Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày 9/8, chỉ số S&P 500 cộng 0,47% lên 5.344,16 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,51% lên mức 16.745,30 điểm, còn Dow Jones nhích 51 điểm (tương đương 0,13%) lên 39.497,54 điểm.
Tuy nhiên, tính chung trong tuần, chỉ số S&P 500 vẫn giảm 0,04%. Hai chỉ Dow Jones và Nasdaq Composite lần lượt sụt 0,6% và 0,18% trong tuần qua.
Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall vừa chứng kiến tuần giao dịch biến động nhất trong năm nay. Trước đó, trong ngày 5/8, chỉ số Dow Jones lao dốc hơn 1.000 điểm, còn S&P 500 mất 3%, ghi nhận phiên giao dịch tệ nhất kể từ tháng 9/2022
Dữ liệu việc làm yếu hơn dự báo và lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục trì hoãn kế hoạch hạ lãi suất là nguyên nhân chính gây ra đợt bán tháo trên thị trường cổ phiếu.
Ngoài ra, việc các quỹ đầu cơ đóng giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade) sử dụng yen Nhật cũng được coi là một nguyên nhân.
Tại mức thấp nhất trong phiên 5/8, chỉ số S&P 500 đã giảm gần 10% so với đỉnh lịch sử vừa ghi nhận trước đó khoảng vài tuần. Chỉ số Nasdaq Composite cũng mất hơn 10% và rơi vào vùng điều chỉnh.
Chỉ số biến động CBOE (VIX) đã đạt đến mức cao nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Tuy nhiên, đến ngày thứ Sáu, các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ tăng điểm phiên thứ hai liên tiếp nhờ báo cáo số đơn xin trợ cấp hàng tuần khả quan hơn, giúp xoa dịu mối lo của thị trường về sức khỏe nền kinh tế Mỹ.
Theo báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 8/8, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã giảm xuống mức 233.000, thấp hơn dự kiến và mang lại tín hiệu tích cực cho thị trường lao động Mỹ. Con số này đã giảm 17.000 đơn so với tuần trước đó và thấp hơn mức dự báo 240,000 đơn của Dow Jones.
Trước đó, S&P 500 đã tăng 2,3% trong ngày 8/8 và ghi nhận phiên giao dịch tốt nhất kể từ cuối năm 2022. Dow Jones cũng nhảy vọt 683 điểm, còn Nasdaq Composite cộng gần 2,9%.
Theo đài CNBC, giới đầu tư đẩy mạnh mua cổ phiếu khi giá giảm, với kỳ vọng rằng sẽ không có cuộc khủng hoảng hoặc suy thoái nào trong thời gian sắp tới.
Không chỉ có thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu cũng trải qua một tuần biến động. Trong ngày 9/8, lãi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có thời điểm giảm xuống dưới 3,7% trước khi phục hồi lên ngưỡng 4% ở cuối phiên phiên 8/8.
Theo Giám đốc điều hành Jay Hatfield của Công ty Capital Advisors, biến động mạnh là một nét đặc trưng của chứng khoán Mỹ vào thời điểm cuối mùa hè, khi không có nhiều thông tin kinh tế vĩ mô và mùa báo cáo tài chính bắt đầu khép lại.
Vị chuyên gia này cho rằng đợt biến động đó không phải là chỉ báo về một nền kinh tế đang xấu đi, mà chủ yếu do sự điều chỉnh vị thế của các quỹ phòng hộ thay vì các nhà đầu tư dài hạn.
“Bán tháo rồi hồi phục là diễn biến bình thường của thị trường trong tháng 8 và tháng 9. Ngoài ra, biến động này còn do khối lượng giao dịch trên thị trường ở mức thấp và các quỹ phòng hộ điều chỉnh vị thế… Biến động đó không ảnh hưởng gì đến dự báo của chúng tôi về dài hạn” - ông Hatfield lưu ý thêm.
Trong khi đó, ngân hàng Mỹ UOB ngày 9/8 đã khuyến nghị nhà đầu tư hãy bình tĩnh và tiếp tục theo dõi, và đừng để bị cuốn theo các cơn lốc của thị trường.
UOB đánh giá rằng, dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy sự kết hợp giữa hoạt động kinh tế Mỹ đang hạ nhiệt và thị trường lao động đang yếu đi, cùng với việc lạm phát tiếp tục giảm, đủ để bảo đảm cho kịch bản Fed sẽ bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách vào tháng 9.
“Do đó, tình trạng bán tháo và hoảng loạn trên thị trường tài chính toàn cầu trong vài ngày qua là quá mức và dường như tách biệt khỏi các yếu tố cơ bản, vốn vẫn chưa cho thấy bất kỳ sự suy giảm lớn nào dựa trên dữ liệu và bằng chứng có sẵn" - chuyên gia trưởng về đầu tư Solita Marcelli của UOB nhận định.