Nguy cơ mất thị trường ngành gỗ Việt Nam

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ khoảng tháng 8/2021, do tác động của dịch Covid-19, ngành gỗ trong nước lâm vào tình trạng sản xuất, kinh doanh hết sức khó khăn. Nhiều DN đã phải tạm ngừng sản xuất, thậm chí phá sản. Nếu tình trạng này còn kéo dài, không loại trừ khả năng Việt Nam có thể mất thị trường ngành gỗ.

Bài toán chi phí sản xuất - lưu thông
Là một trong những DN lớn trong ngành gỗ, tuy nhiên, hơn 2 tháng qua, hoạt động của Công ty CP Woodsland gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19. Tổng Giám đốc Nguyễn Công Bằng cho biết, đơn vị hiện vẫn duy trì nhà máy tại Hà Nội và Tuyên Quang. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch, doanh thu của đơn vị 2 tháng qua giảm hơn 30%. 
Theo ông Bằng, nguyên nhân của việc sụt giảm doanh thu đến từ việc gia tăng chi phí sản xuất và nhiều khoản kinh phí khác để bảo đảm an toàn công tác phòng, chống dịch Covid-19. Việc áp dụng “3 tại chỗ” không chỉ khiến chi phí ăn nghỉ gia tăng mà còn khiến DN gặp bối rối trong việc bố trí, sắp xếp không gian. Cùng với chi phí sản xuất gia tăng, các DN ngành gỗ thực hiện “3 tại chỗ” còn phải định kỳ xét nghệm vaccine phòng Covid-19 cho người lao động.
Doanh nghiệp ngành gỗ gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Ảnh minh họa.
Không chỉ Công ty CP Woodsland, hàng trăm DN ngành gỗ trên địa bàn cả nước cũng đang gặp muôn vàn khó khăn do dịch bệnh thời gian qua.
Khảo sát nhanh đối với 360 DN tại 3 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bình Định và TP Hồ Chí Minh vừa được Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) công bố cho thấy, có hơn 50% tổng số DN phải ngừng, đóng cửa hoặc giảm sản xuất.
Những DN còn hoạt động cũng chỉ duy trì được khoảng 50 - 60% số lượng lao động thường xuyên. Công suất các nhà xưởng giảm từ 30 - 50% so với điều kiện bình thường. Trong khi đó, chi phí để duy trì sản xuất theo phương thức “3 tại chỗ” đã tăng khoảng 20 - 30%. 
Đáng lo ngại nhất, dịch Covid-19 khiến việc đi lại, lưu thông vận chuyển khó khăn. Chủ tịch Viforest Đỗ Xuân Lập cảnh báo, nếu tình hình không được cải thiện thì DN ngành gỗ có thể phải đối diện với nguy cơ mất khách hàng, mất các thị trường chiến lược và mất khả năng tham gia hiệu quả vào các chuỗi cung ứng sản phẩm gỗ. Đây là những yếu tố mà DN Việt Nam đã xây dựng được uy tín trên thị trường thế giới trong nhiều năm qua.
Chủ động thích ứng chờ phục hồi sau dịch
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, từ tháng 8/2021, xuất khẩu gỗ ghi nhận sự sụt giảm mạnh. Dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng, lưu thông, lao động bị ảnh hưởng. Nguy cơ các DN dừng sản xuất đối diện phá sản là rất lớn, do các đơn vị vẫn phải trả chi phí thuê mặt bằng, các khoản thuế, phí, lãi suất ngân hàng… 
Ngoài ra, các DN còn phải đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, phí công đoàn. Và mặc dù ngân hàng đã công bố mức giảm lãi từ 0,3 - 1,5%, cùng các gói tín dụng ưu đãi khác, nhưng với mức giảm này là không đáng kể so với thiệt hại của DN...
Cấu trúc lại cách làm việc để tăng sức chống chịu với đại dịch là đòi hỏi đặt ra đối với các doanh nghiệp ngành gỗ. Ảnh: TTXVN.
Nhiều DN khi được hỏi bày tỏ mong muốn các tỉnh, TP tổ chức kiểm soát dịch bệnh Covid-19 khoa học hơn. Trong đó, xây dựng kế hoạch phong toả ở quy mô phù hợp để hạn chế tác động đến hoạt động sản xuất của các DN. Bên cạnh đó, địa phương cần tiếp tục nghiên cứu các biện pháp nới lỏng việc vận chuyển hàng hoá, đi lại từ tỉnh, TP đang có dịch theo hướng đơn giản nhất có thể.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, để tạo điều kiện phục hồi sản xuất, kinh doanh cho ngành gỗ nói riêng, lĩnh vực nông nghiệp nói chung, vừa qua, Bộ đã có văn bản đề xuất cho phép người lao động đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 có thể tham gia vận chuyển, lưu thông bình thường. Các địa phương xem xét, tạo điều kiện nhanh nhất và đảm bảo nhu cầu tiêm vaccine cho lao động ngành gỗ, trước tiên ưu tiên 100% cho lao động vùng dịch và các nhà máy đang duy trì sản xuất.
Theo Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Quốc Khanh, trong giai  đoạn cuối năm 2021, các DN sản xuất đồ gỗ cần cố gắng giữ chân khách hàng, bảo vệ nguồn nguyên liệu đầu vào, đầu ra. Đồng thời, củng cố các dòng thu bền vững từ thay đổi quản lý năng suất lao động và nghiên cứu các cách thức làm việc mới.
Để sớm phục hồi tăng trưởng cho ngành gỗ sau khi dịch Covid-19 có diễn biến tích cực, đại diện một số hiệp hội, bộ ngành kiến nghị các DN chế biến gỗ cần tiếp tục quan tâm, đầu tư nâng cấp công nghệ sản xuất. Đặc biệt là nghiên cứu, cấu trúc lại cách làm việc để tạo ra những DN có sức chống chịu tốt trước đại dịch hoặc những thách thức khác có thể xảy ra.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần