Cổ phiếu tại thị trường châu Á tăng vọt trong phiên giao dịch ngày 7/1 sau khi lao dốc trong phiên trước đó trong bối cảnh nhà đầu tư quan ngại bất ổn địa chính trị gia tăng ở Trung Đông.
Tại thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,66%, sau khi chứng kiến mức sụt giảm 1,91% trong phiên ngày 6/1. Chỉ số Topix cũng nhích 1,36%. Hầu hết các cổ phiếu đều tăng điểm, trong đó cổ phiếu của Nintendo cộng 0,84%, trong khi cổ phiếu của Softbank tăng 1,25% và Sony nhích gần 3%.
Cổ phiếu của các công ty ô tô tại Nhật Bản cũng có đợt phục hồi mạnh, với Mazda tăng 2,84%, Honda cộng 2,16%, Toyota nhích 1,69% và Nissan leo dốc 1,93%.
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng ghi nhận mức tăng 0,88%, dẫn đầu là lĩnh vực công nghệ và mỹ phẩm.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc giao dịch khởi sắc trong phiên này, trong đó chỉ số tổng hợp Thượng Hải tăng 0,49%, chỉ số tổng hợp Thâm Quyến cộng 0,18% và chỉ số thành phần Thâm Quyến tăng 0,68%.
Chỉ số Hang Seng trên sàn chứng khoán Hồng Kông (Trung Quốc) cũng leo dốc 0,65%.
Tại thị trường Australia, chỉ số ASX 200 tăng vọt tới 1%. Các cổ phiếu của ngành năng lượng đều phục hồi mạnh trong phiên này với Santos tăng khoảng 2%, Woodside Oil cộng 0,88% và Oil Search tăng 1,83%. Lĩnh vực tài chính dẫn đầu đà tăng điểm với mức 1,32%.
Chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản cũng tăng 0,62%.
“Căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông vẫn là yếu tố định hướng cho các nhà đầu tư, song thị trường vẫn thận trọng chờ những diễn biến trong thời gian tới” - ông Tapas Strickland, giám đốc kinh tế và thị trường tại Ngân hàng Quốc gia Australia lưu ý khách hàng trong ngày 7/1.
Theo chuyên gia Strickland, tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Iran nhiều khả năng sẽ xoay quanh vòng xoáy trả đũa và thị trường có thể sẽ vẫn thận trọng.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số USD, phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, giảm về mức 96,630 điểm, sau khi tăng lên 97,1 điểm trong tuần trước.
Trong khi đó, chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 6/1, phục hồi từ đà sụt giảm trong phiên trước đó, bất chấp nỗi lo về địa chính trị ngày càng tăng sau vụ Mỹ sát hại tướng hàng đầu của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran hồi tuần trước.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/1, chỉ số Dow Jones tăng 68,50 điểm (tương đương 0,2%) lên 28.703,38 điểm, sau khi giảm 216 điểm trong phiên trước đó. Chỉ số S&P 500 cộng 0,4% lên 3.246,28 điểm và chỉ số Nasdaq Composite nhích 0,6% lên 9.071,46 điểm.
Nhóm cổ phiếu công nghệ lớn dẫn đầu đà tăng. Cổ phiếu Facebook và Amazon đều tăng hơn 1%, cổ phiếu Netflix và Alphabet lần lượt vọt 3,1% và 2,7%.
Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall đảo chiều tăng vào ngày 6/1, trái ngược với đà giảm mạnh trong phiên ngày 3/1. Dow Jones và S&P 500 đã chứng kiến phiên tồi tệ nhất trong 1 tháng ở phiên giao dịch cuối tuần trước sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông qua một cuộc không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ tấn công Baghdad và giết chết vị chỉ huy đặc nhiệm Quds của lực lượng Vệ binh Cách mạnh Iran, Thiếu tướng Qasem Soleimani.
Thông tin trên đã đẩy giá dầu nhảy vọt trong bối cảnh lo ngại xung đột có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu mỏ toàn cầu. Giá dầu nhảy vọt hơn 3% trong phiên 3/1, đạt mức cao nhất kể từ tháng 4/2019. Giá “vàng đen” cũng tiếp tục leo dốc 2% vào đầu phiên ngày 6/1 trước khi khép phiên gần như đi ngang.
Tổng thống Donald Trump hôm 5/1 cảnh báo rằng ông có thể áp các lệnh trừng phạt đối với Iraq sau khi Quốc hội nước này thông qua nghị quyết kêu gọi Chính phủ trục xuất quân đội nước ngoài ra khỏi đất nước.
Trong khi đó, Iran ngày 5/1 tuyên bố sẽ không tuân thủ những giới hạn làm giàu uranium theo Thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015.
Nhà đầu tư đã đổ vào các tài sản trú ẩn an toàn như vàng và trái phiếu Chính phủ Mỹ khi căng thẳng Mỹ - Iran leo thang.
Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 6/1, giá vàng leo lên mức cao nhất trong hơn 6 năm. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm dao động quanh mức 1,8% sau khi khởi đầu năm 2020 trên mức 1,9%. Lợi suất thường di chuyển ngược chiều với giá trái phiếu./.