Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, đại biểu Nguyễn Thị Phương Thảo - Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND; đại biểu Trần Hoàng Vĩnh - Trưởng Phó Ban kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đặt vấn đề liên quan đến lĩnh vực nhà ở xã hội. Đồng thời, đề nghị Sở Xây dựng cho biết về định hướng, giải pháp để phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân, nhất là công nhân ở các KKT, KCN.
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Công Hoàng - Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, theo chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt, đến năm 2020 nhà ở xã hội là 11.143 căn nhà, trong đó nhà ở cho học sinh - sinh viên là 600 căn, nhà ở cho người nghèo khu vực nông thôn 6.120 căn, nhà ở cho công nhân lao động là 300 căn, nhà ở phòng tránh bão là 1.144 căn, nhà ở cho người có công là 2.479 căn, nhà ở xã hội cho đối tượng khác là 500 căn.
Đến năm 2030, nhà ở xã hội là 7.600 căn, trong đó nhà ở cho học sinh - sinh viên là 1.000 căn, nhà ở cho công nhân lao động là 1.600 căn, nhà ở xã hội cho đối tượng khác là 5.000 căn.
Riêng đối với nhà ở cho công nhân, đến nay, trên địa bàn KKT Dung Quất, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng các khu nhà ở, đưa vào sử dụng để phục vụ cho công nhân lao động đang làm việc tại doanh nghiệp như: Hòa Phát Dung Quất, nhà máy lọc dầu Dung Quất, Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất...
Đối với nhà ở cho người thu nhập thấp, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang thực hiện đầu tư dự án nhà ở xã hội tại Khu đô thị mới Vạn Tường thuộc xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, với quy mô sử dụng đất dự án 87.500m2, tổng số căn hộ là 532 căn (tương đương 74.480m2 sàn). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, do vướng mắc thủ tục về bồi thường, đất đai,… nên chưa được tiếp tục triển khai thực hiện.
Về giải pháp phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới, theo Giám đốc Sở Xây dựng, hiện đang đang phối hợp với các đơn vị liên quan để tiến hành khảo sát, đánh giá nhu cầu thực tế về nhà ở xã hội để đưa vào chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, làm cơ sở kêu gọi các nhà đầu tư triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ngoài ra, trong các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị được UBND tỉnh cấp Quyết định chủ trương đầu tư trên địa bàn TP Quảng Ngãi đã bố trí quỹ đất nhà ở xã hội nhưng đang gặp vướng mắc trong quá trình lập thủ tục đầu tư dự án.
Về vấn đề này, ông Ngô Văn Trọng - Trưởng ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi cũng đã trao đổi, làm rõ thêm việc thực hiện các dự án nhà ở cho công nhân trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Trọng, hiện nay toàn tỉnh có hơn 65.000 công nhân, tập trung nhiều nhất ở huyện Bình Sơn và TP Quảng Ngãi, nhu cầu nhà ở rất lớn. Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp lớn trên địa bàn KKT Dung Quất đã đầu tư xây dựng các khu nhà ở đưa vào sử dụng để phục vụ cho khoảng 4.500 công nhân lao động đang làm việc tại doanh nghiệp. Song, chỉ mới đáp ứng một phần so với nhu cầu thực tế của công nhân lao động.
Trong khi đó, hiện nay, 8 dự án với quy mô 50ha để xây dựng nhà ở công nhân lại đang vướng mắc về cơ chế chính sách, tiến độ giải phóng mặt bằng cần được quan tâm tháo gỡ trong thời gian tới.
“Trong bối cảnh nguồn ngân sách gặp nhiều khó khăn như hiện nay, ban khuyến khích doanh nghiệp đưa đón công nhân từ địa phương đến nơi làm việc để giảm áp lực về nhu cầu nhà ở; khuyến khích các hộ dân đầu tư xây dựng các nhà trọ cho công nhân”, ông Trọng nói.
Theo bà Bùi Thị Quỳnh Vân- Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi, nhà ở xã hội là vấn đề không mới, đã từng được HĐND đưa ra chất vấn trước đây. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát, kiểm tra thực tế tại các khu vực phòng trọ của công nhân, ngành chức năng mới phát hiện ra nhiều vấn đề bất cập.
“Hiện Quảng Ngãi đang phát triển mạnh công nghiệp, thu hút nhiều lao động. Nhà ở xã hội cho công nhân, lao động là vấn đề cần được quan tâm. Do đó, trong quá trình triển khai và quy hoạch phải đảm bảo, có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa các sở, ngành. Đồng thời, các địa phương cũng phải tích cực tham gia, tuyệt đối không thể đứng ngoài vấn đề này”, bà Bùi Thị Quỳnh Vân nói.