Tuy nhiên, do không nắm vững quy định hoặc do thủ tục hành chính, một số người cao tuổi đang bị bỏ lỡ quyền lợi của mình.
Khi cần mới biết
Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, số người trên 80 tuổi ước khoảng gần 2% tổng số dân. Trong khi đó, phần lớn nhóm người ở độ tuổi 80 trở lên không có lương hưu, sống phụ thuộc vào gia đình và các trợ cấp xã hội hàng tháng. Đặc biệt, những người cao tuổi hiện nay thường mắc cùng lúc nhiều bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch, huyết áp… nên thường xuyên phải đi khám và điều trị. Số tiền điều trị này cũng không phải là nhỏ nên hầu hết các gia đình chỉ nhớ đến BHYT khi con số này vượt quá mức chi trả của gia đình có thể. Như trường hợp của bà Hoàng Thị X. (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm), chỉ đến khi phải nhập viện điều trị bệnh tim với số tiền chi trả lên đến hơn trăm triệu đồng nếu không có BHYT. Lúc ấy, gia đình bà mới “tá hỏa” tìm hiểu thông tin về việc cấp thẻ BHYT cho người cao tuổi. Đến gặp UBND phường Cửa Đông để hỏi, phía gia đình “trách” phường đã bỏ quên trường hợp của bà X., còn phía phường lại cho rằng chính gia đình không chủ động trong vấn đề này. Cũng may, nhờ Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội tạo điều kiện, bà X. đã được cấp BHYT kịp thời.
Phó Giám đốc BHXH quận Hà Đông Hoàng Đức Hiếu chia sẻ, từ đầu năm 2017 đến nay, BHXH quận đã cấp 2.010 thẻ BHYT cho người trên 80 tuổi. “Theo quy định, UBND phường sẽ lập danh sách những người trên 80 tuổi đề nghị UBND cấp quận ra quyết định cấp BHYT thông qua phòng Lao động, sau đó phòng Lao động sẽ căn cứ quyết định đó để lập danh sách gửi BHXH quận cấp thẻ” – ông Hiếu cho hay.
Linh hoạt trong làm thủ tục
Để được cấp thẻ BHYT, người được cấp thẻ cần phải khai hồ sơ thông tin cá nhân theo biểu mẫu, kèm theo ảnh thẻ cá nhân, bản photo Chứng minh Nhân dân hoặc hộ khẩu. Do vậy, ở mỗi địa phương lại có những cách làm linh hoạt trong hoàn thiện thủ tục cấp BHYT cho người cao tuổi. Như tại xã Ngũ Hiệp (huyện Thanh Trì), theo tìm hiểu của phóng viên, việc cấp thẻ BHYT cho người cao tuổi được phối hợp giữa chính quyền xã và chi hội người cao tuổi ở các thôn. Theo đó, chi hội trưởng chi hội người cao tuổi ở các thôn sẽ nắm được danh sách những đối tượng đủ tiêu chuẩn để cấp thẻ, đầu năm dương lịch, cán bộ trong chi hội sẽ hướng dẫn gia đình các đối tượng hoàn thành khai lý lịch hồ sơ và nộp về UBND xã để hoàn thiện hồ sơ gửi về UBND huyện.
Còn tại phường Quang Trung (quận Đống Đa), Phó Chủ tịch UBND phường Vũ Xuân Dũng cho biết, phía phường thường xuyên thông báo cho Hội Người cao tuổi phường để nhắc các chi hội thông báo các gia đình có các cụ trên 80 tuổi trong diện mất sức, không hưởng hưu trí, được cấp BHYT lên UBND phường để kê khai theo biểu mẫu. Tại UBND phường sẽ có cán bộ hướng dẫn kê khai. “Chế độ cấp thẻ BHYT cho người trên 80 tuổi đã có từ lâu, các cán bộ trong chi hội người cao tuổi các tổ dân phố công tác lâu năm thì sẽ nắm rất rõ quy định. Tuy nhiên, với những cán bộ mới, UBND phường phải hướng dẫn rất cụ thể để những đối tượng được hưởng không bị bỏ sót quyền lợi. Tại các cuộc họp, hội nghị, chúng tôi cũng phải nhắc lại các chế độ chính sách mà người cao tuổi được hưởng hiện nay để các chi hội nắm được” - ông Dũng nhấn mạnh.
BHXH TP luôn ưu tiên đặc biệt việc cấp thẻ BHYT cho các đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội. Nếu vì lý do nào đó liên quan đến thủ tục hành chính mà người dân chậm được cấp thẻ BHYT thì BHXH TP sẵn sàng cấp thẻ trước cho người dân với điều kiện đơn vị có trách nhiệm có văn bản nêu rõ lý do và cam kết thẻ được cấp đúng đối tượng. Phó Giám đốc phụ trách BHXH TP Hà Nội Nguyễn Đức Hòa |