Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà đầu tư thận trọng với dữ liệu CPI, chứng khoán Mỹ lao dốc

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên ngày 7/2 khi nhà đầu tư thất vọng với kết quả kinh doanh của một số công ty lớn và thận trọng chờ dữ liệu CPI tháng 1.

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ trượt dốc trong phiên giao dịch đầu tuần do giới đầu tư tiếp tục bị ám ảnh bởi kết quả kinh doanh gây thất vọng của Facebook và thận trọng chờ đợi dữ liệu quan trọng về tình hình lạm phát ở Mỹ.

Nasdaq Composite và S&P 500 cùng lao dốc trong phiên giao dịch đầu tuần.
Nasdaq Composite và S&P 500 cùng lao dốc trong phiên giao dịch đầu tuần.

Chốt phiên giao dịch ngày 7/2, chỉ số Nasdaq Composite hạ 0,58% xuống 14.015,67 điểm, dẫn đầu đà giảm. Chỉ số S&P 500 sụt 0,37% còn 4.483,87 điểm. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones chỉ tăng 1,39 điểm lên 35.091,13 điểm. Các chỉ số chính liên tục biến động trong phần lớn phiên trước khi suy yếu vào giờ giao dịch cuối cùng.

Báo cáo tài chính một lần nữa là nguyên nhân chính khiến thị trường Phố Wall biến động mạnh trong phiên đầu tuần. Cổ phiếu hãng chế biến thịt Tyson Foods leo dốc hơn 12% sau khi công ty đưa ra kết quả kinh doanh tốt hơn dự báo. Trong khi đó, cổ phiếu hãng sản xuất thiết bị y tế Zimmer Biomet sụt 9% do nhà đầu tư thất vọng với báo cáo tài chính.

Cổ phiếu Meta, công ty mẹ của mạng xã hội Facebook sụt hơn 5%, nối tiếp xu hướng lao dốc sau khi công ty công bố kết quả kinh doanh quý IV/2021 tuần trước. Cổ phiếu này đã “bay” 30%. Cổ phiếu Netflix hạ 2% sau khi công ty đầu tư Needham nói rằng chiến lược hiện nay của Netflix không thể thắng trong cuộc chiến giữa các nhà cung cấp dịch vụ truyền nội dung trực tuyến.

“Tâm lý nhà đầu tư đang thay đổi gần như hàng tuần, điều này khiến việc ra quyết định đầu tư là rất khó, song lại rất quan trọng để đạt kết quả tốt, " - chiến lược gia Tavis McCourt nhận xét trong một báo cáo được hãng tin CNBC trích dẫn.

Theo nhà chiến lược Tavis McCourt, sức mạnh tăng trưởng kinh tế sẽ giúp lợi nhuận tính trên mỗi cổ phiếu (EPS) tăng lên cùng với lãi suất, do đó việc lãi suất tăng cao khó có khả năng làm chậm nhu cầu trong nền kinh tế.

Hiện đã có 56% số công ty trong S&P 500 công bố kết quả kinh doanh quý IV, trong đó có 77% đạt lợi nhuận vượt dự báo và 76% đạt doanh thu vượt dự báo, theo dữ liệu của FactSet. Tuy nhiên, có một số doanh nghiệp lớn khiến nhà đầu tư thất vọng, gồm Meta và PayPal, gây sức ép giảm điểm lên thị trường.

Trong tuần trước, chứng khoán Mỹ ghi nhận tuần tăng điểm mạnh nhất kể từ tháng 12/2021, nhờ dữ liệu việc làm tháng 1 khả quan và báo cáo tài chính gây hưng phấn của một số hãng công nghệ lớn.

Tuần này, tâm điểm chú ý của nhà đầu tư sẽ là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 do Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Năm. Theo dự báo, CPI tháng đầu năm tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 2/1982.

Chuyên gia Chris Hussey của ngân hàng Goldman Sachs đánh giá: “Với tâm trạng thận trọng chờ đợi số liệu CPI, nhà đầu tư có thể sẽ tránh những cổ phiếu tăng trưởng”.

Dự báo lạm phát cao làm gia tăng khả năng đẩy nhanh thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Nhà đầu tư đang đặt cược vào khả năng khoảng 35% FED sẽ nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp vào tháng 3 tới.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ không có nhiều thay đổi trong phiên giao dịch ngày 7/2 sau khi tăng mạnh trong phiên cuối tuần trước nhờ dữ liệu việc làm khả quan. Chốt phiên đầu tuần, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm dao động trên ngưỡng 1,9%.