Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhen nhóm hy vọng mới về lãi suất, chứng khoán Mỹ đảo chiều phá kỷ lục

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ có tuần giao dịch bùng nổ khi chỉ số giá nhà sản xuất mới một lần nữa củng cố cho kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 11.

Chứng khoán Mỹ có tuần tăng điểm thứ 5 liên tiếp. Ảnh: MSN
Chứng khoán Mỹ có tuần tăng điểm thứ 5 liên tiếp. Ảnh: MSN

Hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones lập kỷ lục mới trong phiên ngày 11/10 và khép lại một tuần thắng lợi, khi kết quả lợi nhuận của các “ông lớn” ngân hàng Mỹ mở ra một khởi đầu đầy hứa hẹn cho mùa báo cáo lợi nhuận quý 3.

Đóng cửa phiên ngày thứ Sáu, chỉ số S&P 500 leo dốc 0,61% lên 5.815,03 điểm, chỉ số Dow Jones nhảy vọt 409,74 điểm (tương đương 0.97%) lên 42,863.86 điểm. Cả 2 chỉ số này đều thiết lập mức cao kỷ lục. Chỉ số Nasdaq Composite cũng cộng 0,33% lên 18.342,94 điểm và chỉ còn thấp hơn so với mức cao kỷ lục chưa đầy 2%.

Theo chuyên gia trưởng về cổ phiếu Craig Sterling tại công ty Amundi US, đà tăng điểm của cổ phiếu đang diễn ra trên quy mô rộng hơn.

Cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ ghi nhận 5 tuần leo dốc liên tiếp, với S&P 500 và Nasdaq Composite cùng tăng 1,1%, trong khi Dow Jones nhích 1,2%.

Mùa báo cáo thu nhập quý 3 đã chính thức bắt đầu, được mở màn bởi các doanh nghiệp tài chính. Cổ phiếu JPMorgan Chase chốt phiên tăng 4,4% sau khi ngân hàng báo cáo lợi nhuận quý 3 vượt kỳ vọng và nâng dự báo thu nhập lãi suất hàng năm.

Ngân hàng Wells Fargo nhảy vọt 5,6% nhờ lợi nhuận vượt dự báo của các nhà phân tích. BlackRock cũng tăng 3,6% khi công ty quản lý tài sản báo cáo tổng tài sản quản lý đạt mức cao kỷ lục trong 3 quý liên tiếp. Các cổ phiếu khác trong ngành cũng tăng mạnh.

Chỉ số tài chính của S&P 500 tăng 4,2%, mức cao nhất kể từ tháng 2/2022 và trở thành động lực lớn nhất cho sàn Phố Wall.

Giới đầu tư cổ phiếu ở Mỹ thường xem kết quả kinh doanh của các ngân hàng như một thước đo về sức khỏe của nền kinh tế. Báo cáo tài chính của các ngân hàng lớn vì thế được xem như chỉ báo đáng tin cậy về một mùa báo cáo.

Giám đốc danh mục đầu tư và Trưởng chiến lược đa tài sản của UBS Asset Management, ông Evan Brown nhận định với Reuters: “Đây là một khởi đầu tốt cho mùa báo cáo thu nhập quý 3. Việc lĩnh vực tài chính hoạt động tích cực cũng chính là tín hiệu của một cuộc hạ cánh mềm”.

Trong phiên giao dịch ngày 11/10, giới đầu tư cũng phấn khích khi báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ giúp xoa dịu lo ngại của phiên trước đó về việc lạm phát dường như đang giảm với tốc độ không đủ nhanh.

Theo báo cáo, chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 9 tăng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 1,9% trong tháng 8. Dữ liệu này báo hiệu rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đạt được mục tiêu hạ cánh mềm - đưa lạm phát về mục tiêu 2% mà không khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Trước đó, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 công bố hôm 10/10 cho thấy lạm phát  cao hơn dự báo của giới chuyên gia. Số liệu này đã khiến nhà đầu tư lo ngại về sự dai dẳng của lạm phát và khiến chứng khoán Mỹ giảm điểm.

“Thị trường đang tự tin hơn về nền kinh tế. Mặc dù dữ liệu CPI tháng 9 có cao hơn một chút so với dự kiến, nhưng vẫn ở mức ổn định. Lạm phát chắc chắn đã hạ nhiệt và đó là dấu hiệu tích cực đối với các nhà đầu tư” – chiến lược gia thị trường toàn cầu Scott Wren tại Wells Fargo Investment Institute nói với Reuters.

Trong khi đó, Giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu tại TradeStation, ông David Russell, nhận định với đài CNBC rằng với số liệu PPI mới nhất, Fed vẫn có thể cắt giảm lãi suất khoảng 0,25% trong 2 cuộc họp chính sách tiếp theo. 

Theo công cụ FedWatch của CME Group, thị trường tương lai đang dự báo khả năng Fed hạ lãi suất ở mức 0,25% trong cuộc họp tháng 11 tới với xác suất là gần 90%.