|
Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái. |
Chia sẻ những bài học kinh nghiệm để Hà Nội vượt qua khó khăn ấy, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nói: Khi đó cán bộ của cơ sở xã, phường (thuộc Hà Tây cũ, Mê Linh (Vĩnh Phúc), Hòa Bình) số đông có trình độ chuyên môn, lý luận chính trị chưa đáp ứng được yêu cầu. Thậm chí, có những cán bộ thuộc diện Thành ủy quản lý mới chỉ có tốt nghiệp THPT. Trong khi đó, cán bộ ở cấp phường, xã của Hà Nội cũ đã có trình độ đại học. Sự khác nhau nữa là cách làm việc, một bên đã quen thực hiện công tác của chính quyền đô thị, một bên thì thực hiện theo chính quyền nông thôn. Cùng với đó, về tư tưởng, vẫn có những lo ngại rằng mình sẽ không theo kịp cán bộ có trình độ, kinh nghiệm…
“Trước tình hình như vậy, chúng tôi có tham mưu cho Thường trực, Thường vụ phải tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ còn thiếu được nâng lên, có mặt bằng chung với toàn TP” - đồng chí Nguyễn Công Soái chia sẻ. Theo đó, ngoài bồi dưỡng về trình độ lý luận chính trị, Thành ủy đã liên hệ với Ban Tổ chức T.Ư, các học viện, tập trung cử cán bộ đi học bằng nguồn ngân sách TP. Đồng thời, chỉ đạo các huyện chủ động liên hệ với các trường ĐH trên địa bàn của TP để mở lớp ĐH tại chức ở quận, huyện của mình. “Rất nhiều đơn vị đã thực hiện tốt. Trong thời gian khoảng 5 năm, mặt bằng cán bộ TP đã đồng đều hơn. Đến giờ, cơ bản đội ngũ cán bộ TP từ xã phường đều đạt trình độ ĐH. TP cũng đã tập trung đào tạo hơn 1.000 cán bộ nguồn. Đây chính là những thành công” - ông Nguyễn Công Soái chỉ ra.
Giải bài toán khó bằng nguyên tắc cụ thểTheo ông Nguyễn Công Soái, trong quá trình chỉ đạo, Thành ủy Hà Nội đã không phân biệt cán bộ Hà Nội – Hà Tây mà chỉ tập trung vào khâu nào yếu nhất, khó nhất để lãnh đạo, chỉ đạo, trên tinh thần “chủ động, sáng tạo, công khai, dân chủ, đoàn kết, nhân văn”.
Chia sẻ cụ thể hơn về những câu chuyện trong quá trình sắp xếp đội ngũ cán bộ sau hợp nhất, ông Nguyễn Công Soái đã chỉ ra khó khăn lúc đó: Chỉ có cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư T.Ư quản lý do T.Ư quyết định. Ngoài ra, TP phải sắp xếp toàn bộ phần còn lại, trước tiên là đội ngũ cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý với hơn 900 người. Trong hai cấp trưởng thì phải chọn một người đảm nhiệm vị trí đứng đầu. Tiếp theo, để cơ cấu lại số lượng cấp phó bảo đảm quy định chung, phải điều động, luân chuyển cán bộ về các quận, huyện, thị xã. Đó là những bài toán khó, nếu không giải quyết tốt vấn đề tư tưởng sẽ gây mất đoàn kết nội bộ, làm cho bộ máy không thể vận hành bình thường.
Nhấn mạnh việc phải xây dựng nguyên tắc làm cơ sở để giải bài toán này, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết: “Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đi đến thống nhất là phải xây dựng đề án sắp xếp lại cán bộ; đặc biệt là phải đề ra các nguyên tắc bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm. Nguyên tắc chỉ đạo của Thành ủy là đối với các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tỉnh ủy phải được sắp xếp theo hướng cố gắng để các đồng chí giữ được chức vụ cấp trưởng. Tuy nhiên, một số trường hợp cụ thể cần có giải pháp linh hoạt, hợp lý, hợp tình”.
Theo đồng chí Nguyễn Công Soái, đối với các Thành ủy viên, Ban Tổ chức Thành ủy cũng tham mưu với Ban Thường vụ Thành ủy một số nguyên tắc sắp xếp cụ thể. Sau khi các nguyên tắc được thông qua, Ban Tổ chức Thành ủy lập danh sách, điền tên dự kiến ai làm trưởng, ai làm phó gắn với lý giải cụ thể. “Nhờ cách làm trên, nên việc sắp xếp cán bộ cơ bản ổn định. Anh em có tâm tư không? Có chứ. Nhưng cái chính là chúng tôi tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy có nguyên tắc, bảo đảm công khai, dân chủ, nên cán bộ không ai nghĩ phải có tác động này, tác động kia; chạy chỗ nọ, chạy chỗ kia...” - ông Nguyễn Công Soái nói.
