Nhà đầu tư bán tháo tài sản rủi ro, chứng khoán châu Á ngập trong sắc đỏ

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các cổ phiếu tại thị trường châu Á tiếp tục giảm trong phiên 4/6 sau khi số liệu cho thấy hoạt động chế tạo tại Mỹ đã tăng trưởng chậm lại trong tháng 5.

Phần lớn các thị trường chứng khoán tại châu Á đều giảm điểm trong ngày 4/6 do chịu tác động từ phiên giao dịch biến động trên thị trường Phố Wall ở phiên trước đó khi các chỉ số kinh tế Mỹ kém khả quan và xung đột thương mại Trung - Mỹ đang gia tăng gây lo ngại về tăng trưởng toàn cầu. Những mối lo này đã khiến giới đầu tư đẩy mạnh bán ra các tài sản rủi ro, bao gồm cổ phiếu, chuyển sang các tài sản trú ẩn an toàn như trái phiếu.
 Chứng khoán châu Á tiếp tục giảm điểm trong phiên 4/6.
Viện Quản lý Nguồn cung Mỹ (ISM) ngày 3/6 cho biết, hoạt động chế tạo tại Mỹ đã tăng trưởng chậm lại trong tháng 5 và ghi dấu mức tăng yếu nhất trong hơn 2 năm, giữa bối cảnh các nhà quản lý nhà máy lo ngại về tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Theo ISM, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế tạo tại Mỹ đã giảm từ mức 52,8 (điểm) trong tháng 4 xuống 52,1 trong tháng 5, ghi nhận mức thấp nhất kể từ tháng 10/2016.
Theo kết quả cuộc khảo sát khác về lòng tin của các nhà quản lý mua hàng tại Mỹ do công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit tiến hành, hoạt động chế tạo của nước này cũng tăng trưởng chậm lại trong tháng 5.
Các báo cáo trên đang làm dấy lên những lo ngại về các nguy cơ đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới đang gia tăng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu giảm tốc và căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn leo thang.
Tại thị trường chứng khoán châu Á, chỉ số MSCI của cổ phiếu khu vực châu Á-Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản giảm 0,3% trong phiên 4/5, sau khi phục hồi 0,18% trong phiên trước đó.
Trên thị trường Trung Quốc, chỉ số blue-chip CSI 300 sụt hơn 1,17%, trong khi đó chỉ số Hang Seng tại thị trường Hồng Kông cũng hạ 0,65%.
Chỉ số Nikkei 225 của thị trường Nhật Bản sụt 0,42%.

Tuy nhiên, chỉ số Kospi của thị trường Seoul tăng nhẹ 0,16%. Bất chấp việc bán tháo trong khu vực, chỉ số chứng khoán của Australia nhích 0,1% nhờ dự báo Ngân hàng Trung ương Australia sẽ cắt giảm lãi suất sớm hơn dự kiến.
Chứng khoán Mỹ suy yếu trong phiên giao dịch ngày 3/6, trong đó nhóm cổ phiếu công nghệ giảm mạnh trong bối cảnh các báo cáo cho biết Chính phủ Mỹ đang lên kế hoạch nhắm mục tiêu vào một loạt các công ty lớn trong ngành với các cuộc điều tra hoạt động kinh doanh và chống độc quyền.
Cổ phiếu Alphabet, Amazon, Facebook và Apple đều gây sức ép lên thị trường Phố Wall trong suốt phiên giao dịch này.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/6, chỉ số Nasdaq Composite giảm 1,6% và bước vào giai đoạn điều chỉnh, sụt hơn 10% so với mức cao kỷ lục đã thiết lập vào cuối tháng 4 là 7.333.02 điểm. Chỉ số S&P 500 sụt 0,28% xuống 2,744.45 điểm, còn chỉ số Dow Jones khép phiên ngay trên mức hòa vốn là 24.819.78 điểm.
Trong tuần này, các nhà đầu tư cổ phiếu tập trung theo dõi chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương Australia và ngân hàng trung ương Ấn Độ. Ngân hàng trung ương Australia được kỳ vọng sẽ thông báo cắt giảm lãi suất tại cuộc họp chính sách vào ngày 4/6.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tại St. Louis, ông James Bullard, hôm 3/5 nói rằng ngân hàng trung ương có thể tiến hành cắt giảm lãi suất sớm do xuất hiện những rủi ro đối với tăng trưởng toàn cầu trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang và tỷ lệ lạm phát  của Mỹ ở mức thấp.
Nhà chiến lược Greg McKenna tại McKenna Macro nhận xét: ”Trừ khi có một lực đẩy quan trọng, có thể liên quan đến việc cắt giảm lãi suất của FED, hoặc chương trình kích thích kinh tế mạnh  hơn của Trung Quốc... giá cổ phiếu và lãi suất trái phiếu sẽ tiếp tục sụt giảm”./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần