Lãnh đạo các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran hôm 7/9 có cuộc gặp quan trọng tại Tehran (Iran) để thảo luận về việc chấm dứt cuộc chiến dài 7 năm ở Syria. Đây là sự kiện ảnh hưởng rất nhiều tới số phận của quân nổi dậy (do nhiều nước khác bảo trợ) cũng như người dân Syria tại tỉnh Idlib, trong bối cảnh quân đội của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad chuẩn bị một cuộc tổng tấn công nhằm chiếm lại khu vực lớn duy nhất mà quân nổi dậy còn chiếm đóng này.
Binh lính phiến quân tại một trại huấn luyện ở tỉnh Idlib, miền Bắc Syria. Ảnh: AFP |
Ở Syria, Mỹ hỗ trợ một số nhóm nổi dậy để tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), và cũng không thừa nhận vai trò của Tổng thống al-Assad trong giải pháp chính trị hậu chiến cho Syria. Nga, ngược lại, cùng với Iran là bên hỗ trợ lớn nhất cho ông al-Assad. Và còn đó những lập trường nửa bên này, nửa bên kia của các nước khác. Ví dụ Thổ Nhĩ Kỳ vừa muốn diệt IS, vừa muốn đánh các tay súng người Kurd cộng tác với Mỹ, nhưng lại mâu thuẫn với Nga và Iran về vai trò của al-Assad. Ở Syria, chưa biết đó là nội chiến hay... ngoại chiến.
Chính vì vậy, giữa giai đoạn nhạy cảm của Idlib, căng thẳng đang leo thang và tiềm ẩn nguy cơ xung đột quân sự giữa các nước ngoài với nhau.Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7/9 chấp thuận việc kéo dài vô thời hạn sự hiện diện quân sự ở Syria, cho tới khi nào chắc chắn quét sạch IS. Giới quan sát ngầm hiểu Mỹ lấy IS làm cớ tiếp tục giữ ảnh hưởng tại Syria. James Jeffrey, cựu quan chức cấp cao về đối ngoại của Mỹ, người vừa được bổ nhiệm làm đặc sứ phụ trách Syria đợt này, thừa nhận 2.200 lính Mỹ ở Syria cùng chính sách mới của ông Trump là tín hiệu cho thấy chính quyền Mỹ chưa vội rút đi. Song song với đó, đã có một số tín hiệu từ Mỹ tiếp tục cảnh báo Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ về việc sử dụng vũ khí hóa học. Đài BBC còn nói ông Trump đã “có bằng chứng” về việc vũ khí hóa học được chuẩn bị ở Syria.Ở phía bên kia, Nga trong tuần này đã hai lần cảnh báo Mỹ về việc Moscow chuẩn bị tấn công các khu vực có lính Mỹ đồn trú ở Syria. Theo CNN, một số quan chức Mỹ đã lo ngại về việc Trung tâm quân sự chống IS do Mỹ dẫn đầu tại At Tanf, gần biên giới của Syria với Jordan và Iraq có thể bị tấn công. Đây là khu vực then chốt về chiến lược mà cả Mỹ, Iran lẫn Nga đều muốn cạnh tranh để tạo ảnh hưởng.“Chúng tôi dĩ nhiên khuyến cáo họ (Nga) tránh khu vực At Tanf. Chúng tôi đang trong tư thế đáp trả. Mỹ không tìm cách đánh chính quyền Syria hay bất kỳ nhóm nào do chính quyền Syria hỗ trợ. Tuy nhiên nếu bị tấn công, Mỹ sẽ không ngần ngại sử dụng quân lực cần thiết và tương ứng để bảo vệ Mỹ, liên minh và các nhánh quân sự đối tác”, một quan chức quốc phòng nói với CNN.
Idlib là khu vực có khoảng 3 triệu người sinh sống, và hiện có hàng chục ngàn quân nổi dậy đang chiếm đóng, gồm nhiều nhánh khác nhau như nhánh liên kết với al-Qaeda, Hayat Tahrir al-Sham (HTS), nhánh do Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ National Liberation Front (NLF)... Nếu khu vực này sụp đổ sau cuộc tấn công của quân đội Syria, xem như Tổng thống al-Assad và Nga, Iran sẽ chiếm lợi thế khi đàm phán giải pháp chính trị cho Syria.