Nhật Bản đối mặt đợt suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ năm 1945

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nền kinh tế Nhật Bản đang đối mặt nguy cơ rơi vào đợt suy giảm nghiêm trọng nhất kể từ sau năm 1945 trong khi nỗ lực ngăn chặn làn sóng dịch Covid-19 thứ hai.

Theo số liệu chính thức được công bố ngày 8/6, tăng trưởng kinh tế của nước này trong quý I bớt u ám hơn dự kiến ban đầu, song tác động sâu rộng từ cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 có thể đẩy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này tiếp tục rơi vào tình trạng suy thoái sâu trong quý II.
Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia hồi tháng 4 vừa qua do dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: Quang cảnh tại khu giải trí Kabukicho tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản hôm 5/6.
Báo cáo của Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản trong quý I năm nay đã giảm 0,6% so với quý cuối cùng năm ngoái, trong khi giới chức Nhật Bản trước đó dự báo kinh tế nước này sẽ giảm 0,9% trong quý I.
Kinh tế Nhật Bản đã rơi vào suy thoái trong quý I/2020, trong khi đó các nhà phân tích dự báo tiếp tục sụt giảm hơn 20% trong quý II/2020 khi Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia hồi tháng 4 vừa qua do dịch Covid-19 bùng phát, buộc người dân phải ở nhà và các DN dừng hoạt động.
Hầu hết nhà kinh tế cho rằng kinh tế Nhật Bản sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong những tháng tới khi các ảnh hưởng của những biện pháp hạn chế bắt đầu “càn quét” các hoạt động kinh tế của nước này một cách sâu rộng hơn.
Cũng có nhận định tương tự, chuyên gia kinh tế cao cấp Stefan Angrick tại Oxford Economics cho biết: “Phần lớn những tác động  từ đại dịch Covid-19 đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh sẽ diễn ra trong quý II và triển vọng phục hồi kinh tế trong nửa cuối năm nay còn nhiều thách thức”.
Một loạt dữ liệu gần đây bao gồm xuất khẩu, sản lượng nhà máy và số liệu việc làm cho thấy Nhật Bản đang đối mặt với nguy cơ sụt giảm kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ sau năm 1945 trong quý II khi nỗ lực ngăn chặn dịch Covid bùng phát trở lại.
Mặc dù tình trạng khẩn cấp đã được dỡ bỏ vào cuối tháng 5, song giới chức Nhật Bản kêu gọi người dân nước này ở nhà trong vài tuần tới khi dịch Covid-19 lên tới đỉnh điểm ở nước này, ảnh hưởng nhiều nhất tới thủ đô Tokyo.
Cũng trong ngày 8/6, Quốc hội Nhật Bản đã bắt đầu thảo luận về gói ngân sách bổ sung thứ hai, nằm trong chương trình kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử trị giá tới 1,1 ngàn tỷ USD nhằm đối phó với ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura nói rằng chính phủ nên tập trung hỗ trợ các DN đang gặp khó khăn thay vì nỗ lực thúc đẩy nhu cầu tổng thể trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. 
Trả lời phỏng vấn kênh Reuters hôm 8/6, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura nói rằng Nhật Bản nên tập trung hỗ trợ các DN đang gặp khó khăn thay vì nỗ lực thúc đẩy nhu cầu tổng thể trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cần tránh giảm sâu lãi suất vào vùng âm.
Nhận định trên của ông Yasutoshi Nishimura nhấn mạnh thách thức mà Nhật Bản phải đối mặt trong việc hỗ trợ một nền kinh tế đang rơi vào đợt suy giảm nghiêm trọng nhất kể từ sau năm 1945 trong khi nỗ lực ngăn chặn làn sóng dịch Covid-19 tái bùng phát. Bộ trưởng Nishimura cho rằng điều quan trọng nhất hiện nay của Nhật Bản là bảo vệ việc làm và hỗ trợ DN trụ lại trong giai đoạn dịch Covid-19.
Theo sáng kiến của ông Nishimura, Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng 2 gói kích thích kinh tế trị giá tổng cộng 2.200 tỷ USD để giảm thiểu ảnh hưởng kinh tế của dịch Covid-19.
Trong khi đó, BoJ hồi tháng 4/2020 cũng hỗ trợ kinh tế Nhật Bản phục hồi khi nới lỏng chính sách tiền tệ trong 2 tháng liên tiếp, tập trung vào các biện pháp giảm bớt tình trạng tài chính khó khăn của các DN.
Về vấn đề liệu BoJ sẽ tham gia những nỗ lực của Chính phủ Nhật Bản để bơm vốn vào các DN đang gặp khó khăn hay không, Bộ trưởng Nishimura cho rằng đây là một vấn đề mà chính phủ nước này có thể giải quyết và hy vọng BoJ đóng vai trò trong việc hỗ trợ các cơ quan tài chính đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính.