Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguyên nhân đằng sau "hung bão" quét mất 1/4 thành phố ở Libya

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ít nhất 2.300 người được thống kê đã tử vong, trong khi khoảng 10.000 người vẫn còn mất tích do siêu bão Daniel tại Libya.

Sau gần một tuần càn quét hết quốc gia này đến quốc gia khác trong vòng cung phía Tây xuyên Địa Trung Hải, Bão Daniel đã gây ra lũ lụt chưa từng có ở Libya, làm vỡ đập bảo vệ thành phố cảng Derna.

Ít nhất 2.300 người được thống kê là đã tử vong, trong khi khoảng 10.000 người vẫn còn mất tích. Reuters dẫn lời một quan chức chính phủ Libya cho biết: “Tôi không phóng đại khi nói rằng 25% diện tích thành phố đã biến mất”.

Xe cộ bị phá hủy và các tòa nhà bị hư hại ở thành phố phía đông Derna, phía đông Benghazi. Ảnh: AFP
Xe cộ bị phá hủy và các tòa nhà bị hư hại ở thành phố phía đông Derna, phía đông Benghazi. Ảnh: AFP

Hiện tại, các câu hỏi đang được đặt ra là làm thế nào mà cơn bão lại có tác động to lớn đến vậy và liệu nó có trở nên mạnh hơn do sự thay đổi kiểu thời tiết ở Địa Trung Hải do hậu quả của biến đổi khí hậu hay không.

Trong nhiều tháng mùa hè vừa qua, khu vực này đã phải chịu một đợt nắng nóng chưa từng thấy. Các nhà khoa học nói rằng đợt nắng nóng đã làm tăng nhiệt độ mặt nước biển, điều này có thể tác động  sự hình thành một cơn bão nhiệt đới giống như Địa Trung Hải. 

Tiến sĩ Karsten Haustein, một nhà khoa học khí hậu cho biết: “Mặc dù chưa có sự quy kết chính thức nào về vai trò của biến đổi khí hậu trong việc khiến Bão Daniel dữ dội hơn nhưng có thể nói rằng nhiệt độ bề mặt biển Địa Trung Hải đã cao hơn đáng kể so với mức trung bình trong suốt mùa hè”. 

“Điều này chắc chắn đúng đối với khu vực mà Daniel có thể hình thành và tàn phá Hy Lạp và bây giờ là Libya… Nước ấm hơn không chỉ gây ra những cơn bão thông qua cường độ mưa mà còn khiến chúng trở nên hung dữ hơn”.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bản thân cơn bão không hoàn toàn là nguyên nhân gây ra sự tàn phá ở Derna, nơi cơ sở hạ tầng, bao gồm cả các con đập bị vỡ, vốn đã ở trong tình trạng tồi tệ. Giống như nhiều quốc gia nghèo khác, Libya đơn giản là chưa sẵn sàng cho thời tiết khắc nghiệt mà Daniel mang lại.

Tiến sĩ Kevin Collins, giảng viên cao cấp về môi trường và hệ thống tại Đại học Mở, cho biết: “Điều quan trọng là phải nhận ra rằng bản thân cơn bão không chỉ là nguyên nhân duy nhất gây ra thiệt hại về nhân mạng”.

“Đây một phần cũng là do khả năng dự báo tác động thời tiết còn hạn chế của Libya; hệ thống cảnh báo và sơ tán hạn chế; và các tiêu chuẩn quy hoạch và thiết kế cơ sở hạ tầng và thành phố.

“Khi khí hậu của chúng ta thay đổi, việc hiểu biết, lập kế hoạch và thích ứng với những loại sự kiện cực đoan hơn này cần phải được thực hiện bởi các cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng ở tất cả các quốc gia.”

Giáo sư Lizzie Kendon, giáo sư khoa học khí hậu tại Viện Môi trường Cabot thuộc Đại học Bristol, cho biết: “Chúng tôi dự đoán cường độ mưa lớn sẽ tăng lên khi thế giới ấm lên. Điều này sẽ không được coi là một xu hướng suôn sẻ và chúng ta có thể dự đoán rằng sẽ xảy ra những hiện tượng cực đoan chưa từng có trong hồ sơ quan sát.

“Bão Daniel là minh họa cho thảm hoạ lũ lụt tàn khốc mà chúng ta có thể dự đoán sẽ ngày càng tăng trong tương lai. Những thảm hoạ như vậy có thể xảy ra là do biến đổi khí hậu – như chúng đã từng xảy ra trong quá khứ. Vì vậy, cần phải thận trọng trước khi liên hệ bất kỳ hiện tượng cực đoan cụ thể nào với biến đổi khí hậu.”