Trong tuần trước, giá dầu WTI đã tăng hơn 9%, còn giá dầu Brent leo dốc hơn 8% giữa bối cảnh thị trường ngày càng lo ngại Israel có thể phát động một cuộc tấn công trả đũa nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Iran.
Mặc dù giá đã tăng mạnh, nhiều nhà quan sát thị trường vẫn tỏ ra ngạc nhiên bởi cho rằng giá dầu lẽ ra phải tăng mạnh mẽ hơn nữa nếu xét đến những lo ngại về rủi ro gián đoạn nguồn cung dầu mỏ tại Trung Đông.
Chốt phiên cuối tuần trước, dầu Brent neo ở mức 78,05 USD/thùng, trong khi dầu WTI khoảng 74,38 USD/thùng sau một tuần tăng giá mạnh nhất kể từ đầu năm 2023.
Các nhà phân tích năng lượng đang đặt câu hỏi liệu thị trường dầu đang đánh giá quá thấp về rủi ro xung đột lan rộng ở Trung Đông hay không, đặc biệt khi hậu quả có thể làm gián đoạn dòng chảy nhiên liệu tại trung tâm xuất khẩu “vàng đen” lớn nhất thế giới.
Iran hiện là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ 3 trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), với sản lượng 3,2 triệu thùng một ngày. Ước tính có tới 4% nguồn cung toàn cầu có thể gặp rủi ro nếu Israel thực hiện tấn công trả đũa nhắm vào các cơ sở dầu mỏ của Tehran.
Chịu áp lực từ tình trạng bán khống
Một số nhà phân tích cho rằng lý do khiến đà tăng của giá dầu trong tuần qua vẫn ở mức khiên tốn là vì thị trường dầu đang ở trạng thái bán khống.
Đó là một chiến lược giao dịch mà nhà đầu tư hy vọng sẽ kiếm được lợi nhuận nếu giá trị thị trường của một tài sản giảm.
"Vị thế bán khống trên thị trường rất lớn, không chỉ đối với dầu mỏ, mà đang xảy ra trên thị trường cổ phiếu. Nhìn chung, các nhà đầu tư không thích bức tranh thị trường hiện tại do tâm lý lo ngại về tình trạng dư cung dầu mỏ rất lớn vào năm tới" - Giám đốc chiến lược năng lượng Jeff Currie tại Carlyle khẳng định với CNBC.
Theo chuyên gia Currie, thị trường dầu đang chứng kiến diễn biến bất thường: Lượng tồn kho thấp, đường cong giá cả bị đảo ngược, nhu cầu tăng trưởng chậm dù Trung Quốc vừa đưa ra các gói kích thích kinh tế khổng lồ và OPEC cùng các nước đồng minh (OPEC+) vẫn đang cắt giảm sản lượng.
“Cuộc xung đột tiềm tàng giữa Iran và Israel có thể phá hủy một số cơ sở năng lượng tại khu vực Trung Đông, vì vậy triển vọng trong ngắn hạn của thị trường dầu mỏ là tích cực. Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu trong dài hạn có thể sẽ gặp lực cản do tình trạng dư cung” - ông Currie nói thêm.
Thị trường “vàng đen” toàn cầu thực sự đang bị đảo ngược, hoặc trong tình trạng đảo ngược, khi giá dầu kỳ hạn tương lai thấp hơn giá giao ngay.
Các yếu tố cơ bản không hỗ trợ giá dầu
Trong tuần trước, giá dầu biến động mạnh nhất trong phiên giao dịch ngày 3/10 khi nhảy vọt hơn 5% sau bình luận của Tổng thống Mỹ Joe Biden về động thái trả đũa có thể xảy ra từ phía Israel sau khi Tel Aviv bị Iran tấn công bằng tên lửa đạn đạo vào đầu tuần.
Chuyên gia hàng hóa Tamas Varga tại Công ty môi giới dầu mỏ PVM nhận định rằng thị trường dầu mỏ đang định giá một số khoản phí bảo hiểm rủi ro trước những lo ngại về căng thẳng địa chính trị.
"Đây là nguyên nhân khiến giá dầu đi lên trong khi cổ phiếu toàn cầu suy yếu. Tuy nhiên, những lo ngại này sẽ giảm đáng kể trong những ngày tới, trừ trường hợp nguồn cung dầu từ khu vực Trung Đông hoặc dòng chảy nhiên liệu qua Eo biển Hormuz bị ảnh hưởng đáng kể" - chuyên gia Varga lưu ý thêm.
Nằm giữa Iran và Oman, Eo biển Hormuz là tuyến đường thủy hẹp nhưng có tầm quan trọng chiến lược, nối liền các nhà sản xuất dầu thô ở Trung Đông với các thị trường chính trên toàn thế giới.
Ông Varga cho rằng: "Theo kịch bản này, các yếu tố cơ bản sẽ lại trở thành động lực thúc đẩy giá dầu, nhưng những yếu tố cơ bản này khó có thể diễn ra".
Đồng quan điểm trên, nhà phân tích hàng hóa Bjarne Schieldrop tại SEB nói rằng thị trường dầu mỏ thế giới đang ở vị thế ổn định một cách đáng ngạc nhiên mặc dù đối mặt nhiều rủi ro. Vị chuyên gia này dự đoán, giá dầu thô Brent sẽ chủ yếu giao dịch trong khoảng từ 80-85 USD/thùng trong 18 tháng tới hoặc lâu hơn nữa.