Nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu vốn hóa siêu lớn, chứng khoán Mỹ trái chiều

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite cùng giảm điểm phiên ngày 7/6, khi các nhà đầu tư chốt lời ở nhóm các cổ phiếu vốn hóa lớn trước các sự kiện kinh tế quan trọng vào tuần tới.

Chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều trong phiên ngày 7/6. Ảnh: AP
Chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều trong phiên ngày 7/6. Ảnh: AP

Theo CNBC, chốt phiên này, chỉ số S&P 500 sụt 0,38% xuống còn 4.267,52 điểm, Nasdaq Composite mất 1,29% về mức 13.104,89 điểm. Trong khi, chỉ số Dow Jones cộng 91,74 điểm (tương đương 0,27%) lên 33.665,02 điểm.

Chỉ số các cổ phiếu vốn hóa nhỏ Russell 2000 tăng hơn 1,7% trong bối cảnh  giới đầu tư tiếp tục rời xa cổ phiếu vốn hóa siêu lớn (megagap) và cổ phiếu tăng trưởng sau khi chúng tăng mạnh thời gian gần đây.

Chiến lược gia trưởng Paul Baiocchi của công ty đầu tư SS&C ALPS Advisors, nói với CNBC: “Kể từ đầu tuần, thị trường Phố Wall đã chứng kiến sự vượt trội đáng kể của cổ phiếu vốn hóa nhỏ so với  cổ phiếu vốn hóa lớn megaga. Diễn biến trên tiếp tục duy trì sang phiên giao dịch hôm nay”.

Theo  chiến lược gia Quincy Krosby LPL Financial, sự phục hồi của các cổ phiếu vốn hóa nhỏ cho thấy thị trường đang dần thoát khỏi lo ngại về bất ổn trong ngành ngân hàng.

Năng lượng là nhóm cổ phiếu đạt mức tăng tốt nhất trong S&P 500 phiên này, với mức tăng 2,6%. Tuy nhiên, với sự giảm điểm của hầu hết các nhóm cổ phiếu ngành khác, thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ đã không thể đi lên.

Cổ phiếu các ngân hàng khu vực của Mỹ tiếp tục đi lên. SPDR S&P Regional Banking ETF (KRE) đã tăng hơn 3%. Cổ phiếu của ngân hàng khu vực PacWest tăng 14,4%, trong khi Zions Bancorporation leo dốc 4,5%.

Chứng khoán Mỹ đã phục hồi mạnh trong thời gian qua, với sự dẫn đầu của cổ phiếu công nghệ, khi hy vọng về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) giúp củng cố sức mạnh cho các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn. Trong vòng 3 tháng qua, S&P 500 đã tăng hơn 7% và gần 20% so với mức thấp nhất vào tháng 10/2022.

Tuy nhiên, Giám đốc đầu tư Bob Doll của công ty Crossmark Global Investments cảnh báo rằng dù thị trường Phố Wall tăng điểm trong những ngày gần đây, nhưng tác động từ động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể sẽ được cảm nhận trong tương lai.

Chuyên gia này nhấn mạnh thêm: “Các chỉ số báo sớm về kinh tế vẫn giảm 13 tháng liên tiếp. Chúng ta vẫn ghi nhận đường cong lợi suất đảo ngược và các vấn đề về thanh khoản. Tôi nghĩ rằng sẽ còn nhiều tác động hơn nữa. Do đó, tôi không kỳ vọng những đợt tăng điểm kéo dài của thị trường cổ phiếu”.

Tuần này không có nhiều dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ được công bố. Tâm điểm chú ý của thị trường sắp tới sẽ là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 của Mỹ dự kiến được công bố vào tuần tới, trước khi Fed hoàn tất cuộc họp chính sách tiền tệ từ ngày 13-14/6.

Trong bối cảnh thị trường kỳ vọng ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ tạm ngừng tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách ngày 13-14/6, chiến lược gia Sam Stovall của CFRA Research nhận định chứng khoán có thể đi lên.

“Trong lịch sử, vào khoảng thời gian giữa các cuộc họp của Ủy Ban Thị Trường Mở Liên Bang (FOMC) mà sau đó Fed quyết định tạm ngừng chu kỳ tăng lãi suất, thị trường đã tăng 88% trong 14/16 lần và mức tăng trưởng trung bình trong 8 tháng là 3,6%,” ông Stovall nói với CNBC.

Theo chuyên gia Stovall, các nhà đầu tư sàn Phố Wall sẽ hài lòng một lần nữa khi Fed tạm ngừng nâng lãi suất.

Tính đến ngày 7/6, công cụ FedWatch của CME dự báo khả năng Fed duy trì lãi suất mục tiêu hiện tại với xác suất là 62,1%.

Số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 7/6 cho thấy thâm hụt thương mại của nước này tiếp tục tăng trong tháng 4 nhưng thấp hơn so với dự báo. Thâm hụt thương mại có thể dẫn tới giảm tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II của Mỹ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần