TNS John McCain không những là một nhân vật có tiếng nói và ảnh hưởng trong chính trường Mỹ, mà còn có đóng góp đặc biệt trong quá trình bình thường hóa cũng như thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ giai đoạn 2011-2014 chia sẻ trên trang xã hội cá nhân: “TNS John McCain là một trong những biểu tượng và đã có những đóng góp quan trọng vào tiến trình bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ”.
Điểm lại quá trình hơn 3 năm làm Đại sứ tại Mỹ (4/2011-11/2014), Đại sứ Nguyễn Quốc Cường cho biết: “Tôi đã có rất nhiều lần gặp gỡ TNS John McCain, khi tháp tùng các lãnh đạo Việt Nam và các cuộc gặp riêng để trao đổi về đủ các loại vấn đề, khi thì về Biển Đông, khi thì về các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu, Hiệp định TPP... Tôi cũng thích tính cách thẳng thắn trong các bài phát biểu của TNS, không khoan nhượng, luôn đi vào thẳng vấn đề”.
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường kể lại: “Còn nhớ, có lần gặp đề nghị TNS lên tiếng mạnh mẽ phản đối việc Chính phủ Mỹ áp thuế phi lý vào mặt hàng cá tra, cá basa của Việt Nam, TNS đáp lời đồng ý ngay và đề nghị cung cấp thêm các lập luận. Một thời gian ngắn sau, TNS mời tôi đến và lần này không tiếp tại Văn phòng của TNS mà ngay tại hành lang của phòng họp Thượng viện nơi có rất nhiều người đứng chờ để gặp mặt các TNS Mỹ. TNS McCain giải thích chính vì lý do đó mà ở Mỹ có từ “lobbyists”, tức là những người “vận động hành lang” và hôm nay TNS gọi Đại sứ Việt Nam lên gặp để thông báo TNS chuẩn bị đưa ra Thượng viện dự luật phản đối Chính phủ Mỹ áp thuế cao với cá tra, cá basa của Việt Nam. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam thời đó là David Shear cho tôi biết lần đầu được gặp TNS và câu đầu tiên TNS McCain nhắn nhủ tới Đại sứ Mỹ cũng là “Vietnam’s catfish”!”
Theo nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, TNS McCain cũng rất “tự hào” được Việt Nam dựng “bia” tại Hồ Trúc bạch, nơi máy bay của ông bị Việt Nam bắn rơi và viên phi công McCain bị bắt trong chiến tranh. Ông chỉ đề nghị ta chỉnh sửa cho chính xác ông là “phi công của Hải quân Hoa kỳ” chứ không phải là “phi công của Không lực Hoa kỳ” và cũng mong Hà Nội quan tâm giữ gìn vệ sinh quanh tấm bia này. Mỗi lần thăm Việt Nam, ông thường dẫn các TNS và bạn bè của ông tới để “khoe” về tấm bia kỷ niệm này.
Cũng có lần ông bày tỏ lo lắng là sau thế hệ của ông và những người như TNS John Kerry thì trong Quốc hội Mỹ sẽ không còn nhiều người hiểu biết đầy đủ và quan tâm thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Mỹ nhiều nữa, vì thế mỗi lần thăm Việt Nam, ông đều chủ ý dẫn theo các TNS Mỹ trẻ để họ sẽ tiếp tục là những cầu nối cho quan hệ hai nước sau khi ông ra đi, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường cho biết.
TNS John McCain sinh ngày 29/8/1936 tại một căn cứ Hải - Không quân của Mỹ ở vùng kênh đào Panama. Cả ông nội và cha của McCain đều phục vụ trong lực lượng Hải quân Mỹ.
Ngày 26/10/1967, máy bay A-4E Skyhawk của John McCain bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội. Trung sĩ John McCain phải nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch, bị thương nặng. Phi công mà sau này trở thành TNS Mỹ được người dân Hà Nội cứu sống và được điều trị trong bệnh viện. Ông nằm viện trong 6 tuần, sau đó được chuyển tới nhà tù Hỏa Lò.
Sau khi được trao trả về Mỹ, McCain bắt đầu sự nghiệp chính trị, trở thành một nghị sĩ, thượng nghị sĩ, ứng viên tổng thống và là người đã nỗ lực hết mình cho mối quan hệ Việt - Mỹ. Từ một tù binh bị giam giữ ở Việt Nam, McCain đã nỗ lực không mệt mỏi trong sự nghiệp của mình để hóa giải mối hận thù giữa hai đất nước, được nhiều người dân Việt Nam coi như một người bạn, một người kiến tạo hòa bình.