Làn sóng yêu nước và chủ nghĩa dân tộc lan tỏa trên khắp Trung Quốc đang thúc đẩy người tiêu dùng Đại lục chuyển sang mua sắm hàng nội địa và xu hướng này có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các DN Mỹ.
Chủ nghĩa dân tộc từ lâu đã được sử dụng như một vũ khí tiếp thị trên khắp thế giới, trong đó có Mỹ, nơi nhiều DN nổi tiếng như Walmart, American Apparel và New Balance sử dụng nhãn "Made in America" như một biểu tượng của chất lượng.
Chủ nghĩa dân tộc đang thay đổi những người tiêu dùng như anh Ziyu Sun (23 tuổi), hiện đang sinh sống ở TP Thanh Đảo, Trung Quốc. Anh cho biết chủ nghĩa này là lý do đằng sau việc anh mua một chiếc điện thoại Huawei, thêm vào đó anh còn đọc nhiều bài viết trực tuyến trên trang web mua sắm Taobao của Alibaba và Weibo, trong đó khuyến khích sử dụng thương hiệu nội địa. "Hơn nữa, chất lượng của điện thoại Huawei cũng rất tốt", anh Sun nói.
Trường hợp của Yongming Su, một giáo viên cấp ba ở Bắc Kinh, cũng tương tự. Anh Su chỉ vào chiếc điện thoại Vivo của mình như một ví dụ cho thấy nếu mọi thứ đều bình đẳng, anh sẽ "ủng hộ và mua các thương hiệu nội địa thay vì hàng ngoại nhập".
Tư duy quay trở về thương hiệu nội địa tại Trung Quốc có thể đặt ra thách thức lớn cho các DN Mỹ trong năm tới. Các công ty Mỹ đã bán được gần 120 tỷ USD hàng hóa tại thị trường Trung Quốc trong năm 2018, đưa Bắc Kinh trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Mỹ, chỉ xếp sau Canada và Mexico, theo Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung.
Nhiều thương hiệu nổi tiếng của Mỹ như Nike, Apple và General Motors (GM) đã đặt triển vọng tăng trưởng vào khách mua sắm ở quốc gia đông dân nhất thế giới. GM - hãng xe ô tô lâu đời nhất nước Mỹ, hiện đang bán được nhiều xe tại thị trường vào Trung Quốc hơn là tại quê nhà. "Tâm lý người tiêu dùng là điều quan trọng nhất mà chúng tôi đang theo dõi sát sao" - Chủ tịch GM tại Trung Quốc Matt Tsien cho hay.
Chất lượng gia tăng và ngân sách quảng cáo lớn đã khiến khách hàng tin dùng sản phẩm và xem đây là những thương hiệu thân thuộc. Bên cạnh đó, niềm tự hào dân tộc được khuếch đại cũng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng của DN nội địa Trung Quốc.
"Các thương hiệu nội địa đang tăng cường niềm tin ngày càng lớn của người tiêu dùng", theo một báo cáo gần đây về các thương hiệu phổ biến nhất của Trung Quốc do công ty tư vấn Prophet thực hiện.
Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác để người tiêu dùng Trung Quốc ưa thích các thương hiệu nội địa là vấn đề chất lượng. Nhiều thương hiệu Trung Quốc, đặc biệt là các hãng sản xuất thiết bị viễn thông như Huawei Technologies và Xiaomi, hiện đang ở cùng đẳng cấp với các đối thủ phương Tây.
Các thương hiệu nội địa chiếm một nửa trong danh sách 50 thương hiệu hàng đầu tại Trung Quốc trong năm 2019, trong khi ba năm trước chỉ xuất hiện 18 cái tên. Đặc biệt, Alipay, ứng dụng thanh toán của Alibaba Group Holding và Huawei thậm chí còn chiếm hai vị trí hàng đầu.
Nhận thức về thương hiệu còn mang theo lợi nhuận. Theo công ty tư vấn IDC, Huawei hiện là công ty bán điện thoại thông minh lớn nhất tại Trung Quốc, chiếm 37% thị phần. Apple chỉ chiếm 7% thị phần, giảm từ mức 11% năm 2012, thời điểm mà Huawei chỉ là hãng kinh doanh điện thoại lớn thứ 5 ở Trung Quốc.
Trang web mua sắm nổi tiếng của Alibaba là Tmall cho biết doanh số của các thương hiệu nội địa đã tăng vọt trong ngày Quốc khánh nhờ "làn sóng yêu nước" gắn liền với lễ kỉ niệm 70 năm thành lập nước CHND Trung Hoa. Một nghiên cứu khác từ Nielsen hồi tháng 8 cho thấy, 68% người tiêu dùng Trung Quốc yêu thích các thương hiệu nội địa.
Ông Michael MacRitchie - nhà sáng lập của công ty MGI Entertainment (Sydney), cho biết, trong một chiến dịch quảng cáo mới nhất cho thương hiệu đồ thể thao Trung Quốc, công ty của ông đã chọn siêu mẫu châu Âu Karolina Kurkova để quảng cáo cho các sản phẩm mới của công ty này./.