Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace lạc quan rằng Ukraine có thể giành lại quyền kiểm soát bán đảo Crimea trong năm nay.
Trong cuộc phỏng vấn được Washington Post đưa tin, ông Wallace có nhận định trái ngược với một số quan chức NATO vì cho rằng lực lượng Nga sẽ "cạn kiệt trang thiết bị cần thiết".
Theo các tài liệu tình báo bị rò rỉ hồi đầu năm, giới chức tình báo Mỹ cho rằng, những thách thức về nhân lực và thiết bị có thể khiến Ukraine chỉ đạt được những bước tiến khiêm tốn nếu nước này bắt đầu chiến dịch phản công để giành lại các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát.
Chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky nhiều lần khẳng định sẽ khôi phục toàn bộ lãnh thổ, bao gồm cả Crimea. Trong bài phát biểu hôm 15/4, ông Zelensky cam kết Ukraine sẽ giành lại Crimea và tất cả các vùng lãnh thổ Nga kiểm soát ở Ukraine, bao gồm các nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk, Zaporozhye và Kherson, được sáp nhập vào Nga tháng 10/2022 sau các cuộc trưng cầu ý dân.
Tuy nhiên, giới quân sự phương Tây hoài nghi về khả năng của Kiev giành lại Crimea trong tương lai gần. Một số nhà phân tích nhận định, trong cuộc phản công sắp tới, Kiev có thể cân nhắc phương án đẩy lùi được lực lượng Nga khỏi Zaporozhye ở miền Nam, tiến công về thành phố Melitopol và cô lập Crimea.
Ông William Courtney, cựu quan chức ngoại giao Mỹ nói rằng Ukraine khó giành lại Crimea ngay cả khi có sự hỗ trợ vũ khí hiện đại của phương Tây. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ - tướng Mark Milley, cho rằng xác suất Kiev giành được Crimea trong tương lai gần là không cao.
Hồi tháng 4 vừa qua, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Andrey Zagorodnyuk cũng thừa nhận hầu hết các chính trị gia, nhà phân tích Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) không tin Ukraine có khả năng hoàn thành cam kết giành lại lãnh thổ Crimea từ Nga.
Về phần mình, Nga cảnh báo sẽ triển khai phương tiện sẵn có, kể cả vũ khí hạt nhân, để bảo vệ Crimea nếu Kiev tìm cách kiểm soát vùng lãnh thổ này.
"Nếu có bất cứ cuộc tấn công nghiêm trọng nào có liên quan đến nỗ lực (của Ukraine) giành lại Crimea, thì đó sẽ là cơ sở để Nga sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ vùng lãnh thổ này, bao gồm cả răn đe hạt nhân" - Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết hôm 24/3.
Crimea đã bỏ phiếu áp đảo để gia nhập Nga vào năm 2014, sau một cuộc đảo chính do phương Tây hậu thuẫn ở Kiev.
Cũng trong bài trả lời phỏng vấn Washington Post, Bộ trưởng Quốc phòng Anh đã đề cập đến những quan điểm khác biệt về con đường gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Kiev. Theo ông Wallace, NATO - giống như EU - không nên lặp lại những sai lầm trong quá khứ khi hứa hẹn quá mức với những nước đang mong muốn gia nhập như Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh cho biết, các nước phương Tây vẫn ủng hộ việc cung cấp vũ khí và viện trợ cho Ukraine mà không gây áp lực buộc các nhà lãnh đạo ở Kiev phải đàm phán với Nga hoặc nhượng bộ.
"Trên thực tế, tất cả chúng ta đều đang cạn kiệt các thiết bị quốc phòng để viện trợ (cho Ukraine), nghĩa là Anh và các nước khác buộc phải mua nhiều vũ khí hơn, thay vì lấy từ kho dự trữ quốc gia để viện trợ", ông Wallace thừa nhận.