Nguy hiểm chung cư cũ xuống cấp: Cần đẩy nhanh tiến độ cải tạo

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều chung cư cũ trên 40 năm xuống cấp, nhưng việc di dời, cải tạo, xây mới gặp nhiều khó khăn. Trong đó, Giảng Võ, Thành Công và Ngọc Khánh là 3 khu chung cư cũ được đề xuất cải tạo, xây dựng lại, được nhiều người dân kỳ vọng sớm triển khai, nhất là khi Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 69/2021/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

 Toà G6B Thành Công được đánh giá nguy hiểm cấp độ D.

Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn TP có 1.579 nhà chung cư cũ cần cải tạo lại, có quy mô từ 2 - 5 tầng. Các khu nhà này chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối năm 1980, tập trung chủ yếu ở khu vực nội đô. Tuy nhiên từ năm 2007 đến nay, Hà Nội chỉ có 18 dự án chung cư cũ được xây dựng lại, đã đưa vào sử dụng, chiếm khoảng 1,14% tổng số nhà chung cư cũ cần cải tạo, xây dựng lại.

Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế&Đô thị, hiện nay, nhiều khu chung cư cũ tại các khu vực như Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh... được xây dựng đến nay đã lên đến hơn 40 năm, nhiều tòa nhà xuống cấp trầm trọng, đe dọa trực tiếp đến tính mạng cư dân.

Tại những tòa nhà này, nhiều hộ dân cơi nới, xây dựng "chuồng cọp" làm thay đổi kết cấu chịu lực, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi có cháy nổ xảy ra. Các mảng tường dọc cầu thang bộ bị mốc, bong tróc thành từng mảng để lộ những mảng bê tông ẩm mốc, bên cạnh đó, có những căn hộ tập thể chật hẹp là nơi sinh sống của nhiều thế hệ trong một gia đình.

Chị Trần Thị Hải Yến (người dân sống tại khu chung cư Nam Thành Công) chia sẻ, nhiều người vẫn bám trụ ở chung cư cũ dù biết nguy hiểm vì thời gian gắn bó ở đây quá lâu (20 - 30 năm), thời gian di chuyển đi làm ngắn, nếu di dời tái định tới khu Pháp Vân cách trung tâm hơn 10km sẽ bất tiện trong cuộc sống. "Đa số mọi người đều tán thành việc sớm cải tạo lại nhà, tuy nhiên vấn đề về chính sách, đền bù, giải phóng mặt bằng chưa tìm được tiếng nói chung cũng làm tiến trình đang "dậm chân tại chỗ" - chị Yến cho hay.

Theo đại điện phường Thành Công, trên địa bàn phường có 87 nhà tập thể, gồm 4.684 căn hộ, cao 2 - 5 tầng, xây dựng từ những năm 1970 - 1980, căn hộ đã được bán cho các hộ dân theo Nghị định 61/CP, trong đó nhiều tòa đến nay đã xuống cấp. Việc cải tạo chủ yếu do các hộ tự làm, nên chỉ mang tính cục bộ tạm thời cho từng khối nhà, chưa đáp ứng được nguyện vọng người dân cũng như công năng sử dụng, quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan.

Bên cạnh đó, xen kẽ trong các chung cư cũ còn có những công trình nhà ở thấp tầng, đa phần hộ dân tại tầng 1 tự ý xây nhà trên đất lưu không. Diện tích căn hộ tại các chung cư cũ đa số rất nhỏ (chưa đến 30m2), đến nay không đáp ứng được tình trạng gia tăng dân số, dẫn đến cơi nới tự phát, hư hại kết cấu công trình, hình thức kiến trúc cảnh quan bên ngoài bị phá vỡ.

 Nhiều hộ dân phải cơi nới để có thêm diện tích sử dụng, nhưng điều đó tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khi thay đổi kết cấu chịu lực
Nhiều người cho rằng, TP cần sớm có kế hoạch tổng thể cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP nói chung và phường Thành Công nói riêng. Trước mắt, nên áp dụng cơ chế chính sách đặc thù, quy định rõ mức tối thiểu và tối đa trong công tác hỗ trợ đền bù, nên áp dụng chính sách định cư tại chỗ tránh tình trạng xáo trộn đời sống sinh hoạt.

Theo Ban chỉ đạo cải tạo chung cư cũ, hiện nay trong quá trình triển khai gặp khó khăn, vướng mắc về rà soát, kiểm định và lập kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư, quy hoạch. Khó khăn trong lựa chọn nhà đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường và hỗ trợ tái định cư, lập quỹ nhà tạm cư, ưu đãi đầu tư...

Để đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn, UBND TP Hà Nội đã phân cấp cho UBND cấp quận, huyện lựa chọn đơn vị kiểm định chung cư cũ độc lập, đơn lẻ theo kế hoạch, sau đó gửi kết quả về Sở Xây dựng để bổ sung, điều chỉnh kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Theo Nghị định số 69/2021/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, có hiệu lực từ ngày 1/9/2021, trong nội dung quy định về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư về nhà ở, công trình xây dựng không thuộc sở hữu nhà nước, có quy định: Căn cứ vào điều kiện cụ thể của dự án tại từng khu vực, UBND cấp tỉnh quyết định hệ số k bồi thường từ 1 đến 2 lần diện tích sử dụng căn hộ cũ ghi trong Giấy chứng nhận được cấp qua các thời kỳ hoặc diện tích đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận, làm cơ sở để chủ đầu tư lập phương án bồi thường. Trường hợp có diện tích ngoài diện tích được công nhận trong Giấy chứng nhận hoặc ngoài diện tích đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận thì thực hiện giải quyết theo quy định của pháp luật đất đai. Diện tích căn hộ tái định cư sau khi tính theo hệ số k được quy đổi thành tiền và được nêu rõ trong phương án bồi thường, làm cơ sở để xác định giá trị hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở tái định cư và nghĩa vụ thanh toán tiền chênh lệch của các bên (nếu có).