Thị trường chứng khoán châu Á giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 25/6 do các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu trong bối cảnh số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 tại Mỹ tăng vọt, căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng và Quỹ tiền tệ Quốc tế hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới.
Chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản hạ 0,7%.
Tại thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 lao dốc 1,4%. Trong khi đó, chứng khoán Australia giao dịch ảm đạm khi chỉ số S&P/ASX 200 giảm 1,34%.
Chỉ số tương lai của chứng khoán Mỹ cũng sụt 0,7% sau khi các chỉ số trên sàn Phố Wall giảm mạnh
Thị trường chứng khoán Trung Quốc và sàn Hồng Kông đóng cửa nghỉ lễ trong ngày 25/6.
Tại Mỹ, các bang gồm Florida, Oklahoma và South Carolina đều báo cáo số ca nhiễm mới dịch Covid-19 tăng kỷ lục trong ngày 24/6. Trong khi đó, 7 tiểu bang khác của Mỹ cũng chứng kiến sự gia tăng đột biến số trường hợp mắc virus SARS-CoV-2 trong ngày 23/6.
Các thống đốc bang New York, New Jersey và Connecticut đã yêu cầu khách du lịch đến từ 9 tiểu bang khác phải cách ly, gia tăng tâm lý lo ngại về làn sóng bùng phát dịch Covid-19 mới.
Australia cũng ghi nhận mức tăng ca nhiễm Covid-19 hàng ngày lớn nhất trong 2 tháng.
Ngoài tình hình dịch Covid-19 khó lường, các dự báo mới về triển vọng kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng khiến tâm lý nhà đầu tư thêm hoang mang khi tổ chức này dự báo kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm 4,9% trong năm nay và cảnh báo đây là cuộc khủng hoảng chưa từng có.
Theo IMF, tác động từ các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch Covid-19 đã khiến triển vọng kinh tế toàn cầu trở nên xấu đi trong năm nay.
Chuyên gia Damian Rooney tại công ty môi giới chứng khoán Argonaut ở Perth nói rằng nhà đầu tư cổ phiếu giữ tâm lý khá thận trọng trước những thông tin tiêu cực trên.
Các thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ đồng loạt lao dốc khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/6 giữa lúc tâm lý các nhà đầu tư bị đè nén cùng các lo ngại xung quanh tình hình đại dịch và nguy cơ căng thẳng thương mại Mỹ - Liên minh châu Âu (EU) gia tăng.
Tại Mỹ, chỉ số chứng khoán Dow Jones giảm 2,7% (tương đương hơn 700 điểm) và khép lại ngày giao dịch ở mức 25.445,94 điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 giảm 2,6% xuống mức 3.050,33 điểm và chỉ số Nasdaq cũng giảm 2,2% xuống mức 9.909,17.
Tại thị trường châu Âu, chỉ số FTSE 100 trên sàn giao dịch London (Anh), DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) cùng EURO STOXX đều giảm ở mức hơn 3%.
Tâm lý giới đầu tư tài sản rủi ro như cổ phiếu càng trở nên hoang mang sau khi Mỹ lại thông báo đang cân nhắc áp thế mới với khối lượng hàng hóa trị giá 3,1 tỷ USD nhập khẩu từ châu Âu đúng thời điểm hai bên vẫn chưa thể tháo gỡ mâu thuẫn liên quan tới vấn đề trợ cấp chính phủ cho hãng chế tạo máy bay Airbus.
Động thái này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Liên minh châu Âu (EU) nhắc tới các kế hoạch triển khai áp thuế kỹ thuật số, chủ yếu nhằm vào các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ.
“Đà bán tháo cổ phiếu chưa chấm dứt khi thị trường thận trọng chờ đợi báo cáo về tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ dự kiến được công bố trong ngày 25/6” - nhà phân tích thị trường Kyle Rodda của công ty môi giới IG tại Melbourne cho biết.
Theo chuyên gia Rodda, nỗi lo ngại về đợt tái bùng phát dịch Covid-19 thứ hai đang lấn át tâm lý lạc quan về đà phục hồi của kinh tế toàn cầu sau khi nhiều nước dỡ bỏ biện pháp phong tỏa, khởi động trở lại hoạt động kinh tế./.