Thức ăn đường phố là một nét văn hóa ẩm thực của người Việt, đem lại nhiều tiện lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, thức ăn đường phố, hàng quán nhỏ lẻ là loại hình kinh doanh thực phẩm lưu động luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, mất an toàn thực phẩm (ATTP), khó kiểm soát. Cơ quan quản lý, chính quyền địa phương đã có những biện pháp cụ thể nhưng tình trạng sử dụng thực phẩm mất an toàn vẫn chưa được giải quyết triệt để. Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong xung quanh vấn đề này.
Kinh doanh thức ăn đường phố là loại hình kinh doanh tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ATTP. Vấn đề ATTP với thức ăn đường phố không phải chuyện mới nhưng chưa bao giờ hết “nóng”. Thời gian qua, công tác quản lý thực phẩm, thức ăn đường phố, hàng quán nhỏ lẻ được cơ quan chức năng trên địa bàn Thủ đô kiểm soát như thế nào, thưa ông?
- Hiện nay, toàn TP Hà Nội có hơn 77.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Trong đó, có hơn 10.000 cơ sở sản xuất thực phẩm, gần 25.500 cơ sở kinh doanh thực phẩm, hơn 35.000 cơ sở dịch vụ ăn uống và hơn 5.800 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.
Thời gian qua, Sở Y tế Hà Nội với vai trò là thường trực Ban Chỉ đạo công tác ATTP TP đã xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động ATTP, duy trì công tác bảo đảm ATTP dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn TP tại 100 % các phường, thị trấn trên địa bàn TP; 60 tuyến phố văn minh bảo đảm ATTP tại 30 quận, huyện, xã.
Ngành Y tế Hà Nội đã phối hợp tốt với các địa phương duy trì có hiệu quả tiêu chí mô hình cải thiện ATTP đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống tại 196 phường, thị trấn; duy trì 20 tuyến phố ATTP, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có kiểm soát tại 16 quận, huyện, thị xã. Tuy nhiên, loại hình dịch vụ ăn uống này nếu không được kiểm tra, giám sát thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Thức ăn đường phố là một loại hình kinh doanh tương đối phức tạp thuộc quận, huyện, thị xã quản lý. Tại Hà Nội, ngành Y tế đã tham mưu Ban Chỉ đạo ATTP TP có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở các Ban Chỉ đạo ATTP quận, huyện, thị xã tập trung thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, đồng loạt ra quân kiểm soát thức ăn đường phố trong thời gian qua.
Qua kiểm tra cho thấy, các cửa hàng không có địa điểm, là những gánh hàng rong hoặc xe đẩy trên các đường phố. Thời gian qua, các Ban chỉ đạo quận, huyện, thị xã đã có những hình thức xử lý các cơ sở này. Cơ quan chức năng yêu cầu những người kinh doanh này phải kinh doanh những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, địa điểm kinh doanh cụ thể. Tuyệt đối không để cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng hoặc những thức ăn đường phố bán rong trên các lòng đường, vỉa hè.
Tại Hà Nội, dù thời điểm này chưa có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra, nhưng ngay trong Tháng hành động vì ATTP năm 2024 (diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5), các quận, huyện, thị xã đã tập trung tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở, các mặt hàng có nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm trong mùa Hè. Từ đây, lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện các lỗi vi phạm hoặc các biểu hiện có nguy cơ để xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Hiện nay, các cơ sở đang kinh doanh thực phẩm, thức ăn đường phố, hàng ăn rất manh mún, không có quy chuẩn rõ ràng. Vậy theo ông, để quản lý thực phẩm, thức ăn đường phố, hàng quán nhỏ lẻ cần có những giải pháp nào nhằm hạn chế nguy cơ mất ATTP?
- Thức ăn đường phố khó xóa bỏ vì đó là văn hóa ẩm thực. Hiện nay, số lượng hàng quán thức ăn đường phố rất lớn, nên rất khó kiểm soát. Nhiều nơi lấy mục đích kinh doanh, lợi nhuận là chính, không quan tâm đến sức khỏe người dùng. Trong khi đó, việc thay đổi tư duy người tiêu dùng cũng rất khó vì văn hóa ẩm thực đường phố vừa rẻ, tiện và hợp khẩu vị.
