Đây đang được xem là hình thức tấn công khủng bố tuy không mới nhưng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với châu Âu. Ngày 22/7, một thanh niên Đức gốc Iran đã xả súng tại trung tâm mua sắm Olympia (Munich, Đức) khiến 9 người thiệt mạng và 21 người bị thương, rồi tự sát. Sau vụ việc, cảnh sát Munich đã nhanh chóng kêu gọi người dân không được ra đường và đặt TP trong tình trạng khẩn cấp. Các phương tiện giao thông ngừng hoạt động, tất cả đường cao tốc đều bị chặn. Đó là chiến dịch lớn nhất mà cảnh sát được huy động trong 10 năm qua.
Đây không phải lần đầu tiên những hành động khủng bố đơn lẻ được thúc đẩy bằng tư tưởng cực đoan của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đe dọa Đức và các quốc gia châu Âu. Hồi đầu tuần, vụ tấn công bằng dao của một thanh niên tị nạn 17 tuổi đã làm 4 người trên một chuyến tàu hỏa tại Đức bị thương nặng. Sau vụ việc, IS đã lên tiếng nhận trách nhiệm cả 2 vụ tấn công, đồng thời đe dọa đây mới chỉ là đòn tấn công đầu tiên nhằm vào nước Đức. Còn trước đó chỉ 4 ngày, vụ thảm sát bằng ô tô vào đúng ngày Quốc khánh Pháp cũng do một “con sói đơn độc” thực hiện. Các nhà chức trách châu Âu đang nâng tầm cảnh báo với những vụ khủng bố được thực hiện với hình thức “sói đơn độc”. Bộ trưởng Nội vụ Đức cảnh báo, quốc gia này có khả năng sẽ phải đối mặt với các cuộc tấn công từ phần tử Hồi giáo nhiều hơn. Theo Báo cáo xu hướng và khủng bố ở Liên minh châu Âu do Cảnh sát châu Âu (Europol) thực hiện, trong năm 2015, tổng cộng 151 người đã thiệt mạng và hơn 350 người bị thương, cho thấy người dân châu Âu đang ở vào thời điểm dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết. Chỉ ít ngày sau khi Europol cảnh báo mối đe dọa từ các cuộc tấn công theo mô hình “sói đơn độc”, 3 vụ khủng bố diễn ra là minh chứng đáng sợ cho mức độ nguy hiểm của hình thức khủng bố mới này. Theo đặc vụ FBI Michael German, nguyên nhân khiến “sói đơn độc” khó bị phát hiện chính là hành động một mình, khó bị phát hiện cũng như khó xác định đồng phạm và những mối liên hệ. “Việc chúng không có đồng phạm dẫn tới khả năng rò rỉ thông tin về âm mưu tấn công là rất thấp, khiến cơ quan thực thi pháp luật khó có manh mối để kịp thời ngăn chặn” - ông German nhấn mạnh. Bên cạnh đó, việc những kẻ tấn công hầu hết là người gốc Hồi giáo cho thấy nguyên nhân sâu xa phía sau mỗi vụ tấn công là tâm lý tự ti của những “công dân hạng 2” mặc dù mang quốc tịch của những nước châu Âu. Kẻ tấn công người Đức gốc Iran 18 tuổi đã hô vang “Tôi là người Đức” khi thực hiện vụ xả súng. Thông tin này cùng với việc cơ quan điều tra tiết lộ thủ phạm từng có thời gian dài bị bắt nạt tại trường học cho thấy, tâm lý mặc cảm, cùng với sự kỳ thị từ cộng đồng chính là nguyên nhân đẩy họ đến gần hơn với tư tưởng cực đoan của IS, nhanh chóng trở thành những “con sói đơn độc”. Vừa qua, cộng đồng Hồi giáo tại khu ngoại ô Ariane, Pháp cũng lên tiếng vì cảm thấy bị đổ lỗi oan mỗi khi có khủng bố ở Pháp hay ở châu Âu. Đồng thời lo sợ trước sự phân biệt đối xử và chia rẽ xã hội đang ngày một gia tăng.
Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ xả súng tại Munich, Đức. |