Nhà đầu tư chớp cơ hội bắt đáy, chứng khoán Mỹ phục hồi ấn tượng

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ phục hồi mạnh trong phiên ngày 28/9 sau khi lao dốc trong 6 phiên liên tiếp trước đó, được hỗ trợ bởi lợi suất trái phiếu kho bạc giảm

Chứng khoán Mỹ phục hồi ấn tượng trong phiên ngày 28/9. Ảnh: AP
Chứng khoán Mỹ phục hồi ấn tượng trong phiên ngày 28/9. Ảnh: AP

Chỉ số Dow Jones đã tăng hơn 500 điểm từ mức đáy năm 2022 sau khi Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cho biết sẽ mua trái phiếu, sự đảo ngược đáng kinh ngạc trong chính sách thắt chặt tiền tệ được thực hiện trong năm nay của hầu hết các ngân hàng trung ương nhằm kiềm chế lạm phát.

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày 28/9, chỉ số Dow Jones nhảy vọt 548,75 điểm (tương đương 1,88%) lên mức 29.683,74 điểm. Chỉ số S&P 500 cộng 1,97% lên 3.719,04 điểm, còn Nasdaq Composite nhích 2,05% lên mức 11.051,64 điểm.

Sau phiên hồi phục 28/9, chỉ số S&P 500 đang kém đỉnh lịch sử thiết lập đầu tháng 1 năm nay 22,8%. Trong khi đó, Dow Jones hiện thấp hơn mức đỉnh hồi đầu năm 19,7% - tức là tạm thoát khỏi vùng “thị trường gấu” (thị trường đầu cơ giá xuống). Chỉ số Nasdaq Composite vẫn còn kém kỷ lục hồi tháng 11/2021 tới gần 32%.

Ngày 28/9, BoE thông báo sẽ tạm thời mua các trái phiếu kỳ hạn dài do chính phủ Anh phát hành nhằm chặn đà suy giảm của đồng bảng Anh (GBP). Giá trị của GBP tăng khoảng 1,4% lên mức 1,0881 USD.

Những ngày gần đây, đồng bảng Anh thu hút sự chú ý của thị trường tài chính quốc tế khi giá trị GBP giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm khép phiên ở mức 3.7% sau khi vượt mốc 4% vào đầu phiên, lần đầu tiên kể từ năm 2008.

Đà tăng mạnh trên sàn Phố Wall được ghi nhận trên phần lớn các lĩnh vực và các mã cổ phiếu. Cổ phiếu năng lượng dẫn đầu làn sóng hồi phục, theo sau là nhóm viễn thông và cuối cùng là ngành công nghệ.

Một ngoại lệ đáng chú ý là cổ phiếu của Apple khi sụt 1,3% sau khi Bloomberg đưa tin công ty lên kế hoạch không mở rộng dây chuyền sản xuất iPhone do nhu cầu thấp hơn dự báo. 

Phát biểu tại sự kiện đầu tư do đài CNBC tổ chức tại TP New York ngày 28/9, ông David Rubenstein, đồng sáng lập tập đoàn tài chính và đầu tư The Carlyle Group, nhận định rằng nhà đầu tư nên mua ngay cổ phiếu ở mức giá chiết khấu như hiện nay, không nên chần chừ dù thị trường có thể còn giảm thêm.. Chuyên gia Rubenstein tin rằng giá cổ phiếu hiện nay đang gần với đáy hơn là với đỉnh. “Chỉ có kẻ ngốc mới cố tìm đáy hay đoán đỉnh của thị trường. Theo quan điểm của tôi, nếu chờ đợi đến đáy tận cùng mới mua là một sai lầm” - ông Rubenstein nói.

Cũng tại sự kiện trên, bà Mary Callahan Erdoes, Giám đốc điều hành Công ty quản lý tài sản JPMorgan Asset & Wealth Management, chia sẻ: “Cơ hội đầu tư ở khắp mọi nơi, từ cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản, ngoại hối, thị trường vốn tư nhân, thị trường vốn đại chúng. Cơ hội kiếm tiền ở khắp nơi vì chúng ta đang trong thời kỳ với nhiều biến đổi”.

Tuy nhiên, một số chuyên gia Phố Wall bày tỏ lo ngại rằng diễn biến của thị trường thời gian gần đây vẫn chưa phản ánh hết những tác động từ quá trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Ngân hàng trung ương Mỹ đã nâng lãi suất tổng cộng 5 lần từ đầu năm 2022, trong đó có 3 lần tăng 0,75% liên tiếp. 

Theo giới chuyên gia, chỉ số S&P 500 liên tục ghi nhận mức đáy mới trong một vài ngày qua chính là chỉ dấu cho thấy chứng khoán Mỹ vẫn còn dư địa giảm điểm. 

Nhà đầu tư kỳ cựu Stanley Druckenmiller nchia sẻ với đài CNBC: “Khả năng cao là Mỹ sẽ hạ cánh cứng vào cuối năm 2023. Tôi sẽ bất ngờ nếu như suy thoái không xảy ra vào năm sau. Tôi không biết thời điểm cụ thể nhưng có thể sẽ là cuối năm”.

Trong khi đó, ông Neil Veitch, giám đốc đầu tư tại quản lý tài sản SVM có trụ sở tại Edinburgh, nhận định rằng các yếu tố kinh tế vĩ mô sẽ vẫn “khá khó khăn” trong thời gian còn lại của năm nay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần