Nguyên liệu bấp bênh, ngành gỗ nhập khẩu "quay xe" tìm nguồn nội địa

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù là trung tâm chế biến đồ gỗ lớn của thế giới, tuy nhiên Việt Nam lại phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Trong bối cảnh nguồn gỗ nhập khẩu đang lâm cảnh bế tắc, thì việc nâng cao năng suất, chất lượng vùng nguyên liệu tại chỗ là giải pháp cứu cánh.

Nguồn nguyên liệu bấp bênh

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, nhưng giá trị xuất khẩu ngành công nghiệp chế biến đồ gỗ năm 2021 của Việt Nam vẫn đạt đến 15,96 tỷ USD, tăng 20,7% so với năm 2020 và xuất siêu đạt 13 tỷ USD, đóng góp lớn vào giá trị của nền kinh tế.

Hiện cả nước có 5.580 DN sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản, thu hút khoảng 500.000 lao động. Trong đó có 2.600 DN xuất khẩu trực tiếp, tập trung nhiều nhất tại khu vực Đông Nam Bộ, sau đó là khu vực đồng bằng sông Hồng, Nam Trung Bộ, Đông Bắc Bộ.

Chế biến gỗ xuất khẩu. Nguồn internet
Chế biến gỗ xuất khẩu. Nguồn internet

Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập cho biết, trong chế biến gỗ xuất khẩu, nguyên liệu đóng vai trò quyết định sự tăng trưởng trong sản xuất và chiếm từ 40 - 60% cơ cấu giá thành sản phẩm. Trong giai đoạn 2017 - 2021, nhu cầu về gỗ nguyên liệu cho ngành chế biến đồ gỗ Việt Nam tăng từ 34,2 đến 41 triệu m3/năm. Nguồn nguyên liệu gỗ khai thác trong nước chiếm khoảng 77,4% nguồn cung.

Tuy nhiên, nguồn gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung chỉ chiếm 52,7%. Nguồn cung ứng từ gỗ nguyên liệu nhập khẩu trong giai đoạn này chiếm khoảng 22,6%. Trung bình mỗi năm, Việt Nam phải nhập khẩu 5 - 6 triệu m3 gỗ quy tròn để phục vụ sản xuất. Qua đó có thể thấy, ngành chế biến gỗ của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu.

Thế nhưng trong những năm qua, nguồn cung gỗ nguyên liệu trên thế giới biến động rất lớn. Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu, gây thiếu hụt nguồn container, làm tăng giá cước vận chuyển và thiếu lao động trong khâu khai thác. Dẫn tới khan hiếm nguyên liệu, đồng thời tăng giá gỗ nguyên liệu, thời gian giao hàng không đảm bảo khiến hoạt động sản xuất của ngành gỗ Việt Nam không ổn định. Từ đó, làm giảm lợi thế cạnh tranh của đồ gỗ trên thị trường thế giới.

Ngoài ra, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã dẫn đến các lệnh trừng phạt của những nước phương Tây áp dụng với Nga, khiến nước này đưa ra lệnh cấm xuất khẩu gỗ tròn và 1 số mặt hàng khác để trả đũa. Nguồn cung gỗ nguyên liệu từ Nga ở mức 30 triệu m3/năm hiện đã giảm sâu, và còn tiếp tục đà giảm trong thời gian tới. Nguồn cung gỗ nguyên liệu trên thế giới thiếu hụt tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nước nhập khẩu gỗ, đẩy giá gỗ nguyên liệu tăng mạnh.

Trong khi đó, diện tích trồng rừng có chứng chỉ bền vững FSC tại Việt Nam còn nhiều hạn chế. Tính đến hết tháng 3/2022 tổng diện tích rừng trồng là rừng sản xuất có chứng chỉ FSC của Việt Nam đạt gần 180.000ha, tương đương khoảng 5% tổng số diện tích rừng sản xuất của Việt Nam. Nếu tính cả diện tích rừng đạt chứng chỉ VFCS/PEFC (khoảng 50.000ha cho tới nay), thì tổng diện tích rừng có chứng chỉ bền vững mới chỉ đạt dưới 7% tổng diện tích rừng trồng là rừng sản xuất. Bên cạnh đó, tỷ trọng gỗ rừng trồng đi vào chế biến đồ gỗ cũng thấp, chỉ chiếm 30 - 40% tổng lượng gỗ khai thác. Phần còn lại 60 - 70% đi vào dăm và viên nén. Năng suất rừng trồng tới nay cũng còn rất hạn chế. Nhiều diện tích mới chỉ đạt 10 - 15 m3/ha/năm, thấp hơn nhiều so với tiềm năng.

Nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng

Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập cho rằng, muốn phát triển ngành chế biến gỗ cần đảm bảo nguồn gỗ nguyên liệu. Hiện nay, gỗ nguyên liệu nhập khẩu đang gặp rất nhiều khó khăn nên nguồn gỗ rừng trồng chính là cứu cánh, và cũng là quyết định cho ngành gỗ phát triển bền vững của Việt Nam.

Thời gian qua, với các chính sách nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất đã chuyển hóa được 126.175ha rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Cả nước có 489.016ha rừng trồng gỗ lớn. So với con số diện tích rừng trồng sản xuất thì đây vẫn là con số quá khiêm tốn. Điều này cũng cho thấy Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc phát triển nguồn nguyên liệu này.

 

Hiện Bộ NN&PTNT đang thí điểm hỗ trợ phát triển rừng trồng, cần đảm bảo cho chủ rừng có thu nhập để tăng nhanh diện tích rừng có chứng chỉ của các tổ chức FSC và PEFC quốc tế. Vì vậy, cần phải có sự liên kết của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam để xây dựng hệ thống dữ liệu cung - cầu đối với gỗ nguyên liệu.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh

Ông Đỗ Xuân Lập đề nghị, chúng ta phải xây dựng được thị trường chuyển nhượng về đất rừng, cổ phần hóa các DN, mở rộng và kêu gọi đầu tư tất cả các DN trong nước và nước ngoài để trồng rừng. Từ đó, đưa khoa học và kỹ thuật, cây giống đủ chất lượng, đảm bảo hiệu quả cho việc trồng rừng thì mới có thể tăng năng suất rừng trồng nhanh chóng được.

Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, Bình Định có thế mạnh về lĩnh vực chế biến đồ gỗ và là 1 trong những thủ phủ đồ gỗ của cả nước. Tỉnh cũng xác định đây là ngành chủ lực, do đó thời gian qua đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của ngành thông qua các chính sách, cơ chế hỗ trợ ngành phát triển. Đối với vấn đề nguyên liệu, tỉnh đã xây dựng đề án phát triển trồng rừng gỗ lớn. Theo đó, giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có khoảng 4.000ha, phấn đấu đến năm 2025 đạt khoảng 10.000 ha rừng có chứng chỉ FSC.

Đưa ra quan điểm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đề nghị cần thay đổi nhận thức về rừng trồng, phải nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng vì nguồn đất ngày càng hạn hẹp. Công tác giống đã có từ năm 1999, nhưng đến nay vẫn cần phải chấn chỉnh toàn diện ngay từ khâu chọn giống, làm giống cho rừng trồng, kiểm soát chất lượng giống. Đồng thời, trồng rừng gỗ lớn không nhất thiết phải thay đổi các loại cây khác so với cây đang trồng hiện nay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần