Nhật hoàng Akihito - vị quân vương "phá vỡ truyền thống"

Tú Anh (Theo CNN)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vị Nhật hoàng 85 tuổi được sinh ra là "con trai của một vị thần", nhưng thoái vị với tư cách là Nhà vua của nhân dân.

Hôm nay (30/4), Nhà vua Nhật Bản Akihito sẽ thoái vị ngai vàng lâu đời nhất trên thế giới, trở thành Hoàng đế đầu tiên của Nhật Bản làm việc này. Thái tử Naruhito, 59 tuổi, sẽ đăng quang vào ngày mai, bắt đầu kỷ nguyên Reiwa.

Nhật hoàng Akihito nổi tiếng với khả năng kết nối kỳ lạ với công chúng theo một cách mà không hoàng đế nào trong lịch sử Nhật Bản đã làm cũng như thể hiện thái độ “sâu sắc” đối với vết thương trong lịch sử Thế Chiến II có “gót chân” của Nhật Bản.

Nhà vua “phá vỡ truyền thống”

Sau khi phẫu thuật tim và phục hồi khỏi ung thư tuyến tiền liệt trong những năm gần đây, Nhật hoàng Akihito đã viện lý do sức khỏe để thoái vị.

 Nhà vua Nhật Bản Akihito.

"Tôi lo rằng bản thân sẽ gặp khó khăn khi thực hiện nghĩa vụ với tư cách là biểu tượng của đất nước với sức khỏe như bây giờ”, Nhà vua chia sẻ vào năm 2016, trong bài phát biểu trên truyền hình thứ hai của mình trong ba thập kỷ.

Tuyên bố của ông tạo tiền đề cho các nhà lập pháp Nhật Bản thay đổi luật pháp cho phép hoàng đế thoái vị, một năm sau đó.

Hitomi Tonomura, nhà sử học tại Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản của Đại học Michigan cho biết: "Động thái này giành được sự chú ý và tôn trọng từ người dân, khi nhận ra hoàng đế thực sự có ý chí của riêng mình".

Đó là một động thái cuối cùng phù hợp cho một vị quân vương thường xuyên "phá vỡ truyền thống". Ông là Nhà vua Nhật Bản đầu tiên kết hôn với một thường dân, trao đổi với các người dân trực tiếp trên truyền hình và tự tay nuôi dưỡng con cái.

Khi ông sinh ra vào năm 1933, Nhật Bản là một quốc gia rất khác so với ngày nay. Chiến tranh đang diễn ra và cha của ông, Nhà vua Hirohito, được tôn kính như một vị thần.

Năm 1937, quân đội Nhật Bản xâm chiếm Nam Kinh - lúc đó là thủ phủ của Trung Quốc – khiến khoảng 300.000 người Trung Quốc thiệt mạng trong một cuộc giao tranh kéo dài hàng tuần sau khi bị quân Nhật chiếm đóng, theo ước tính của Trung Quốc.

Năm 1940, Nhật Bản chính thức tham gia Thế chiến II phe Đức và Italia. Những năm chiến tranh vẫn là một thời kỳ gây tranh cãi trong lịch sử của quốc gia. Theo báo cáo của Liên Hợp quốc, có tới 200.000 phụ nữ , chủ yếu là người Hàn Quốc, bị lính Nhật bắt làm nô lệ tình dục trong Thế chiến II. Nhật Bản đã xin lỗi và nói rằng vấn đề đã được giải quyết, nhưng Hàn Quốc đã yêu cầu một lời xin lỗi và bồi thường chính thức hơn.

Khi Nhật hoàng Hirohito đã có bài phát biểu trên radio vào năm 1945, trong khi hầu hết người dân Nhật Bản chưa bao giờ nghe thấy giọng nói của ông trước đây, dù ông đã lên ngôi gần 20 năm.

