Điểm chung là hai nhà lãnh đạo đều đang tìm cách tăng cường hợp tác kinh tế và quân sự với Mỹ, đồng thời vẫn lưu tâm đến tầm quan trọng của việc giữ vững mối quan hệ với đối tác thương mại lớn nhất của họ, Trung Quốc.
Đối tác chung, vấn đề chung
Đó là một sự cân bằng tinh tế khi Washington và Bắc Kinh đang gia tăng cạnh tranh trên nhiều phương diện, từ việc cung cấp chip và công nghệ tiên tiến, đến vụ khinh khí cầu của Trung Quốc bị bắn hạ trên không phận Mỹ và quan hệ đối tác của Trung Quốc với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ngoài ra còn bài toán đối diện một Triều Tiên ngày càng hiếu chiến. Bình Nhưỡng đã thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa được cho là thiết kế để tấn công Mỹ, chỉ vài giờ trước khi hai nhà lãnh đạo tổ chức hội nghị thượng đỉnh ở Tokyo vào tháng 3.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đối tác như Seoul và Tokyo để áp đặt các biện pháp kiềm chế sâu rộng đối với việc bán thiết bị chip tiên tiến cho Trung Quốc trong nỗ lực cạnh tranh về công nghệ tiên tiến với Bắc Kinh.
Kak Soo Shin, cựu đại sứ Hàn Quốc tại Nhật Bản, cho biết những nỗ lực của Mỹ có thể là một yếu tố thúc đẩy Seoul và Tokyo khôi phục quan hệ. Các động lực khác cũng có thể bao gồm những lo ngại chung của hai bên về môi trường an ninh đầy biến động, chủ yếu là thách thức trong việc giải quyết mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên và một “Trung Quốc cưỡng ép”, theo nhà ngoại giao Shin.
Hai nhà lãnh đạo có khả năng thảo luận về các vấn đề xung quanh an ninh và các ngành công nghệ cao, cũng như khôi phục chính sách ngoại giao con thoi đã bị trật bánh hơn một thập kỷ trước do xích mích chính trị, văn phòng tổng thống Hàn Quốc cho biết.
Hội nghị thượng đỉnh chính thức giữa hai nhà lãnh đạo đã được tổ chức vào tháng 3 tại Tokyo lần đầu tiên sau 12 năm, sau đó là đối thoại an ninh vào tháng 4 và cuộc gặp giữa các bộ trưởng tài chính hai nước hồi tuần trước.
Ông Yoon từng bày tỏ việc ủng hộ chiến lược châu Á của Washington, bao gồm cả sáng kiến của Tổng thống Joe Biden nhằm tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Hồi tháng 3, Nhật Bản cho biết sẽ mở rộng các hạn chế đối với việc xuất khẩu 23 loại công nghệ sản xuất chip hàng đầu, ngay cả khi các quan chức thương mại của họ liên tục khẳng định không nhắm mục tiêu vào Trung Quốc.
Chuyến thăm gần đây nhất của một thủ tướng Nhật Bản tới Hàn Quốc là vào năm 2018. Thủ tướng khi đó là Shinzo Abe tham dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông ở Pyeongchang và có cuộc hội đàm riêng với Tổng thống khi đó là Moon Jae-in. Hội nghị thượng đỉnh song phương chính thức gần đây nhất tại Seoul của một nhà lãnh đạo Nhật Bản là vào tháng 10/2011.
"Đột phá" trong giải quyết vấn đề lịch sử
Tổng thống Yoon mới đây đề xuất một giải pháp cho tranh chấp lâu dài về bồi thường cho việc Nhật Bản sử dụng lao động cưỡng bức Hàn Quốc trong thời gian chiếm đóng bán đảo từ năm 1910-1945. Theo đề xuất, các công ty Hàn Quốc sẽ đóng góp vào quỹ bồi thường cho những người lao động Hàn Quốc phải nhập ngũ.
Các khoản tài chính nhằm tránh buộc các công ty Nhật Bản phải bồi thường, phù hợp với lập luận của Tokyo rằng các khoản này đã được chi trả theo một thỏa thuận từ năm 1965. Chính quyền của ông Biden hoan nghênh động thái này, gọi đây là một thỏa thuận “đột phá”. Dù vậy đề xuất của ông Yoon vấp phải tranh cãi trong nước.
Sau động thái này, Hàn Quốc đã đưa Nhật Bản trở lại danh sách các đối tác thương mại ưu tiên vào tháng 4. Cuối tháng đó, Bộ thương mại Nhật Bản bắt đầu lấy ý kiến công chúng về việc đưa Hàn Quốc trở lại danh sách các đối tác thương mại ưu tiên của Tokyo, nhằm tiến tới hợp lý hóa các quy trình xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Naoko Aoki, một nhà khoa học chính trị tại Rand Corp. ở Washington, cho biết nhiệm vụ chính của ông Kishida là thấu hiểu được những lời chỉ trích trong nước mà ông Yoon phải đối mặt về đề xuất chấm dứt tranh chấp bồi thường.
“Việc Thủ tướng Kishida có thể xoa dịu một số lo ngại ở Hàn Quốc hay không sẽ là một phần quan trọng của chuyến thăm,” chuyên gia này cho biết.
Hội nghị thượng đỉnh ở Seoul cũng có thể giúp thể hiện quan điểm của hai bên về vấn đề Đài Loan. Trong chuyến thăm của Tổng thống Yoon tới Washington vào tháng 4, Hàn Quốc đã đưa ra tuyên bố mạnh mẽ về vấn đề eo biển Đài Loan bằng cách bày tỏ sự phản đối với bất kỳ hành động đơn phương nào trong khu vực.