Giảm tối đa thời gian, chi phí giải quyết thủ tục hành chính
Chánh Văn phòng Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Bá Lực cho biết, nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí tối đa cho doanh nghiệp, người dân, lãnh đạo Sở đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc chú trọng xây dựng cơ chế liên thông trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC). Đồng thời đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, song song với rà soát cắt giảm quy định kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp ủy quyền và đơn giản hóa TTHC nội bộ.
Từ năm 2021 đến nay Sở đã tham mưu Chủ tịch UBND TP ban hành 12 quyết định công bố danh mục TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Sở, 8 quyết định phê duyệt quy trình nội bộ thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở, cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP.
Đáng chú ý, trong năm 2021, Sở đã kịp thời tham mưu Chủ tịch UBND TP ban hành quyết định về thông qua phương án đơn giản hóa 22 TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Sở (thuộc 4 cấp từ Trung ương đến xã). Trong đó, 20 TTHC giảm từ 1 đến 3 ngày làm việc so với quy định và 2 TTHC giảm thành phần, số lượng hồ sơ; chi phí ước tính tiết kiệm tới 2,2 triệu đồng/năm.
Năm 2022, việc rà soát, đánh giá tiếp tục được các đơn vị thuộc Sở chủ trì thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, hiệu quả và lãnh đạo Sở quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, đảm bảo tiến độ. Kết quả sau rà soát, các đơn vị đề xuất đơn giản hóa đối với 13/13 TTHC được tiến hành rà soát đánh giá, từ đó đã đơn giản được 1 thành phần hồ sơ, rút ngắn được 1 ngày làm việc so với quy định.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Sở đã kịp thời tham mưu trình và được UBND TP Hà Nội thông qua phương án đơn giản hóa đối với 34 TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở, trong đó có 31 TTHC giảm từ 0,5 đến 8 ngày làm việc so với quy định, 3 TTHC giảm được thành phần và số lượng hồ sơ. Ước tính chi phí tiết kiệm được với 3 TTHC này là gần 1,6 triệu đồng/năm.
Song song đó, Sở đã tham mưu Chủ tịch UBND TP tháng 4/2023 ban hành Quyết định về phê duyệt phương án tái cấu trúc quy trình giải quyết các TTHC lĩnh vực LĐTB&XH được lựa chọn xây dựng dịch vụ công trực tuyến tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở LĐTB&XH, UBND cấp huyện và UBND cấp xã trên địa bàn TP, bao gồm 19 TTHC. Trong đó, 11 quy trình giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền của Sở LĐTB&XH, 7 quy trình giải quyết thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện, 1 quy trình giải quyết thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã.
Không ngừng nâng cao sự hài lòng của người dân
Từ tháng 8/2021, Sở LĐTB&XH đã ban hành kế hoạch về cải thiện, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, để phù hợp tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp kéo dài, năm 2021 Sở đã có sáng kiến triển khai phương pháp khảo sát trực tuyến bằng Google Forms thông qua link liên kết hoặc quét mã QR nhằm rút ngắn thời gian thực hiện khảo sát, hạn chế tập trung đông người mà vẫn đảm bảo phản ánh trung thực, chính xác nội dung điều tra. Với 1.070 phiếu thu được, kết quả xác định chỉ số hài lòng đối với nhóm dịch vụ hành chính lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đạt 93,25%, việc làm - an toàn lao động 97,04%, bảo hiểm thất nghiệp 97,61%, tăng 2,45% so với năm 2020.
Trong năm 2022, đã có 5,294 phiếu đánh giá khảo sát của người dân, tổ chức được thực hiện trực tuyến, kết quả xác định chỉ số hài lòng đối với nhóm dịch vụ hành chính lĩnh vực khác tại Văn phòng Sở đạt 95,71%, bảo hiểm thất nghiệp 99,27%, tăng 1,66% so với năm trước.
Sang năm nay, Sở tiếp tục triển khai phương pháp khảo sát trực tuyến này tại bộ phận “Một cửa” Sở, Trung tâm dịch vụ việc làm và các điểm cung cấp DVC của Ban phục vụ lễ tang Hà Nội. Tính đến hết tháng 9 đã có 2.954 lượt tham gia ý kiến đánh giá sự hài lòng tại Sở. Lãnh đạo Sở tiếp tục chỉ đạo các bộ phận phân tích, tổng hợp báo cáo chi tiết kết quả khảo sát, cuối tháng 10/2023 hoàn thành.
Thực tế cho thấy, việc áp dụng phương pháp khảo sát trực tuyến so với phương pháp truyền thống bằng phiếu đã giúp rút ngắn thời gian thực hiện và tiết kiệm nhân lực cho việc chuẩn bị phiếu. Trước đây, Sở phải thành lập Tổ công tác từ 5 - 7 người để khảo sát 1.200 phiếu với thời gian chuẩn bị 3 - 5 ngày, xử lý phiếu từ 6 - 7 ngày làm việc, thì nay với dữ liệu thu được từ hệ thống, thời gian xử lý phiếu chỉ còn từ 2 - 3 ngày làm việc. Toàn bộ kết quả khảo sát được phần mềm tự động cập nhật, phân loại và xử lý. Sáng kiến này của Sở được TP đánh giá cao. Năm 2021, Chỉ số cải cách hành chính của Sở LĐTB&XH được xếp thứ hai và năm 2022 xếp thứ nhất trong số các sở, cơ quan ngang sở thuộc TP Hà Nội, tăng 6 bậc so với năm 2020.
Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân khẳng định, Sở luôn xác định nâng cao nhận thức của từ lãnh đạo đến toàn thể 3000 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Sở và các đơn vị trực thuộc, nếu không thực hiện tốt 2 chữ “nhẫn” (nhẫn nại) và “nhiệt” (nhiệt tình, nhiệt huyết) thì không hoàn thành được nhiệm vụ. Phương châm này cũng đã được lãnh đạo Sở quán triệt sâu sắc, đồng bộ trong mọi đơn vị, bộ phận để thời gian tới tiếp tục thực hiện hiệu quả nhất công tác cải cách hành chính, ngày càng mang lại sự hài lòng cao hơn cho người dân, doanh nghiệp.