Nhà giáo Ưu tú Phạm Xuân Khánh-một tấm gương sáng của ngành Giáo dục Hà Nội

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Với những thành tích trong quản lý, dạy học và nghiên cứu khoa học, Nhà giáo Ưu tú Phạm Xuân Khánh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội là người duy nhất của ngành giáo dục Thủ đô được xét tặng Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2022.

Nhà giáo ưu tú Phạm Xuân Khánh: "Đối với tôi, dạy học và nghiên cứu là niềm đam mê vô tận"
Nhà giáo ưu tú Phạm Xuân Khánh: "Đối với tôi, dạy học và nghiên cứu là niềm đam mê vô tận"

Đầu năm 2009, khi mới 42 tuổi và đang là Trưởng khoa Điện tử, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, nhà giáo Phạm Xuân Khánh được Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Hà Nội mời tham gia thành lập cơ sở giáo dục công lập nhằm đào nguồn nhân lực trường chất lượng cao, các nghề công nghệ cao theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

12 năm miệt mài, gắn bó

Không suy nghĩ nhiều, thầy giáo quê ở Đức Thọ (Hà Tĩnh) vui vẻ nhận lời, chấp nhận thử thách lớn đang đợi chờ phía trước, với một niềm tin, mình sẽ vượt qua. Không lâu sau đó, trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội (HHT) được thành lập (năm 2010) và vinh dự được gắn liền với các sự kiện chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long -  Hà Nội.

Đã 12 năm trôi qua nhưng những thầy, cô giáo gắn bó với HHT đều không quên khó khăn của thời kỳ đầu mà Hiệu trưởng Phạm Xuân Khánh và nhà trường phải vượt qua. Hiệu trưởng Phạm Xuân Khánh và các thầy cô HHT phải đánh tan tâm lý chuộng bằng cấp, thích làm “thầy” hơn làm “thợ” của các bậc cha mẹ, học sinh bằng chính đầu ra của những “lứa quả ngọt đầu mùa”. Đồng thời, nhà trường phải “chiêu hiền, đãi sĩ” để có những giáo viên dạy nghề có trình độ tay nghề cao. Đã nhiều năm làm cán bộ quản lý, Nhà giáo Ưu tú Phạm Xuân Khánh xác định “muốn có trò giỏi, trước hết phải có thầy giỏi”.

Năm 2017, Hiệu trưởng Phạm Xuân Khánh được tặng danh hiệu "Nhà giáo ưu tú".  Ảnh: TA
Năm 2017, Hiệu trưởng Phạm Xuân Khánh được tặng danh hiệu "Nhà giáo ưu tú".  Ảnh: TA

Khó khăn của HHT cũng như các trường cao đẳng nghề công lập khác phải đối diện đó là nguồn thu học phí theo quy định khá thấp, trong đó, chi phí đào tạo, nhất là đào tạo nghề lại lớn. Thêm nữa phần lớn chất lượng đầu vào của các trường cao đẳng đều thấp, học sinh không thi đỗ đại học mới chọn các trường trung cấp, cao đẳng. Nhưng các trường trung cấp, cao đẳng muốn doanh nghiệp tiếp nhận thì đầu ra bắt buộc người học phải có tay nghề cao, không có đầu ra tốt thì đừng nói đến tuyển sinh. Đây là một mâu thuẫn rất khó giải quyết.

HHT là trường mới thành lập cho nên gặp nhiều khó khăn như: Cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu, chưa đồng bộ, tìm người biên soạn chương trình, giáo trình đã khó, nội dung lại cần phải liên tục đổi mới cho phù hợp với tình hình nên càng khó hơn. Chưa kể, trường nằm ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), vị trí địa lý xa trung tâm, không thuận lợi, khi đó quận Nam Từ Liêm mới từ huyện lên quận, hạ tầng giao thông chưa phát triển, thiếu các dịch vụ ăn, ở, sinh hoạt cho cả cán bộ, giáo viên. Thời gian đầu, ngân sách Thành phố cấp chưa có, toàn bộ chi phí hoạt động của nhà trường đều tự chi trả nên Ban Giám hiệu nhà trường phải chạy đôn, chạy đáo.

Trước những khó khăn như vậy, Hiệu trưởng Phạm Xuân Khánh đã chủ động lập kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và động viên các thầy, cô giáo nòng cốt cùng nhau chia sẻ những khó khăn ban đầu của nhà trường. Nhiều người khá ngạc nhiên khi trường HHT còn khá non trẻ đã mạnh dạn đăng cai tổ chức Hội thi thiết bị dạy nghề tự làm toàn quốc. Ít ai biết đó là “chiêu" quảng bá thương hiệu nhanh nhất của Hiệu trưởng Phạm Xuân Khánh. Hội thi đã giúp trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội được “trình làng” một cách đầy ấn tượng, nhanh chóng lấy được hình ảnh đẹp trong các đồng nghiệp, doanh nghiệp, phụ huynh và học sinh.

 Sinh viên HHT luôn có được ít nhất 70% thời gian đào tạo để thực hành. Ảnh: AT
 Sinh viên HHT luôn có được ít nhất 70% thời gian đào tạo để thực hành. Ảnh: AT

Nhớ lại thời điểm đó, Nhà giáo Ưu tú Phạm Xuân Khánh chia sẻ: “Phải nói thật, vợ chồng tôi mất ăn, mất ngủ, cô ấy cũng là một giảng viên đại học nên đã động viên tôi rất nhiều. Phải đến khi năm học đầu tiên (năm 2010), nhà trường tuyển sinh được 820 sinh viên, tôi mới có thể thở phào, tin vào chiến lược phát triển HHT do tôi xây dựng, đúng là vạn sự khởi đầu nan”.

