Theo thống kê, toàn TP hiện có 14 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Cụ thể, quận Hà Đông có 6 điểm, thị xã Sơn Tây 1 điểm, quận Bắc Từ Liêm 2 điểm, huyện Gia Lâm 1 điểm, huyện Thanh Trì 1 điểm, quận Tây Hồ 1 điểm, huyện Quốc Oai 1 điểm và quận Cầu Giấy 1 điểm. Hàng hóa bày bán trong các điểm giới thiệu đều là các sản phẩm được UBND TP Hà Nội chứng nhận đạt từ 3 sao OCOP trở lên, tập trung vào các nhóm ngành hàng đặc trưng, có thế mạnh của Hà Nội như lụa tơ tằm, thực phẩm tươi sống, rau củ quả an toàn… Đặc biệt là các mặt hàng thủ công mỹ nghệ được cấp chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP hiện đều được quản lý, giám sát chặt chẽ về nguồn gốc hàng hóa, bảo đảm các yêu cầu về an toàn chất lượng. Qua đó, dần trở thành những địa chỉ đáng tin cậy cho người tiêu dùng Thủ đô.
Để đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm OCOP, trong năm 2021, UBND TP Hà Nội chủ trương phát triển mới từ 30 - 40 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Điểm mới trong kế hoạch này của các điểm sẽ cố gắng để gắn kết với hoạt động du lịch làng nghề, du lịch nông thôn.
TP Hà Nội đặc biệt chú trọng đến vai trò của các quận, huyện, thị xã trong việc phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Theo đó, TP đang chỉ đạo các địa phương tập trung vào việc hướng dẫn DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đăng ký các địa điểm phù hợp theo quy định. Đồng thời, đề nghị các địa phương bố trí kinh phí hỗ trợ nhân rộng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, bảo đảm việc duy trì có hiệu quả các địa điểm.Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, trên cơ sở đề xuất của các quận, huyện, thị xã, đơn vị sẽ phối hợp cùng các sở, ngành có liên quan khảo sát, lựa chọn các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Tổ chức lễ khai trương cũng như đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thương mại nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy phát triển các sản phẩm OCOP.