Đặc thù của thức ăn đường phố rất đáng lo vì đây là những hàng quán di động, khó bảo đảm vệ sinh, nguy cơ cao dính bụi bặm, côn trùng xâm nhập. Thức ăn đường phố thuộc quận, huyện, thị xã quản lý. Do vậy, các địa phương tập trung kiểm soát thức ăn đường phố, nhất là tăng cường tập trung, kiểm soát nguồn nguyên liệu… Đặc biệt, khâu hậu kiểm, thanh tra, giám sát mối nguy hại về ATTP đóng vai trò rất quan trọng, quyết định chất lượng.
Để công tác quản lý thức ăn đường phố đạt hiệu quả cần có sự vào cuộc đồng loạt của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Các địa phương cần hành động ngay, quyết liệt, thường xuyên, bài bản trong đình chỉ, tăng cường kiểm tra các điểm bán nhỏ lẻ, kinh doanh thức ăn đường phố và xử lý vi phạm.
Mặt khác, các địa phương phải có chế tài tại chỗ bằng cách yêu cầu những người kinh doanh thức ăn đường phố ở một cung đường, địa điểm nào đó phải có cơ sở, trụ sở để kinh doanh. Nguồn nguyên liệu chế biến thực phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng. Đặc biệt, chế độ bảo quản thực phẩm phải thật nghiêm ngặt và không chạy theo lợi nhuận để bất chấp kinh doanh làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Các quận, huyện, thị xã cần có một số chỉ tiêu để xây dựng những điểm tập trung bán thức ăn đường phố an toàn; khuyến khích các địa phương tập huấn, tổ chức đào tạo kiến thức về vệ sinh ATTP cho những người bán thức ăn đường phố. Đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức cho người bán để họ có trách nhiệm với cộng đồng. Đây được xem là biện pháp thiết thực để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Thời gian qua, tại một số địa phương đã xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm. Qua đây, ông có những khuyến cáo như thế nào để người dân cẩn trọng hơn trong lựa chọn và tiêu dùng thực phẩm, nhất là thức ăn đường phố?
- Thời gian qua, công tác quản lý ATTP, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo, đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên, số vụ ngộ độc, số người mắc ngộ độc thực phẩm vẫn còn nhiều. Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 4/2024, cả nước xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm, với 267 người bị ngộ độc. Tính chung 4 tháng năm 2024, cả nước xảy ra 24 vụ ngộ độc thực phẩm với 835 người bị ngộ độc, trong đó có 3 người tử vong.
ATTP liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. Vấn đề mấu chốt và quan trọng nhất vẫn là ý thức trách nhiệm của mỗi người đối với xã hội. Muốn vậy cần phải giáo dục ý thức cho cả người bán lẫn người mua. Để bảo đảm an toàn cho chính mình, bản thân người tiêu dùng cần tránh thói quen tùy tiện, chọn cơ sở có thương hiệu đăng ký, sạch sẽ, thoáng mát, có đeo khẩu trang, găng tay, chọn điểm bán thức ăn tạo niềm tin, tránh vỉa hè có côn trùng, nước bẩn...
Thiết nghĩ, mỗi người tiêu dùng cần nâng cao ý thức cảnh giác; cân nhắc kỹ trong việc chọn lựa, sử dụng các loại thực phẩm, thức ăn đường phố để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Người dân nói “không” với thực phẩm không an toàn, đừng vì sự tiện lợi và giá rẻ mà sau này có thể trả giá đắt bằng sức khỏe của bản thân.
Với những cửa hàng hoặc gánh hàng rong không bảo đảm, người dân phải khắt khe, không nên dễ dãi lựa chọn thực phẩm, nhất là những thực phẩm không rõ nguồn gốc để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Ngoài ra, người dân kịp thời cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng khi phát hiện cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố tiềm ẩn nguy cơ gây mất ATTP.
Xin cảm ơn ông!
08:34 11/05/2024