Nhà nước nên tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù không muốn, song việc tăng giá điện là không tránh khỏi. Việc tác động đến người dân, DN đã được các chuyên gia nhìn nhận, đánh giá, đưa ra giải pháp xung quanh vấn đề này.

Qua đợt công bố chi phí giá thành điện vừa rồi, ngành điện đang chịu khoản lỗ rất lớn sau 4 năm không được điều chỉnh kể từ lần gần nhất hồi tháng 3/2019. Tuy nhiên, khoan bàn về khoản lỗ, vấn đề là giá tăng sẽ tác động như thế nào tới toàn xã hội.

Hiện giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 4/5/2023. Mức điều chỉnh này tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành, tức mỗi kWh tăng thêm gần 56 đồng.

Việc giá điện tăng sẽ gây áp lực lớn đến thị trường. Ảnh: Phạm Hùng
Việc giá điện tăng sẽ gây áp lực lớn đến thị trường. Ảnh: Phạm Hùng

Việc tăng 3% giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 4/5, rõ thấy nhất là sự tác động giá vốn hàng bán một số DN. Nhóm chuyên gia chứng khoán Mirae Asset chỉ ra một số ngành sản xuất sử dụng nhiều điện có thể ảnh hưởng tiêu cực: xi măng, hóa chất, luyện kim (thép), giấy...

Ước tính, chi phí điện chiếm khoảng 9 - 10% giá vốn hàng bán đối với DN sản xuất thép, hóa chất. Riêng lĩnh vực xi măng chiếm khoảng 14 - 15% trên giá vốn hàng bán, trừ những DN lớn có lò quay xi măng, chi phí điện chiếm khoảng 9 - 10% giá vốn hàng bán.

Với DN sản xuất giấy, ước tính chi phí điện chiếm tỷ trọng thấp hơn một vài ngành khác, chiếm trung bình 4 - 5% trên chi phí bán hàng và chi phí quản lý DN.

Giả định, nếu chi phí điện tăng thêm, DN không thể chuyển tiếp sang người tiêu dùng. Nhóm chuyên gia ước tính, chi phí điện tăng 3% làm cho giá vốn hàng bán tăng thêm, tổng lợi nhuận trước thuế sẽ giảm. Trong đó, lợi nhuận trước thuế ngành thép giảm 15%, giấy giảm 2%, xi măng giảm 13%, hóa chất giảm 1%.

TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê cho rằng, điện được dùng trong hầu hết các hoạt động và tiêu dùng của nền kinh tế, việc tăng giá điện sẽ làm tăng chi phí sản xuất, làm giảm năng lực cạnh tranh của sản phẩm trong nước, giảm chi tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình.

Tăng giá điện sẽ gây áp lực khá lớn lên lạm phát và làm giảm tăng trưởng kinh tế. Việc tăng giá điện đang đặt các nhà quản lý vào thế "tiến thoái lưỡng nan" trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 với tăng trưởng 6,5%, kiểm soát lạm phát 4,5%.

Thực tế cho thấy, tiền điện tăng là một áp lực lớn cho người dân, DN. Cùng đó, mức tăng trên sẽ tác động làm tăng CPI trực tiếp vòng 1 là 1,099%, vòng 2 là 0,18%.

Đánh giá về vấn đề này, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, chúng ta đang áp dụng biểu giá điện sinh hoạt 6 bậc lũy tiến, với nguyên tắc dùng càng nhiều, càng phải tăng bậc với giá cao hơn. Đương nhiên tiền điện sẽ phải trả nhiều hơn. Mặt khác, những tháng nắng nóng, thông thường tiền điện tiêu thụ thường tăng nhiều hơn tháng bình thường gấp 2 lần.

Với những tác động khi điều chỉnh tăng giá điện, một số chuyên gia kinh tế khuyến nghị, Nhà nước nên tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Theo đó, cần triển khai những giải pháp tổng thể để kiểm soát, bình ổn mặt bằng giá, ngăn ngừa tác động của việc điều chỉnh giá điện đến mặt bằng giá của nền kinh tế với hàng hóa, dịch vụ khác mà sử dụng sản phẩm điện, tránh tình trạng lợi dụng việc tăng giá điện để đẩy giá, ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát.

TS Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận, vấn đề lâu dài phải có thị trường điện cạnh tranh, thay vì Nhà nước điều tiết giá bán lẻ như hiện nay, đơn vị bán lẻ và khách hàng thỏa thuận theo hợp đồng, không có sự can thiệp của Nhà nước.

“Vấn đề không phải ở các mức điều chỉnh tăng 1%, 3% hay 5%... mà quan trọng là xây dựng thị trường điện cạnh tranh. Khi có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, EVN sẽ không còn độc quyền ở khâu bán lẻ điện, người dân sẽ được mua điện của nhiều nhà cung cấp với giá đàm phán. Nhà bán lẻ điện cũng sẽ phải tự cân đối, cạnh tranh về giá, chất lượng phục vụ có lợi nhất để thu hút khách hàng" - chuyên gia này nhấn mạnh.

Theo TS Nguyễn Bích Lâm, để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm và đặt thành nhiệm vụ hàng đầu đó là đồng hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho DN, tăng cường tìm kiếm thị trường, tìm kiếm đơn hàng; xử lý khó khăn về vốn, khả năng thanh khoản và lao động cho DN.

Cộng đồng DN cần phát huy tinh thần chủ động, linh hoạt, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện duy trì và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa.

Dự báo các loại nguyên, nhiên vật liệu có thể thiếu hụt để kịp thời có giải pháp khắc phục, cắt giảm chi phí sản xuất. Đa dạng và bảo đảm nguồn cung cho sản xuất của từng nhóm nguyên vật liệu của mỗi ngành để không phụ thuộc vào một thị trường, một khu vực.

“Trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, khi điều chỉnh giá điện buộc các DN, hộ gia đình ngay lập tức phải điều chỉnh, cơ cấu lại chi phí, thực hành tiết kiệm điện, cùng chia sẻ khó khăn với ngành điện và Chính phủ. Đồng thời chúng ta cần thúc đẩy quá trình đầu tư chuyển đổi năng lượng, tăng tỷ trọng điện thương phẩm từ năng lượng tái tạo” - TS Nguyễn Bích Lâm nói.

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần