Nhân tố quan trọng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiến dịch không kích xung tăng cường của Mỹ quanh thị trấn Kobani của Syria nhằm giải vây cho thị trấn này khỏi sự kiểm soát của lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã được tiến hành từ tuần trước nhưng liên quân quốc tế vẫn chưa giành được lợi thế cho đến khi chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ quyết định gia nhập "cuộc chơi".

Chỉ vài giờ sau khi chiến đấu cơ của Mỹ lần đầu tiên thả vũ khí cho các chiến binh người Kurd ở Kobani, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ hôm 20/10 đã tuyên bố sẽ hỗ trợ người Kurd để tăng cường sức chiến đấu cho TP này, Ankara còn nhanh chóng mở hành lang trung chuyển vũ khí và chiến binh ở biên giới với Syria. Động thái này được cho là nhằm xoa dịu những bất đồng với Washington về nỗ lực ngăn chặn IS ở Kobani. Và, giữa lúc khả năng thị trấn Kobani có thể thất thủ và rơi vào tay IS, thì những nỗ lực hỗ trợ người Kurd của Mỹ và đồng minh, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ được kỳ vọng sẽ giúp lực lượng tự vệ ở địa phương tiếp tục kháng cự giành quyền kiểm soát hoàn toàn thị trấn. Tuy nhiên, IS đã chứng tỏ mình là một đối thủ khó chịu khi phát động một cuộc tấn công bằng vũ khí hạng nặng trên tất cả các mặt trận tại Kobani, đồng thời thực hiện các vụ tấn công liều chết ở phía Bắc thị trấn nhằm cắt mối liên hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.
Khói bốc lên từ thị trấn Kobani ở Syria sau cuộc không kích do liên minh do Mỹ dẫn đầu đánh phá các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo tự xưng.  Ảnh: AP
Khói bốc lên từ thị trấn Kobani ở Syria sau cuộc không kích do liên minh do Mỹ dẫn đầu đánh phá các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Ảnh: AP
Trong khi đó, Ai Cập - một đồng minh quan trọng khác của Mỹ lại khéo léo từ chối khả năng trực tiếp tham dự lực lượng đối phó với IS. Lấy cớ tập trung ổn định tình hình trong nước, Thủ tướng Ibrahim Mehleb hôm 20/10 cho biết, nước này không có kế hoạch hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Mỹ trong cuộc chiến chống lại IS. Có lực lượng quân đội lớn nhất và nhiều kinh nghiệm chiến đấu tại Trung Đông, Ai Cập từng được Washington tin tưởng sẽ là thành tố quan trọng trong nỗ lực tiêu diệt IS, nhưng chính quyền Cairo đã thực hiện một bước đi được cho là khôn ngoan khi đang phải "giải mã" các cuộc tấn công liều chết của các tay súng Hồi giáo ở bán đảo Sinai.

Sau khi nhận được sự hỗ trợ từ Thổ Nhĩ Kỳ nhưng bị Ai Cập từ chối, việc Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Indonesia tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống Widodo được cho là nhằm thực hiện mục tiêu tìm kiếm thêm đồng minh tại Đông Nam Á trong cuộc chiến chống IS. Vì thế, không ngạc nhiên khi nội dung chính trong các cuộc gặp song phương của Ngoại trưởng John Kerry với tân Tổng thống Indonesia Widodo, Thủ tướng Malaysia và Singapore, Quốc vương Brunei, Thủ tướng Australia và Ngoại trưởng Philippines đều xoay quanh các biện pháp ngăn IS tuyển mộ chiến binh từ Đông Nam Á, ngăn công dân đã gia nhập IS trở về nước và chặn nguồn hỗ trợ tài chính của chúng. Ngoại trưởng Mỹ đã hối thúc các quốc gia Đông Nam Á hành động tích cực hơn nữa, đặc biệt là trên các lĩnh vực mà Washington tin rằng, các quốc gia còn có thể đóng góp nhiều hơn trong chiến dịch chống IS.

Chưa rõ cuộc chiến chống IS sẽ có kết quả ra sao nhưng nỗ lực tìm kiếm sự hỗ trợ để đẩy lùi IS được cho là "canh bạc" của chính quyền Tổng thống Barack Obama trong bối cảnh cuộc chiến chống khủng bố sẽ tác động rất lớn đến cuộc bầu cử tại Quốc hội Mỹ vào đầu tháng 11 tới. Chỉ có điều, sự xuất hiện của Thổ Nhĩ Kỳ - nhân tố quan trọng trong cuộc chiến chống IS chưa chắc đã phải là nhân tố quyết định giúp ông Obama chiến thắng trong "canh bạc" này.