Ổn định tư tưởng khi luân chuyểnĐề cập đến vấn đề vẫn được nhắc đến nhiều trong công tác cán bộ là luân chuyển, sắp xếp cấp phó, ông Nguyễn Công Soái dẫn ra thực tế: “Vì số lượng cấp phó ở các sở, ban, ngành quá đông. T.Ư cho mỗi quận, huyện thêm 2 người: Một Phó Bí thư, một Phó Chủ tịch UBND (so với quy định thời điểm đó). Khi hợp nhất, Hà Nội có 29 quận, huyện vậy sẽ có ít nhất 58 người phải luân chuyển. Trong số hơn 900 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, phải luân chuyển ai bây giờ?”.
Qua câu chuyện, nhấn mạnh vấn đề “cần xây dựng nguyên tắc”, đồng chí cho biết: “Trả lời câu hỏi này, Ban Tổ chức Thành ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy lựa chọn các đồng chí nam sinh từ năm 1955 và các đồng chí nữ sinh từ năm 1960 trở lại đưa vào diện luân chuyển. Khi rà soát hơn 900 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, chúng tôi lọc được khoảng 150 đồng chí đưa vào danh sách. Tiếp theo, chúng tôi đề xuất ưu tiên luân chuyển đồng chí nào chưa kinh qua cơ sở, nên danh sách được khu biệt tiếp còn khoảng 120 người. Chúng tôi tham mưu tiếp một nguyên tắc nữa là những người công tác ở các ban Đảng Thành ủy và đoàn thể sẽ điều chuyển về làm Phó Bí thư, ai ở sở, ngành giới thiệu về làm Phó Chủ tịch UBND”.
Trên nguyên tắc được Ban Thường vụ Thành ủy thông qua như vậy, Ban Tổ chức Thành ủy khi đó đã tổng hợp danh sách, thông báo đến các sở, ngành, đồng thời yêu cầu họp và đề xuất với Thành ủy luân chuyển ai. “Khó khăn xảy ra là hầu như không có sở, ngành nào đề xuất cụ thể được theo yêu cầu, nên Ban Tổ chức Thành ủy phải chủ động đề xuất từng trường hợp. Với các đồng chí thuộc khối cơ quan Đảng, đoàn thể đề xuất về làm Phó Bí thư thì dễ, các đồng chí thuộc khối chính quyền thì khó hơn. Ban Tổ chức Thành ủy có công văn đề nghị các quận, huyện đề xuất đang thiếu Phó Chủ tịch UBND phụ trách lĩnh vực gì. Đây là căn cứ quan trọng để chúng tôi tham mưu đúng người, đúng vị trí. Ví dụ quận Ba Đình thiếu Phó Chủ tịch UBND phụ trách về quản lý đô thị, nếu đồng chí A học về kiến trúc sẽ được đề xuất về quận Ba Đình; nếu đồng chí đang là Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thì không thể về làm Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm được”.
Bắt đầu từ danh sách cơ bản theo những tiêu chí, nguyên tắc như vậy, Ban Tổ chức Thành ủy còn tổ chức 4 nhóm công tác đến gặp gỡ từng người để làm công tác tư tưởng; rồi giải quyết tiếp một bước theo hướng đáp ứng nguyện vọng của cán bộ. Đúng như đồng chí Nguyễn Công Soái nói, "bằng cách làm từng bước chặt chẽ như vậy, cho nên những cán bộ được luân chuyển đều vui vẻ. Nhiều cán bộ đã trưởng thành, đóng góp tích cực cho địa phương".
“Bây giờ nhìn lại, có thể khẳng định, Hà Nội rất thành công trong công tác cán bộ. Sau khi sắp xếp, guồng máy chạy tốt, nhiều đồng chí trưởng thành nhanh. Sự phát triển của Hà Nội trong 10 năm qua là minh chứng rõ nét cho điều này” - nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nói. Đồng thời cũng nhận định, những bài học kinh nghiệm trong công tác cán bộ từ thời điểm ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị khi Hà Nội đang thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, các Nghị quyết T.Ư 6, T.Ư 7 liên quan đến công tác cán bộ. “Quan trọng nhất là người đứng đầu phải công tâm, khách quan và vì việc chung, không tư lợi cá nhân” - đồng chí Nguyễn Công Soái đúc kết.