Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Nhà hàng Panorama phá vỡ cảnh quan đèo Mã Pí Lèng sẽ không "phạt cho tồn tại"

Kinhtedothi - Những ngày qua, tổ hợp nhà hàng, nhà nghỉ, quán cà phê Panorama đang bị cộng đồng mạng lên án dữ dội, đòi phá bỏ vì phá vỡ cảnh quan thiên nhiên trên đèo Mã Pí Lèng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang).
Quang cảnh tổ hợp công trình nhìn từ trên cao.
Có thể bị tháo dỡ 1 phần
Chiều 7/10, ông Hoàng A Chinh - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang cùng đoàn liên ngành đã tiến hành đo đạc, kiểm tra sai phạm tại công trình trên.
Theo ông Chinh, tổ hợp nhà hàng, nhà nghỉ, quán cà phê Panorama nằm ở khu vực nông thôn nên không cần có giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, để quản lý những công trình phục vụ mục đích công cộng, đông người như thế này thì phải kiểm soát qua các thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản, như thẩm tra thiết kế, thẩm định sự phù hợp.
Tổ hợp nhà hàng, nhà nghỉ, quán cà phê Panorama nằm ngay trên hẻm vực Tu Sản, thuộc đèo Mã Pí Lèng. Trong đó, nổi lên là khu nhà cao 6 tầng, nằm thoải theo sườn đèo, có 5 ban công lớn để du khách ngắm cảnh.
"Theo tôi nắm được thì công trình gần như chưa có đầy đủ các thủ tục pháp lý. Trách nhiệm này trước hết thuộc cấp hành chính quản lý địa bàn, của huyện Mèo Vạc. Công trình chưa đủ thủ tục thì yêu cầu đình chỉ. Nếu đã hoàn thành thì phải tìm hướng xử lý, có thể phải tháo dỡ", ông Chinh nói.
Cũng theo Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang, để thu hút được 1 nhà đầu tư đến với Mèo Vạc là rất quý. Tuy nhiên phải xem xét, nếu xây dựng công trình ảnh hưởng đến di sản, đến môi trường thì phải tháo dỡ những phần sai phạm. Địa phương sẽ không giải quyết theo hướng "phạt cho tồn tại" mà sẽ xem xét tháo dỡ toàn bộ hoặc một phần công trình.
"Còn với những phần không ảnh hưởng thì chỉnh trang cho phù hợp với kiến trúc vùng trên này. Có thể xem xét cho tồn tại ở những phần diện tích nhất định", ông Chinh thông tin thêm.
Trong khi đó, theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang, công trình chưa có giấy chứng nhận đầu tư, dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chủ đầu tư chưa được cấp giấy chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm sang đất thổ cư, xây dựng.
"Công trình không đáng bị tẩy chay"
Trước đó vào chiều 5/10, trả lời báo chí, bà Vũ Thị Ánh (57 tuổi, trú tại TP Hà Giang) - chủ đầu tư tổ hợp nhà hàng, nhà nghỉ, quán cà phê Panorama trên đèo Mã Pí Lèng cho biết: Mảnh đất xây công trình này được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Giang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2016. Đây là đất trồng cây lâu năm. 10 năm trước bà Ánh mua của người dân địa phương với giá 70 triệu đồng. Khi đó nơi đây còn là đất hoang, chỉ có sỏi đá, không thể trồng được ngô, lúa.
Đầu năm 2018, bà Ánh đề nghị được đầu tư, xây dựng công trình điểm dừng chân trên đèo Mã Pí Lèng để du khách qua đây có nơi đỗ xe, ngủ, nghỉ, ăn uống. Ý kiến được chính quyền địa phương đồng ý và hỗ trợ kéo đường điện từ Đồng Văn về.
Bà Ánh còn cho biết, nhiều ban, ngành đã đến kiểm tra độ an toàn tòa nhà chứ mình không tự ý làm, không xây dựng "vụng trộm". "Công trình này không đáng bị tháo dỡ hay bị tẩy chay", bà Ánh nói.
Còn về việc thiếu nhiều loại giấy phép, bà chủ Panorama nói rằng chỉ cố gắng làm cho kịp tiến độ chứ không quan tâm đến việc làm hồ sơ, thủ tục giấy tờ. Bà nghĩ rằng địa phương sẽ giúp lo các loại giấy phép, bởi địa điểm xây dựng nằm ngoài vùng lõi của danh thắng đèo Mã Pí Lèng.
Cũng qua trao đổi với báo chí, bà Mua Hồng Sinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc thừa nhận có trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Theo bà Sinh, từ tư vấn của nhiều chuyên gia, huyện Mèo Vạc đã kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng điểm dừng chân ngắm vực Tu Sản, tạo điều kiện cho du khách tham quan. Tháng 3/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang giao việc này cho huyện Mèo Vạc với nguyên tắc "sử dụng tối đa nguyên liệu tại chỗ, không phá vỡ cảnh quan khu vực".
Tuy nhiên, bà Sinh giải thích, từ khi tổ hợp nhà hàng, nhà nghỉ, quán cà phê Panorama bắt đầu xây dựng, huyện đã nhiều lần đến kiểm tra, yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công để hoàn thiện các thủ tục theo quy định. Nhưng đến nay công trình đã hoàn thành, đi vào hoạt động mà chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện các giấy tờ cần thiết.
Theo kế hoạch, vào sáng mai (8/10) các sở ngành liên quan của tỉnh Hà Giang sẽ nhóm họp để đưa ra kết luận, tham mưu tỉnh tìm hướng giải quyết cho công trình trên.
Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa sắp khởi công dự án cáp treo gần 3.000 tỷ đồng lên đỉnh Am Tiên

Thanh Hóa sắp khởi công dự án cáp treo gần 3.000 tỷ đồng lên đỉnh Am Tiên

25 Apr, 08:43 AM

Kinhtedothi – Một công trình hạ tầng du lịch tầm cỡ sắp hiện diện trên đỉnh non thiêng Am Tiên, khi Thanh Hóa vừa phê duyệt dự án khu dịch vụ thương mại và cáp treo với tổng vốn đầu tư gần 3.000 tỷ đồng. Dự án được kỳ vọng không chỉ tạo nên diện mạo mới cho điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của huyện Triệu Sơn mà còn mở ra động lực phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ cho khu vực phía Tây tỉnh.

Ngành xây dựng “nâng chất”, tạo lợi thế cạnh tranh

Ngành xây dựng “nâng chất”, tạo lợi thế cạnh tranh

24 Apr, 09:53 PM

Kinhtedothi - Các chuyên gia trong ngành nhìn nhận, chuyển đổi số không phải là mục tiêu, mà là công cụ để nâng cao năng suất, minh bạch và khả năng thích ứng của ngành xây dựng. Nếu Việt Nam muốn xây dựng hạ tầng tầm khu vực và toàn cầu, thì “xây dựng số” cần đi song hành với “xây dựng cứng”.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