70 năm giải phóng Thủ đô

Nhận sai tại Australia chưa lâu, Facebook tiếp tục chặn báo chí Nga

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơ quan Giám sát Truyền thông, Công nghệ Thông tin và Truyền thông Đại chúng của Nga (Roscomnadzor) mới đây đã yêu cầu Facebook khôi phục quyền truy cập vào các bài viết từ loạt hãng tin của nước này, ít tuần sau khi mạng xã hội lớn nhất thế giới ngang nhiên chặn nội dung tin tức của Australia trên nền tảng của mình.

"Roscomnadzor đã gửi thư cho ban lãnh đạo Facebook để yêu cầu khôi phục quyền truy cập vào thông tin được đăng trên các tài khoản chính thức của các phương tiện truyền thông đại chúng Nga gồm Vzglyad, RBC và TASS", cơ quan giám sát cho biết trên kênh Telegram của họ hôm 8/3.
Roscomnadzor cũng nhấn mạnh rằng, hành động của Facebook "vi phạm các nguyên tắc chính về phổ biến thông tin tự do, quyền truy cập không bị cản trở và có thể được hiểu như một hành động kiểm duyệt trái phép".
Cơ quan giám sát của Nga nhắc nhở, vi phạm quyền tiếp cận thông tin tự do tại nước này có thể bị phạt hành chính 1 triệu ruble (13.450 USD), và lên đến 3 triệu ruble (40.350 USD) trong trường hợp tái phạm.
Trước đó, Facebook được báo cáo đã chặn một bài đăng trên hãng thông tấn TASS về việc phủ nhận thông tin chính quyền đã giam giữ những người ủng hộ một nhóm thanh niên cực đoan người Ukraine ở Voronezh, Nga.
Bài đăng được viết trên cơ sở một thông cáo báo chí chính thức từ Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) và Ủy ban Điều tra Nga. TASS khẳng định rằng hãng đưa thông tin chính xác, và có kế hoạch yêu cầu Facebook giải thích về hành động chặn thông tin này.
Bản tin TASS ngày 18/2 cho biết, FSB đã khai thác các hoạt động của những người ủng hộ một nhóm thanh niên cực đoan Ukraine, liên quan đến việc tuyên truyền tư tưởng của chủ nghĩa phát-xít mới và kích động thảm sát.
Facebook cho biết bài đăng đã bị loại bỏ theo yêu cầu từ dịch vụ xác minh thông tin xác thực của Ukraine là StopFake.
Vào tháng 3/2016, Facebook bắt đầu thử nghiệm nhiều cách khác nhau để chống lại tin tức giả mạo - "fake news" - trong đó bao gồm một tùy chọn là "báo cáo tin tức giả mạo tiềm năng". Các bài đăng như vậy được người dùng báo cáo để các tổ chức là bên thứ 3 xác minh.
Ngày 27/3/2020, Facebook đã khởi động một chương trình kiểm tra thực tế nội dung ở Ukraine. Các tổ chức như Ucraina VoxCheck và StopFake đã được chọn làm đối tác.
Tương tự phản ứng của TASS trước quyết định của Facebook, RBC, Vedomosti và NTV cũng cho biết họ sẽ yêu cầu Facebook giải thích, và đề xuất Roscomnadzor xem xét tình huống này.
Đáng nói, động thái của Facebook tại Nga diễn ra chỉ ít tuần sau khi "gã khổng lồ" mạng xã hội ngày 18/2 đã chặn tất cả các nội dung tin tức của Australia trên nền tảng của mình nhằm phản đối đạo luật mới của Chính phủ Canberra, trong đó yêu cầu các nền tảng kỹ thuật số trả tiền cho các liên kết đến báo chí.
Đối mặt với làn sóng chỉ trích gay gắt trên khắp thế giới về vi phạm tự do ngôn luận, chống độc quyền..., Facebook hôm 23/2 thừa nhận sai lầm khi phong tỏa tin tức tại Australia, hứa đảo ngược lệnh cấm tin tức, đồng thời cam kết chi ít nhất 1 tỷ USD cho ngành công nghiệp tin tức Australia trong 3 năm tới.