TP Hà Nội vẫn có nhiều nhà máy được kiến tạo trong những năm tháng lịch sử như: Nhà máy xe lửa Gia Lâm (năm 1905), nhà máy bia Hommel (năm 1890), sau đổi tên thành Tổng Công ty CP Bia, rượu nước giải khát Hà Nội; nhà máy cao su Sao Vàng (năm 1957), nhà máy thuốc lá Thăng Long (năm 1957), nhà máy dệt kim Đông Xuân (năm 1959), nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông (năm 1961).
Theo các chuyên gia, đó đều là di sản công nghiệp, nguồn tài nguyên cần được khai thác hiệu quả vì nắm giữ các tiềm năng tái sinh khu vực đô thị, tôn vinh giá trị lịch sử văn hóa và tạo ra giá trị kinh tế thông qua mô hình tái thiết bền vững.
Theo TS Nguyễn Thị Huệ - Đại học quốc gia Hà Nội: Di sản công nghiệp cũng giống như các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khác cần được bảo tồn như một bằng chứng sống động cho những giai đoạn phát triển độc đáo của lịch sử nhân loại và cần xem xét di sản công nghiệp như một loại di sản văn hóa.
Trên thế giới, di sản công nghiệp đang được nhiều quốc gia nhìn nhận như một phần của văn hóa, của lịch sử xã hội. Giám đốc Khu phức hợp văn hóa Friche la Belle de Mai ở Marseille (Pháp) Alban Corbier-Labasse đã chia sẻ những kinh nghiệm khi vận hành địa điểm này. Theo đó, thành công của Friche la Belle de Mai là sự kết hợp của hai ý chí. Đầu tiên là ý nguyện của chính quyền, hai là sáng kiến của các chủ thể trong xã hội. Việc sử dụng tối ưu không gian hiện có và dự trữ các không gian cho các mục đích sáng tạo sau này là cần thiết. Vì vậy, cùng với việc tổ chức các hoạt động trong khu phức hợp, nơi này đang trở thành địa chỉ hấp dẫn cho người dân trong vùng và đông đảo du khách nơi khác đến tham quan.
Tháng 7/2022, TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết về danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn, trong đó có 9 cơ sở công nghiệp phải di dời trong vòng 5 năm. KTS Phạm Trung Hiếu - giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội (người đã có những đề xuất nghiên cứu mô hình chuyển đổi Nhà máy Xe lửa Gia Lâm) chia sẻ, việc di dời 9 nhà máy cũ ra khỏi nội đô đã mở ra quỹ đất rất lớn cho TP. Đây là cơ hội để Hà Nội đủ tiềm lực chuyển mình và trở thành một Thành phố Sáng tạo năng động.
Các chuyên gia cho rằng, nếu chúng ta loại bỏ di sản công nghiệp thì sẽ mất đi chuỗi liên tục của hình ảnh của đô thị. Hà Nội không cần giữ lại toàn bộ, bảo tồn toàn bộ nhưng phải xác định rõ ràng đâu là những kiến trúc để nối ký ức của Hà Nội nên giữ, phần nào cần bảo tồn, cải tạo thích ứng hoặc xây mới hoàn toàn.
Để có thể lựa chọn các cơ sở công nghiệp để bảo tồn, lưu giữ một phần hoặc toàn bộ, cần tiến hành đánh giá và công bố các giá trị di sản của các cơ sở công nghiệp thông qua các cuộc hội thảo liên ngành với sự tham vấn của các nhà chuyên môn trong lĩnh vực văn hóa, kiến trúc, lịch sử, từ đó xây dựng một bộ tiêu chí đánh giá khoa học và bài bản hơn. Thể chế hóa khái niệm di sản công nghiệp và đưa vào văn bản quy phạm pháp luật như Luật Di sản của Bộ VHTT&DL và Luật Liến trúc của Bộ Xây dựng cũng là yêu cầu không thể thiếu.