Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà đầu tư hoảng loạn bán tháo cổ phiếu, chứng khoán Mỹ - châu Á cùng lao dốc

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cổ phiếu châu Á giảm mạnh trong phiên 14/10 khi đàm phán về gói cứu trợ mới của Mỹ rơi vào bế tắc khiến giới đầu tư bán tháo tài sản rủi ro.

Theo đà sụt giảm của sàn Phố Wall, chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương giao dịch ảm đạm trong phiên ngày thứ Tư khi các nhà đầu tư thận trọng chờ đợi bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Đặc khu kinh tế Thâm Quyến.
Chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên 14/10.
Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đứt mạch tăng 4 phiên liên tiếp khi chốt phiên giao dịch ngày 13/10 do triển vọng mờ mịt về gói kích thích tài khóa bổ sung tại Mỹ và thông tin tiêu cực liên quan đến vaccine ngừa Covid-19 của tập đoàn Johnson & Johnson cùng với đợt báo cáo kết quả kinh doanh đầu tiên trong quý III.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/10, chỉ số Dow Jones rớt 157,71 điểm (tương đương 0,6%) xuống 28.679,81 điểm khi cổ phiếu Apple lao dốc. Chỉ số S&P 500 mất 0,6% xuống 3.511,93 điểm và chỉ số Nasdaq Composite hạ 0,1% xuống 11.863,90 điểm.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hôm 13/10 cho biết đề xuất của Nhà Trắng về gói kích thích kinh tế mới không đủ giải quyết các nhu cầu của Mỹ.
Trong khi đó, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell tuyên bố trong tuần tới, họ sẽ bỏ phiếu với gói kích thích nhỏ hơn. Cuối tuần trước, Nhà Trắng đề xuất gói hỗ trợ trị giá 1.800 tỷ USD trong bối cảnh cuộc đàm phán về gói cứu trợ toàn diện gặp bế tắc.
Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall sau đó chạm mức đáy trong phiên khi giới chức Mỹ dừng chương trình thử nghiệm giai đoạn cuối thuốc kháng thể Covid-19 của Eli Lilly vì lý do an toàn. Trước đó, Johnson & Johnson cũng ngừng thử nghiệm vaccine Covid-19. Cổ phiếu Eli Lilly và J&J giảm lần lượt 2,9% và 2,3% khi chốt phiên thứ Ba.
Adam Crisafulli - nhà sáng lập Vital Knowledge, nhận xét: "Hàng loạt tin tức tiêu cực về Covid-19 và khả năng có gói cứu trợ mới trước bầu cử ngày càng mờ nhạt khiến nhà đầu tư rời khỏi các cổ phiếu chu kỳ và quay về với cổ phiếu tăng trưởng".
Hôm qua, mùa công bố báo cáo tài chính quý III tại Mỹ đã bắt đầu. Hai ngân hàng lớn JPMorgan Chase và Citigroup đều có kết quả tốt hơn dự báo. Johnson & Johnson cũng có lợi nhuận lớn hơn kỳ vọng và đã nâng dự báo lợi nhuận cả năm. Cổ phiếu hãng quản lý tài sản BlackRock tăng 3,9% nhờ lợi nhuận vượt kỳ vọng.
Trong khi đó, Delta Air Lines mất 2,7% khi lỗ mạnh hơn dự kiến và doanh thu giảm tới 75% so với quý trước. Cổ phiếu Apple hôm qua giảm 2,7% sau khi ra mắt iPhone 5G đầu tiên. Cổ phiếu Disney tăng 3,2% nhờ tuyên bố tái cấu trúc công ty, tập trung vào mảng truyền hình trực tuyến.
Thị trường chứng khoán châu Á cũng lao dốc trong phiên giao dịch ngày 14/10 trước thông tin Johnson & Johnson ngừng thử nghiệm vaccine Covid-19 và nhà đầu tư chờ đợi bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại TP Thâm Quyến trong ngày thứ Tư.
Nhà phân tích thị trường Tom Piotrowski của CommSec ở Sydney cho biết: “Thông tin mới nhất này cho thấy để phát triển được một vaccine Covid-19 sẽ phải tốn nhiều thời gian hơn kỳ vọng của thị trường, vì vậy cổ phiếu sẽ tiếp tục điều chỉnh”.
Chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương không tính thị trườngi Nhật Bản giảm 0,2%. Tại thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 cũng mất 0,2%. Trong khi đó, chỉ số của Australia đi ngang, còn KOSPI của Hàn Quốc hạ 0,7%.
Thị trường Trung Quốc đi xuống từ đầu phiên với Shanghai Composite giảm 0,3%, Shenzhen Component giảm 0,261%. Chỉ số Hang Seng trên sàn Hồng Kông giảm nhẹ.
Nhà đầu tư chờ bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Thâm Quyến hôm nay. Đặc khu Kinh tế Thâm Quyến đang kỷ niệm 40 năm thành lập.
Tân Hoa xã hôm 11/10 đưa tin Trung Quốc “công bố kế hoạch cải cách hiệu quả dành cho Thâm Quyến”, cho phép nhà chức trách địa phương “có tiếng nói trực tiếp hơn, lớn hơn trong hoạt động kinh doanh” tại những lĩnh vực như triển khai cải cách kinh tế dựa trên nền tảng thị trường.
Trong phiên giao dịch này, giới đầu tư bán tháo cổ phiếu do giảm kỳ vọng về việc Quốc hội Mỹ sẽ thông qua gói kích thích tài khóa bổ sung trước cuộc bầu cử.
"Các cuộc đàm phán về dự luật gói kích thích kinh tế vẫn chưa có tiến triển làm mờ nhạt triển vọng về việc có thêm một gói hỗ trợ mới trước cuộc bầu cử vào tháng 11 tới” - chiến lược gia Rodrigo Catril của NAB có trụ sở tại Sydney cho biết. “Vì vậy, hiện khó có khả năng các nghị sĩ Mỹ đạt được sự thống nhất về gói cứu trợ trước ngày 3/11, nhà đầu tư nên chuẩn bị tâm lý rằng gói kích thích mới có thể phải chờ đến sau cuộc bầu cử”.