủ, thậm chí một số sẽ dùng thuốc điều trị ngay tại nhà. Thứ hai, các giao thức xuất viện cũng được thay đổi: Những người bệnh đã tiêm chủng đầy đủ sẽ được xuất viện sau 14 ngày, với thời gian tự theo dõi là 7 ngày, miễn là các xét nghiệm của họ cho kết quả âm tính với Covid-19 hoặc có nồng độ virus rất thấp. Thứ ba, chương trình tự cách ly và thông báo tại nhà (SHN) sẽ từng bước được giới chức Singapore xem xét áp dụng với người nhập cảnh đã tiêm chủng đầy đủ từ các nước - hiện đã được áp dụng với ít nhất 8 quốc gia trong giai đoạn 1.

“Khi chúng ta học cách sống chung với Covid-19, các quy trình chăm sóc sức khỏe phải được điều chỉnh lại. Nếu Covid-19 thực sự là bệnh đặc hữu, việc có khoảng 200 ca nhiễm mỗi ngày có thể không còn là điều bất thường”, lãnh đạo ngành Y tế Singapore nói, “hãy nghĩ về một ngày mà tin nhắn cảnh báo tới điện thoại của bạn sẽ chỉ nói rằng bạn đang tiếp xúc với Covid-19, hãy về nhà tự kiểm tra bằng các bộ thử nghiệm và tự cách ly mình”.

1.000 ca tử vong mỗi năm

Nếu mọi việc suôn sẻ, Singapore sẽ có thể chuyển sang giai đoạn thứ ba, được gọi là “giai đoạn chuyển tiếp B” - mở cửa kinh tế hơn nữa, mặc dù các quy tắc khác biệt dựa trên tình trạng tiêm chủng nhiều khả năng vẫn còn - và cuối cùng là đi đến mục tiêu “bình thường mới”. Tuy nhiên, Giáo sư Teo Yik Ying lưu ý: “Khi Singapore bắt đầu nới lỏng các hạn chế, các bệnh nhân nhiễm virus nhẹ và không có triệu chứng sẽ bắt đầu tăng lên, sẽ không tránh khỏi việc lây lan sang những người chưa được tiêm phòng”.

Biến thể Delta được chứng minh đã làm cho Covid-19 dễ lây truyền hơn nhiều, do đó là nguy cơ cao hơn đối với những người chưa được chủng ngừa - bao gồm cả trẻ em dưới 12 tuổi, người cao tuổi trên 65 tuổi, một số người có bệnh lý nền không thể tiếp nhận vaccine và những người đủ điều kiện nhưng từ chối tiêm chủng.

“Nếu tỷ lệ tiêm chủng vẫn ở mức 80% cho nhóm tuổi hiện nay thì 1.000 trường hợp tử vong trong năm tới là khá chính xác với Singapore, chủ yếu là ở những người từ chối tiêm chủng”, Phó Giáo sư Alex Cook, chuyên gia về mô hình bệnh tật tại NUS dự báo, “nếu có thể đạt được tỷ lệ tiêm chủng lên đến 95%, thì khả năng vài trăm trường hợp tử vong có thể xảy ra, cũng chủ yếu là ở những người từ chối vaccine”. Một nghiên cứu của Bộ Y tế Singapore công bố vào năm 2016 cho thấy, gần 600 người chết vì bệnh cúm tại nước này mỗi năm, trong đó người cao tuổi đối mặt với nguy cơ tử vong cao hơn 11 lần.

Do đó, mấu chốt lúc này trong kế hoạch mở cửa của Singapore được tin chính là số lượng người cao tuổi được tiêm chủng. Thực tế đã có động thái linh hoạt nhằm tăng tỷ lệ này. Kể từ giữa tháng 7 vừa qua, người cao niên từ 60 tuổi trở lên tại Singapore đã có thể đi đến bất kỳ trung tâm tiêm chủng, phòng khám đa khoa hoặc phòng khám y tế cộng đồng nào để tiêm ngừa Covid-19 mà không cần hẹn trước. Nhìn chung, với việc từng bước mở rộng tiêm chủng có lựa chọn vaccine theo từng lứa tuổi cho các cơ sở bán công, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ của Singapore thẳng tiến từ mức chưa đến 40% vào đầu tháng 7/2021, để cán mốc 70% chỉ sau 1 tháng.

Trong khi các nhà sản xuất vẫn đang trong quá trình đánh giá khả năng sử dụng vaccine Covid-19 đối với trẻ em dưới 12 tuổi, việc chờ đợi tỷ lệ chủng ngừa hơn nữa để bắt đầu nới lỏng hạn chế sẽ là kéo dài khó khăn kinh tế với nhiều cá nhân và DN. “Có lý do chính đáng để những người đã tiêm chủng đầy đủ cần có một số đặc quyền” - Bộ trưởng Ong nói, phủ nhận những nới lỏng hạn chế dựa trên tình trạng tiêm chủng là sự phân biệt đối xử như nhiều người chỉ trích.

“Bản đồ lộ trình chuyển đổi sẽ là một sự cân bằng vô cùng thận trọng giữa cuộc sống và sinh kế của người dân. Do đó chúng tôi sẽ tiếp cận từng bước, cảm nhận con đường ở phía trước và đưa ra những lời thay đổi cấp thiết trên đường đi” - Bộ trưởng Y tế Singapore cho biết.

"Nếu tỷ lệ tiêm chủng vẫn ở mức 80% cho nhóm tuổi hiện nay thì 1.000 trường hợp tử vong trong năm tới là khá chính xác với Singapore, chủ yếu là ở những người từ chối tiêm chủng. Nếu có thể đạt được tỷ lệ tiêm chủng lên đến 95%, khả năng vài trăm trường hợp tử vong có thể xảy ra, cũng chủ yếu là ở những người từ chối vaccine." - Chuyên gia về mô hình bệnh tật tại NUS - Phó Giáo sư Alex Cook