Credit Suisse - ngân hàng lớn thứ hai của Thụy Sĩ được thành lập từ năm 1856, đã gặp khó khăn trong vài năm qua bởi một loạt bê bối và các vấn đề pháp lý.
Vì sao cổ phiếu Credit Suisse lao dốc kỷ lục?
Cổ phiếu Credit Suisse rơi tự do ngày 15/3 sau khi ông lớn ngành tài chính này vướng hàng loạt bê bối cùng tâm lý thị trường hoảng loạn từ vụ phá sản của 2 ngân hàng Mỹ.
Theo AFP, giá cổ phiếu của Credit Suisse đã lao dốc xuống mức thấp nhất trong phiên 13/3 khi thị trường chịu ảnh hưởng bởi những lo ngại xung quanh vụ phá sản của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) của Mỹ. Giá cổ phiếu của Credit Suisse mất tới 14,6% trên thị trường chứng khoán Thụy Sĩ, về mức thấp kỷ lục 2,115 franc Thụy Sĩ/cổ phiếu.
Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề do biến động thị trường, nhưng ngân hàng Credit Suisse không có mối liên hệ đáng kể nào với SVB.
Nhà phân tích Andreas Venditti tại tập đoàn quản lý đầu tư Vontobel của Thụy Sĩ cho rằng Credit Suisse là mắt xích yếu nhất trong hệ thống ngân hàng Thụy Sĩ. Theo ông, giá cổ phiếu của Credit Suisse đã dễ biến động ngay cả trước khi SVB sụp đổ.
Trước hết, loạt rắc rối của Credit Suisse bắt đầu từ vụ sụp đổ của Greensill - công ty tài chính của Anh chuyên cho các doanh nghiệp vay ngắn hạn thông qua một mô hình kinh doanh phức tạp và không minh bạch - xảy ra năm 2021. Ngân hàng lớn thứ hai của Thụy Sĩ đã mất 81% giá trị sau vụ phá sản của Greensilll vào tháng 3/2021.
Cuộc khủng hoảng của Credit Suisse cũng bao gồm một tiền án hình sự vì ngân hàng này đã để những kẻ buôn bán ma túy rửa tiền ở Bulgaria, vướng vào một vụ tham nhũng ở Mozambique, một vụ bê bối gián điệp liên quan đến cựu nhân viên và giám đốc điều hành, một vụ rò rỉ lớn dữ liệu khách hàng cho giới truyền thông.
Giám đốc điều hành Ulrich Koerner đã phát động một chiến dịch tiếp cận rộng rãi để thu hút lại những khách hàng đang lo lắng. Nỗ lực dường như đã được đền đáp vào tháng 1, khi đó ngân hàng này báo cáo tiền gửi tăng.
Tuy nhiên, do gánh nặng của chi phí tái cấu trúc, vào đầu tháng 2, Credit Suisse đã báo cáo khoản lỗ 7,3 tỷ franc (7,9 tỷ USD) trong năm 2022. Khoản lỗ kỷ lục này đã xóa sạch lợi nhuận của thập kỷ trước và khiến ngân hàng thất bại trong việc thuyết phục các nhà đầu tư hoặc ngăn chặn dòng tiền rút ra của khách hàng.
Bên cạnh đó, vào ngày 9/3, Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ đã nghi ngờ báo cáo thường niên của Credit Suisse, buộc họ phải hoãn công bố báo cáo. Khi công bố báo cáo vào ngày 14/3, ngân hàng này đã phát hiện ra “những lỗ hổng trong quá trình kiểm soát nội bộ đối với báo cáo tài chính” trong hai năm 2021 và 2022.
Trong bối cảnh lo ngại về sự lây lan sau khi 2 ngân hàng Mỹ phá sản hồi tuần trước, Quỹ đầu tư quốc gia của Ả Rập Saudi - cổ đông lớn nhất của Credit Suisse, cho biết sẽ không đầu tư thêm vào ngân hàng và khiến thị trường hoảng loạn.
Thụy Sĩ tung “phao cứu sinh” cho Credit Suisse
Ngân hàng Credit Suisse ngày 16/3 cho biết sẽ thực hiện “biện pháp mang tính quyết định” để tăng cường thanh khoản bằng cách vay khoảng 50 tỷ franc Thụy Sĩ (53,68 tỷ USD) từ Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) sau khi cổ phiếu của ngân hàng này sụt giảm đã gia tăng lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng tiền gửi ngân hàng sâu rộng hơn.
Trước đó, hôm 15/3, SNB và Cơ quan quản lý tài chính Thụy Sĩ (FINMA) đã nỗ lực trấn an dư luận khi cho biết Credit Suisse vẫn đang có đủ vốn và thanh khoản, nhưng nhấn mạnh ngân hàng trung ương sẵn sàng bơm thêm thanh khoản cho Credit Suisse nếu cần thiết.
Theo Reuters, Credit Suisse sẽ là ngân hàng toàn cầu lớn đầu tiên nhận được gói cứu trợ như thế kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
FINMA và SNB khẳng định không có dấu hiệu nào cho thấy có nguy cơ trực tiếp xảy ra hiệu ứng dây chuyền từ tình hình bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng của Mỹ với các thể chế tài chính của Thụy Sĩ.
Nhận định về nỗ lực giải quyết rắc rối của Credit Suisse, người sáng lập Tabbush Report, ông Daniel Tabbush, nhấn mạnh rằng, mối quan tâm lớn hơn đối với lĩnh vực ngân hàng là niềm tin.
Chuyên gia Tabbush nhấn mạnh với CNBC hôm 16/3: “Vấn đề rõ ràng là khôi phục lòng tin và ngăn chặn rút tiền ồ ạt, điều mà có thể ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ đã giải quyết một phần hoặc toàn bộ vấn đề này. Nhưng điều khó khăn hơn không chỉ đơn giản là giải quyết các vấn đề của ngân hàng, mà thực sự là làm thế nào điều này cung cấp thông tin cho rất nhiều ngân hàng liên kết với nhau, nơi có các hợp đồng của Credit Suisse, có các công cụ phái sinh, đó thực sự là vấn đề tiếp theo”.
Trong khi đó, ông Tareck Horchani, người đứng đầu bộ phận môi giới tại Maybank Securities ở Singapore, đánh giá: “Sau khi nhận được cam kết hỗ trợ thanh khoản từ SNB, lãnh đạo ngân hàng Credit Suisse cũng cần công bố chiến lược mới nhằm trấn an khách hàng”.