Phản ứng quyết liệt chưa từng thấy của phía Trung Quốc cả về chính trị lẫn quân sự trên thực địa - ở vùng biển xung quanh Đài Loan - đã không làm Mỹ kiềm chế. Trái lại, phía Mỹ tiếp tục dấn tới và cho thấy chủ ý làm găng với Trung Quốc để đối phó với việc bị Trung Quốc làm găng liên quan đến Đài Loan.
Ngay sau chuyến đi Đài Loan của bà Pelosi, nhiều dân biểu thuộc cả hai đảng trong lưỡng viện lập pháp Mỹ theo nhau tới Đài Loan. Ai cũng quả quyết là Mỹ không thay đổi chính sách đối với Trung Quốc và Đài Loan, tức là Mỹ vẫn tuân thủ chính sách "Một Trung Quốc", nhưng tất cả đồng thời cũng lại khẳng định sự hậu thuẫn của Mỹ nhằm đảm bảo an ninh cho Đài Loan. Mới đây nhất, Mỹ lại cho tàu chiến đi qua Eo biển Đài Loan.
Xem ra, có hai điều rất đáng được để ý đến từ những diễn biến này. Thứ nhất, phía Mỹ chủ ý thể hiện cho thế giới bên ngoài thấy không bị khuất phục bởi những hình thức và mức độ phản ứng quyết liệt của phía Trung Quốc, thậm chí còn có thể cho rằng đối sách hiện tại thích hợp và hiệu quả nhất là dùng cương chế cương đối với Trung Quốc.
Thứ hai, chiều hướng diễn biến này trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ còn tiếp tục ít nhất cho tới cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ ở nước Mỹ vào đầu tháng 11 tới và chỉ có thể thay đổi nếu sau đấy có cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề cuộc gặp cấp cao thường niên năm nay của nhóm G20 ở Bali (Indonesia).
Phía Mỹ trấn an Đài Loan bằng việc thúc đẩy quan hệ với Đài Loan, khẳng định cam kết hậu thuẫn Đài Loan đảm bảo an ninh nhưng cũng còn bằng cả sự hiện diện quân sự trực tiếp ở vùng biển xung quanh Đài Loan, đặc biệt ở Eo biển Đài Loan.
Thông điệp ngầm của Mỹ khiến Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ nhất là Mỹ hàm ý coi Eo biển Đài Loan không phải vùng nội thủy của Trung Quốc. Đài Loan sẽ là vướng mắc càng ngày càng thêm khó khắc phục trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.