Ngày 18/1, tại Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (số 135 và 135 A Pasteur, quận 3, TP Hồ Chí Minh), Chương trình trao đổi lâm sản ngoài gỗ (NTFP-EP) Việt Nam kết hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp BSA tổ chức: "Chương trình xúc tiến thương mại - Phiên chợ sản phẩm OCOP - Đặc sản địa phương".
Sự kiện với khoảng 60 gian hàng gồm hàng trăm sản phẩm đại diện cho hơn 10 tỉnh, thành của cả nước. Trong đó, nổi bật nhất là những sản phẩm của cộng đồng đồng bào: Dao, Ba Na, E Đê, S’Tiêng, Rak Ray….
Với các dòng sản phẩm nổi bật đến từ các Tình thành vùng Tây Nguyên, vùng núi cao như mật ong Pơ Kao (Lâm Đồng), măng khô Bình Thuận, cà phê hữu cơ Lâm Đồng, các loại rau rừng, chuối hột rừng, bò khô Bahnar… Nhiều sản phẩm trong số đó đã đạt các chứng nhận về OCOP 3 sao, OCOP 4 sao, các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm hiện hành.
Bên cạnh đó, tại chương trình còn có các phiên giao thương tạo điều kiện cho các nhà sản xuất và nhà phân phối gặp gỡ trực tiếp, tìm kiếm cơ hội hợp tác và ký kết hợp đồng. Đồng thời, còn có hoạt động giao lưu văn hóa như múa cồng chiên, biểu diễn múa dân tộc; cũng như trình diễn ẩm thực và mời mọi người dùng thử các món ăn.
Ông Lê Viết Bình - Phó Chánh Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phụ trách khu vực phía Nam cho biết, Việt Nam là đất nước có một kho tàng vô cùng quý báu và đa dạng các sản phẩm bản địa, các đặc sản vùng miền. Đây vừa là vốn quý, lại vừa là niềm tự hào về bản sắc dân tộc. Sự kiện xúc tiến thương mại - phiên chợ sản phẩm OCOP - đặc sản địa phương không chỉ góp phần thúc đẩy, tiêu thụ nông sản, đặc sản OCOP mà còn là cơ hội giao lưu văn hóa, bản sắc cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
“Mục tiêu của OCOP không chỉ là tạo nên sản phẩm, mà còn là hình thành thế hệ doanh nông năng động, trách nhiệm, chung tay phát triển giá trị từ tài nguyên bản địa trở thành niềm tự hào cho cộng đồng, địa phương và đất nước” - ông Bình nhấn mạnh.