Từ sau chiến tranh, Hiến pháp Nhật Bản đã được sửa đổi, theo đó quy định hoàng gia không còn quyền lực chính trị. 

Chữa lành vết thương

Năm 1989, Nhật hoàng Akihito, được trao một đất nước vẫn còn những vết thương chiến tranh. Triều đại của ông được gọi là thời đại Heisei, có nghĩa là "đạt được hòa bình" – và ông đã minh chứng đó là tên gọi phù hợp.

Vào tháng 5/1990, hơn một năm sau khi lên ngôi, Nhà vua Akihito đã tiếp đón Tổng thống Hàn Quốc lúc bấy giờ - Roh Tae-woo tại một bữa quốc yến nơi ông làm dậy sóng bằng cách thừa nhận trách nhiệm đối với các cuộc xâm lược thời chiến của Nhật Bản. "Tôi nghĩ về những đau khổ mà người dân (Hàn Quốc) đã trải qua trong thời kỳ không may này, do đất nước tôi mang lại, và không thể không cảm thấy hối tiếc sâu sắc", ông nói .

Năm 1992, Akihito trở thành Nhà vua Nhật Bản đầu tiên đến thăm Trung Quốc. Tại đây ông bày tỏ "một nỗi buồn sâu sắc" cho "thời kỳ không may trong đó đất nước tôi gây ra đau khổ lớn cho người dân Trung Quốc".

Ông cũng đã thực hiện một số chuyến đi đến Okinawa , nơi có khoảng 110.000 binh sĩ Nhật Bản và 100.000 dân thường thiệt mạng.

Nhà vua của nhân dân

Trong suốt ba thập kỷ cầm quyền của mình, Nhật hoàng Akihito đã có một cuộc sống "bình dân" hơn.

 Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko năm 1958. Họ gặp nhau lần đầu trong một trận đấu tennis năm 1957.

Để bắt đầu, ông trở thành Nhật Hoàng đầu tiên kết hôn với một thường dân. Ông gặp Hoàng hậu Michiko vào năm 1957 trong trận đấu quần vợt ở thị trấn núi Karuizawa. Sau khi kết hôn, họ thường quay lại nơi gặp nhau.

Khi Akihito còn nhỏ, ông bị tách khỏi cha mẹ và được nuôi dưỡng và giáo dục bởi những người quản gia và gia sư theo truyền thống của hoàng gia Nhật. Nhưng khi cặp vợ chồng hoàng gia sinh ra ba đứa con, Naruhito, Fumihito và Sayako Kuroda, họ đã từ chối sự hỗ trợ, thay vào đó là tự mình nuôi dạy những đứa trẻ - thậm chí còn bắt chúng tự chuẩn bị bữa trưa khi tới trường.

Trong thời gian rảnh rỗi, Nhật hoàng đã xuất bản các bài báo khoa học về gấu mèo, và biên soạn nghiên cứu về cá bống tượng - một loài cá bống được đặt theo tên ông.

Năm 2011, khi Nhật Bản quay cuồng sau trận động đất và sóng thần nghiêm trọng khiến hơn 20.000 người chết hoặc mất tích, Nhà vua Akihito đã thực sự củng cố danh tiếng của mình như một Nhà vua.

Ông cũng có cuộc nói chuyện với công chúng trên đài truyền hình, động thái đầu tiên của một Nhà vua Nhật Bản. "Tôi thực sự hy vọng các nạn nhân của thảm họa không bao giờ từ bỏ hy vọng, chăm sóc bản thân và sống mạnh mẽ cho ngày mai", ông nói.

Nhà vua và hoàng hậu đã tới các khu vực bị thảm họa tấn công và chia sẻ trực tiếp với những người sống sót.

Andrew Gordon, một học giả hàng đầu về lịch sử Nhật Bản hiện đại tại Đại học Harvard, cho rằng hành động của Akihito đã khiến gia đình Hoàng gia trở nên thân thiện hơn trước công chúng. 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần