Nguyên do đằng sau các căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc

Thuỵ Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bản chất mối bất hoà giữa Mỹ và Trung Quốc vượt xa chuyện xung khắc thương mại thuần tuý hay thâm hụt cán cân thương mại.

Mối bất hoà giữa Mỹ và Trung Quốc về kinh tế và thương mại đã có diễn biến bất ngờ mới với việc tổng thống Mỹ Donald Trump cử hẳn đoàn cấp cao sang thương thảo với Trung Quốc.
 Phái đoàn thương mại của Mỹ đến Trung Quốc.
Đây là động thái bất ngờ sao được khi với tất cả các đối tác kinh tế và thương mại khác, phía Mỹ đều không hề chủ động tìm cách đối thoại trực tiếp để đi tới thoả thuận mà chỉ áp đặt.
Thành phần đoàn của Mỹ bao gồm cả bộ trưởng tài chính Mnuchin lẫn bộ trưởng thương mại Ross, cả đặc phái viên về thương mại Lighthizer lẫn hai cố vấn kinh tế của ông Trump là Kudlow và Nerrvada, tức là tất cả những cộng sự quan trọng nhất của ông Trump về kinh tế và thương mại.
Việc ông Trump cử đoàn cao cấp và quan trọng như thế này sang Trung Quốc cho thấy ông Trump không muốn vì chính sách bảo hộ thương mại mà quan hệ với Trung Quốc bị đổ bể. Ông Trump muốn giảm mức thâm hụt của Mỹ trong cán cân trao đổi thương mại với Trung Quốc và gây áp lực với Trung Quốc trước hết và chủ yếu để có được tác động dân tuý về chính trị nội bộ ở Mỹ chứ không thể không biết rằng Mỹ không chỉ được lợi bởi Trung Quốc, cũng như các đối tác khác, mà trả đũa thì Mỹ cũng không thể tránh khỏi bị thua thiệt nhiều, ngay lập tức cũng như về lâu dài.
Nước Mỹ của ông Trump cần Trung Quốc, thậm chí phụ thuộc vào Trung Quốc, trên không ít lĩnh vực khác, điển hình nhất ở hai chuyện: Trung Quốc là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ và ông Trump cần Trung Quốc để xử lý chuyện quan hệ với Triều Tiên. Cho nên ông Trump tung ra chiêu thức bảo hộ mậu dịch và doạ trừng phạt Trung Quốc về kinh tế và thương mại thật ra không phải để rồi theo đuổi đến cùng mà để ép Trung Quốc thương thảo và nhượng bộ, lại càng muốn tránh để xẩy ra chiến tranh thương mại với Trung Quốc, với EU hay các đối tác khác thì có thể chứ với Trung Quốc thì không.
Trung Quốc có thế và vì thể diện nên không thể không trả đũa Mỹ tương ứng. Nhưng trên thực tế, Trung Quốc hiện vẫn còn lệ thuộc ở mức độ không nhỏ vào công nghệ hiện đại cao của Mỹ và còn cần nhiều thời gian để đạt được mục tiêu đề ra với chương trình "Made in China 2025" nên cũng có nhu cầu tương tự về duy trì đối thoại và ngăn ngừa chiến tranh thương mại. Trung Quốc kỳ vọng với "Made in China 2025" sẽ đứng đầu thế giới trên 10 lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật quan trọng nhất đối với thế giới trong thế kỷ 21. Phía Mỹ đang tìm cách ngăn cản Trung Quốc đạt được những mục tiêu này.
Bản chất mối bất hoà giữa Mỹ và Trung Quốc vì thế vượt xa chuyện xung khắc thương mại thuần tuý, bảo hộ mậu dịch hay cạnh tranh không lành mạnh, thâm hụt cán cân thương mại hay vi phạm quy định về bảo vệ sở hữu trí tuệ.
Nó là cuộc ganh đua giữa hai bên về ưu thế trong tương lai trên phương diện công nghệ mới, kỹ thuật mới. Vì thế, hai ngày thương thảo ở Bắc Kinh không thể đủ để hai bên có được sự nhất trí về giải pháp cho các chuyện bất hoà.
Tuy nhiên, cuộc thương thảo không thất bại khi hai bên thoả thuận là sẽ giải quyết mọi chuyện mắc mớ về kinh tế và thương mại thông qua đối thoại và tham vấn lẫn nhau, thành lập nhóm làm việc chung chuyên cho vấn đề này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần