Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhà vua Bhumibol Adulyadej băng hà Thái Lan đối mặt với nhiều bất ổn

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej băng hà hôm 13/10, dự kiến không chỉ gây tác động mạnh tới chính trường mà còn cả nền kinh tế trong nước.

 Người dân Thái Lan tiếc thương cho sự ra đi của Nhà vua Bhumibol Adulyadej.

Việc Thủ tướng Prayuth Chan-ocha tuyên bố quốc tang trong một năm và cấm các hoạt động giải trí trong 30 ngày sau khi Nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej - vị quân vương trị vì lâu nhất thế giới băng hà hôm 13/10, dự kiến không chỉ gây tác động mạnh tới chính trường mà còn cả nền kinh tế trong nước.

Ngay sau khi thông tin Nhà vua Bhumibol Adulyadej băng hà được công bố, một số hãng hàng không châu Á, các nhà đại lý du lịch… tỏ ra “cảnh giác” trước nguy cơ tụt giảm của ngành du lịch Thái Lan. Theo đó, chính quyền Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã ban hành lệnh cấm tổ chức các sự kiện vui chơi, giải trí trong vòng 30 ngày, đồng thời quốc tang trong một năm để thể hiện lòng tôn kinh với vị vua đáng kính của họ. Được biết, các trường học và DN sẽ đóng cửa trong vài ngày tới. Như vậy, việc đóng cửa tạm thời các DN và bộ ban ngành có thể gây ra những tác động tiêu cực đến nền kinh tế vốn đang chật vật của Thái Lan, đặc biệt khi mùa du lịch cao điểm sắp bắt đầu.

Hiện, một số công ty du lịch trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang cố gắng nắm bắt tình hình để đưa ra những giải pháp nhằm giảm bớt “nguy cơ” đối với DN. Một số chuyên gia nhận định, bây giờ còn quá sớm để đưa ra đánh giá cụ thể đối với những thiệt hại mà ngành du lịch Thái Lan sẽ phải đối mặt. Tuy nhiên, bất kỳ hạn chế về mặt vui chơi trong một năm quốc tang có thể khiến các khu nghỉ mát nổi tiếng tại Thái Lan “kém hấp dẫn” trong mắt du khách. Xứ Chùa vàng từ lâu đã trở thành điểm đến yêu thích của du khách châu Âu và châu Á bởi giá thành hợp lý. Theo đó, ngành du lịch chiếm khoảng 10% tổng sản phẩm quốc nội của Thái Lan.

Việc Nhà vua Thái Lan băng hà đã giáng mạnh vào chính sách xoay trục tại châu Á mà Tổng thống Mỹ Barack Obama theo đuổi, trong bối cảnh chính sách này đang gặp nhiều trở ngại. Trên thực tế khi công bố chính sách xoay trục vào năm 2011, ông Obama nhận được sự ủng hộ của nhiều nước, bao gồm Thái Lan, nhà lãnh đạo mới tại Malaysia, cựu Tổng thống Aquino của Philippines, người có khuynh quốc tế và rất cởi mở với Mỹ. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, cả hai ứng viên Tổng thống Mỹ đều phản đối Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - trụ cột kinh tế chính trong chiến lược của Washington ở châu Á. Đồng thời, việc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố theo đuổi chính sách phát triển độc lập với Mỹ và xây dựng quan hệ đồng minh mới với Trung Quốc cũng làm chính sách xoay trục “rơi vào thế bí” khi ông Obama không còn nhiều thời gian ở trong Nhà Trắng.

Trong xã hội bị chia rẽ sâu sắc bởi quan điểm chính trị, giai cấp tại Thái Lan, Nhà vua Bhumibol Adulyadej đã trở thành một biểu tượng của sự ổn định, bền vững trong lòng mọi người dân. Chính sự tôn kính tuyệt đối này đã gây ra áp lực và sức ép với Thái tử Maha Vajiralongkorn và khiến giai đoạn để người kế nhiệm đăng quang kéo dài từ vài tháng đến cả năm có thể đẩy Thái Lan đối mặt với rất nhiều nguy cơ bất ổn mới.