Điểm sáng đào tạo nghề

Là trường đi sau, nên HHT đã chọn lối đi riêng, đào tạo bám sát vào nhu cầu thị trường, của các doanh nghiệp, trong đó chiến lược xuyên suốt là luôn luôn phải đổi mới và dành ít nhất 70% thời gian là dạy thực hành. Nhà giáo Ưu tú Phạm Xuân Khánh đã xây dựng tốt mối quan hệ với các cơ quan quản lý Nhà nước, tham gia nhiều diễn đàn để tạo quan hệ tốt với các tổ chức chính trị, xã hội, viện, trường và đặc biệt với doanh nghiệp để mang về cho trường HHT những nguồn lực, điều kiện giúp sinh viên được học tập trong môi trường tốt nhất.

Vượt qua những khó khăn ban đầu, sau 12 năm phát triển, giờ đây HHT đã trở thành thương hiệu đào tạo có tên tuổi với 32 chuyên ngành, có đầy đủ các loại hình đào tạo trung cấp, cao đẳng, kỹ sư thực hành, mỗi năm tuyển sinh được hơn 1.800 học sinh, sinh viên. Nhà trường duy trì và phát triển hợp tác với hơn 400 doanh nghiệp để giới thiệu thực tập, việc làm cho sinh viên. 100% sinh viên được giới thiệu thực tập sản xuất và thực tập tốt nghiệp tại các doanh nghiệp. Các đối tác quốc tế như: Đức, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… đã có mặt tại Hà Nội ký kết nhiều chương trình hợp tác nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo chất lượng và công nhận văn bằng, chứng chỉ.

Sinh viên Khoa Chăm sóc sắc đẹp thực hành. Ảnh: TA
Sinh viên Khoa Chăm sóc sắc đẹp thực hành. Ảnh: TA

Không chỉ gói gọn các hoạt động trong nhà trường, Nhà giáo Ưu tú Phạm Xuân Khánh còn là nhà hoạt động xã hội. Ngoài ra, Nhà giáo Ưu tú Phạm Xuân Khánh hiện đang là Ủy viên BCH Hội Tự động hóa Việt Nam; Ủy viên Ban Thường vụ Hội Tự động hóa TP Hà Nội; Ủy viên BCH Hiệp hội GDNN và Nghề Công tác xã hội Việt Nam; Ủy viên BCH Hiệp hội Thang máy Việt Nam; Ủy viên Ban Thường vụ Liên hiệp các Hội KHKT TP Hà Nội; Phó Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Ngành Công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội; Phó Chủ tịch Hội Đào tạo và Phát triển nghề làm đẹp Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Thang máy Việt Nam...  

Phần thưởng lớn nhất

Nói đến Nhà giáo Ưu tú Phạm Xuân Khánh là nói đến một nhà nghiên cứu khoa học, đối với ông, dạy học và nghiên cứu là niềm đam mê vô tận. Nhà giáo Ưu tú Phạm Xuân Khánh là chủ nhiệm 3 dự án cấp Bộ; 3 đề tài cấp TP; 2 sáng kiến cấp TP; Biên soạn 18 chương trình, giáo trình, 16 sáng kiến cấp cơ sở; có 27 bài báo, tham luận khoa học được công bố trên các tạp chí, hội nghị trong nước và quốc tế. Nhà giáo Ưu tú Phạm Xuân Khánh trực tiếp nghiên cứu sản xuất nhiều mô hình, thiết bị dạy học mang lại hiệu quả trong đào tạo. Trong đó, có 2 mô hình đã đạt giải Nhất tại Hội thi Thiết bị dạy nghề tự làm toàn quốc và đang được ứng dụng vào thực tiễn giảng dạy tại khoa Điện, Điện tử của trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. Nhà giáo Ưu tú Phạm Xuân Khánh trực tiếp chỉ đạo các đội Robot tham dự cuộc thi Robocon nhiều năm, trong đó có hai năm liền đạt giải (1 giải Nhất và 1 giải Nhì quốc gia) và đại diện cho Việt Nam tham dự vòng chung kết Robocon châu Á - Thái Bình Dương.

 

“Phần thưởng lớn nhất mà tôi và các đồng nghiệp HHT nhận được là 100% học sinh, sinh viên ra trường đều có việc làm, 100% các doanh nghiệp đánh giá cao năng lực sinh viên HHT” Nhà giáo Ưu tú Phạm Xuân Khánh.

Được biết, Nhà giáo Ưu tú Phạm Xuân Khánh đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2019). Ông cũng nhận được nhiều  danh hiệu khác như: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2007); Bằng khen của Bí thư Thành ủy Hà Nội (năm 2019); 2 danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp TP năm 2018, 2021; 18 Bằng khen Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, 11 Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Giờ đây, Nhà giáo Ưu tú Phạm Xuân Khánh đã chuyển sang vị trí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường. Hơn ai hết các thầy, cô giáo HHT chờ mong với những nhiệt huyết và tầm nhìn xa, Nhà giáo Ưu tú Phạm Xuân Khánh sẽ cùng đội ngũ cán bộ, giáo viên nâng trường lên một tầm cao mới.